Khởi sắc từ Chương trình 135

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135), bộ mặt nông thôn của huyện Kông Chro, Gia Lai đã có sự thay đổi rõ nét, đời sống người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.
Yang Nam là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Kông Chro. Đời sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng phương thức, tư liệu sản xuất còn lạc hậu, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2016 còn hơn 67%. Trong 3 năm (2016-2018), được hỗ trợ hơn 5,3 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135, xã Yang Nam đã đầu tư hoàn thiện hệ thống điện lưới, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, sửa chữa phòng học tại các điểm trường, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất… Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đến cuối năm 2018 còn 38,8%; bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng.
  Hệ thống giao thông nông thôn xã Yang Nam được đầu tư hoàn thiện. Ảnh: Q.T
Hệ thống giao thông nông thôn xã Yang Nam được đầu tư hoàn thiện. Ảnh: Q.T
Bà Đinh Thị Viên (làng Hngãh, xã Yang Nam) phấn khởi cho biết: “Nhờ Nhà nước quan tâm đầu tư đường giao thông, hỗ trợ cây-con giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nên đời sống của người dân làng mình thay đổi nhanh chóng. Đường sá đi lại thuận tiện hơn, không còn lầy lội vào mùa mưa. Đặc biệt, đời sống gia đình mình đã khá hơn nhiều, không còn đói nghèo như trước nữa”.    
Ông Đinh Dam Ngứ-Bí thư Đảng ủy xã Yang Nam-cho hay: Thời gian qua, bên cạnh việc tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích của các công trình mang lại, từ đó chung tay quản lý, sử dụng tốt hơn, chính quyền xã cũng chú trọng đến việc lựa chọn, ưu tiên đầu tư các công trình cấp thiết, phù hợp với thực tiễn và có tính lan tỏa trong cộng đồng. Nhờ đó, đời sống của người dân ngày một cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm khoảng 6%; hạ tầng giao thông thuận tiện; 100% hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện…
Trong giai đoạn 2016-2018, huyện Kông Chro được đầu tư 44 tỷ đồng từ Chương trình 135, trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 40,6 tỷ đồng, vốn sự nghiệp duy tu bảo dưỡng hơn 2,3 tỷ đồng, vốn sự nghiệp nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở hơn 1 tỷ đồng. Qua đó, nhiều công trình quan trọng, thiết yếu đã được đầu tư kịp thời phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Các mô hình thí điểm được tiếp thu và nhân rộng; các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương được quan tâm hỗ trợ; các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp được đưa vào áp dụng góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, từng bước tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Có thể khẳng định, Chương trình 135 đã giúp 12 xã đặc biệt khó khăn của huyện Kông Chro ngày càng phát triển về mọi mặt. Đến nay, 100% thôn, làng đã có điện; mạng lưới y tế được củng cố, đội ngũ y-bác sĩ được tăng cường. Nhiều tuyến đường giao thông đã kết nối thôn, làng với trung tâm xã giúp bà con rút ngắn khoảng cách đi lại, thuận lợi trong việc giao thương, buôn bán, tạo động lực cho người dân địa phương vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống về mọi mặt, thoát nghèo bền vững.
Ông Vũ Đức Thịnh-Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Kông Chro-cho biết: “Những năm qua, nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình 135 đã giúp bộ mặt nông thôn ở các xã có sự chuyển biến rõ nét, hàng ngàn lượt hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn để từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ sở. Đồng thời, huyện tiếp tục dành nguồn vốn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương nhằm tạo thuận lợi cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.
Cũng theo ông Thịnh, Kông Chro là huyện nghèo, có xuất phát điểm thấp nên nhu cầu đầu tư về cơ sở hạ tầng còn rất lớn, trong khi định mức vốn hàng năm phân bổ còn ít. Do đó, thời gian tới, huyện rất mong cấp trên có cơ chế, chính sách quan tâm hơn nữa để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
 QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

Siết chặt quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh

Siết chặt quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh

(GLO)- Huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) có nhiều diện tích rừng và đất rừng giáp ranh với các huyện Sa Thầy, Kon Rẫy và TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum). Những năm qua, khu vực rừng giáp ranh luôn tiềm ẩn nguy cơ bị xâm hại. Vì vậy, huyện luôn chủ trương siết chặt quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh.
Gia Lai chuyển đổi 5.458 ha cây trồng kém hiệu quả

Gia Lai chuyển đổi 5.458 ha cây trồng kém hiệu quả

(GLO)- Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai vừa tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng  cuối  năm 2024. Báo cáo tại hội nghị cho biết từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã chuyển đổi 5.458 ha cây trồng kém hiệu quả.
Tích hợp đa giá trị

Tích hợp đa giá trị

Sau lễ phát động Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa) tại Hậu Giang cuối năm 2023.
Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới nhiều tuyến đường giao thông nội ở buôn Bluk được bê tông hóa. Ảnh: Lê Nam

Buôn Bluk đổi thay nhờ xây dựng nông thôn mới

(GLO)- Làng quê giàu đẹp, văn minh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao là những thành tựu từ việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trong làng đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn Bluk, xã Phú Cần, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai).
Hỗ trợ nông dân canh tác lúa chất lượng cao

Hỗ trợ nông dân canh tác lúa chất lượng cao

(GLO)- Để giúp người dân từng bước thay thế các giống lúa đã bị thoái hóa, từ năm 2022 đến nay, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã dành hơn 5 tỷ đồng triển khai cánh đồng lúa một giống chất lượng cao với diện tích 1.400 ha/4.532 hộ tham gia.