Khởi nghiệp với nông sản Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với tình yêu quê hương, đất nước, chàng trai Mỹ gốc Việt đã gây dựng nhiều thương hiệu nông sản giá trị cùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngày càng có nhiều người Việt khắp nơi trên thế giới trở về quê hương lập thân, lập nghiệp bởi họ muốn đóng góp cho quê cha đất tổ của mình. Daniel Nguyễn Hoài Tiến là một trong số đó.
"Ba cùng" với bà con dân tộc thiểu số
Daniel Nguyễn Hoài Tiến sinh ra và lớn lên tại bang California - Mỹ, nơi có rất đông người Việt sinh sống. Sau khi tốt nghiệp đại học, Daniel làm nhiều việc liên quan đến các lĩnh vực môi trường, tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp và phát triển kinh tế cộng đồng.
Năm 2008, lần đầu tiên anh cùng gia đình về Việt Nam thăm quê hương. Bốn năm sau, anh trở lại với tư cách là chuyên gia tư vấn hướng phát triển cho vùng đồng bằng sông Cửu Long đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. "Như một bước ngoặt của cuộc đời mình vậy. Tôi cảm nhận được con người Việt của mình phải thuộc về đất nước này nên năm 2014, tôi đã quyết định đầu tư lâu dài ở Việt Nam. Được đi nhiều nơi, đến những vùng sâu xa nhất của Việt Nam tôi bị khuất phục bởi văn hóa, ẩm thực và tập quán của người dân nơi đây và nó thôi thúc tôi phải làm cái gì đó để giúp đỡ họ lâu dài" - Daniel nói.

Daniel Nguyễn Hoài Tiến (giữa) cùng các cộng sự
Daniel Nguyễn Hoài Tiến (giữa) cùng các cộng sự
Không giống như một số bạn trẻ chọn thành phố làm nơi khởi nghiệp, Daniel chọn đến vùng sâu, vùng xa, đến với bà con dân tộc thiểu số. Sau một quá trình làm dự án liên quan đến hoạt động giao đất, giao rừng cho bà con dân tộc thiểu số, Daniel quyết định trở lại vùng cao để đầu tư phát triển các chuỗi sản phẩm truyền thống, gắn liền bản sắc văn hóa của người dân địa phương. Bằng kinh nghiệm, anh hướng dẫn bà con dân tộc trong cách chăn nuôi, trồng trọt để tăng năng suất, sản lượng, nâng cao đời sống. Anh cũng tập trung thu mua, bao tiêu nhiều giống nông sản bản địa cho bà con dân tộc H’mông, Dao, Thái, Tày... "Bà con canh tác trên nương rẫy để có ngũ cốc, lương thực, thảo quả, hạt, kể cả dệt vải. Tôi xây dựng thương hiệu, phân phối ra thị trường và xuất khẩu ra nước ngoài. Tôi giúp bà con thành lập hợp tác xã ở 2 huyện Si Ma Cai và Sa Pa, tỉnh Lào Cai thu mua ngô, thóc, thảo mộc, gia vị... tùy theo mùa. Thương lái thu mua ngô với giá 4.000 đồng/kg thì tôi mua 15.000 đồng/kg" - Daniel kể.
Không chỉ giúp người dân tộc kế sinh nhai, Daniel cũng bắt đầu nghiên cứu và cho ra đời nhiều loại sản phẩm gắn liền với nông nghiệp. Rượu whisky từ hạt ngô, rượu dân tộc Dao Đỏ làm từ hạt thóc và Công ty TNHH Sông Cái Distillery đã đưa tên tuổi của Daniel vượt biên giới Việt Nam đến với nhiều thị trường lớn. Sông Cái Distillery là công ty chưng cất và phát triển thương hiệu Gin đầu tiên của Việt Nam, đã đoạt 3 huy chương vàng và huy chương bạch kim trong nhiều cuộc thi quốc tế uy tín ở Anh, Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc).
Quảng bá nông sản Việt
Daniel không chỉ cam kết tạo công ăn việc làm, bảo đảm đầu ra mà còn chuyển giao công nghệ, cung cấp máy móc, xây dựng nhà xưởng, kho, hướng dẫn bà con cách sơ chế để tăng nguồn thu nhập. "Đối với tôi, doanh nghiệp không chỉ khai thác cơ hội kinh doanh, giúp ích cho cộng đồng và đất nước mà còn đóng vai trò làm đại sứ thương hiệu cho nước nhà. May mắn là trong thời gian làm kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của Chính phủ và nhà nước, từ Bộ Ngoại giao cho đến những sở nông nghiệp và phát triển nông thôn ở các tỉnh chúng tôi có hoạt động" - Daniel nói thêm.
Theo Daniel, Việt Nam xuất khẩu nhiều nông sản nhưng chủ yếu tập trung ở phần nguyên liệu thô nên giá trị nông sản thu về chưa cao, đời sống nông dân chưa cao và bản thân nhà nông chưa thật sự chuyên nghiệp trong nuôi trồng, chăm sóc. Về giải pháp tìm chỗ đứng cho nông sản Việt hiện nay, chàng trai gốc Việt này cho rằng cần đẩy mạnh tầm quan trọng và quảng bá cho các nông sản đã có chỉ dẫn địa lý, thể hiện sự hỗ trợ của nhà nước đối với những hộ gia đình, những doanh nghiệp tuân thủ các quy định của nhà nước. Bởi nếu không kiểm soát tốt vấn đề này thì những người tuân thủ đúng luật sẽ bị thiệt.
"Cần phải đẩy mạnh phát triển thương hiệu ở phân khúc hàng cao cấp và xuất khẩu nông sản quý dưới các hình thức sản phẩm tiêu dùng đã được chế biến đồng thời đi kèm với các câu chuyện và văn hóa Việt Nam. Để làm được điều này thì bảo tồn giống cổ Việt Nam, bảo tồn các giá trị văn hóa để bản thân người Việt Nam trong nước thấy tự hào để giới thiệu với bạn bè quốc tế, đồng thời thể hiện hình ảnh, tính cách độc đáo khác biệt so với các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực, châu lục. Tôi hy vọng Việt Nam mình sẽ ngày càng phát triển, sớm có tên trên bản đồ thế giới trong lĩnh vực hàng cao cấp" - Daniel kỳ vọng.
Theo Daniel, để khởi nghiệp thành công ở Việt Nam, trước hết là phải có tình yêu quê hương, lòng say mê nghề và hơn hết phải "ba cùng" - cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con dân tộc thiểu số. Chàng trai trẻ mong muốn sớm nhập quốc tịch Việt Nam bởi đó không chỉ là lòng tự hào mà còn giúp anh đưa sản phẩm nông nghiệp của bà con dân tộc thiểu số ra thị trường thế giới. Con đường phía trước chắc chắn còn nhiều khó khăn nhưng với Daniel, đó là cách anh thể hiện tình cảm với quê hương, đất nước mà theo cách nói của anh, đó là trách nhiệm với Việt Nam. 
Việt Nam luôn trong trái tim

"Ấn tượng về Việt Nam của mình lúc còn nhỏ là hình chữ S khi bố vẽ trên giấy, mẹ nói về cách ăn cơm bằng đũa... Tuy nhiên, mọi thứ rất mơ hồ, không rõ ràng. Khi lần đầu về Việt Nam, tôi nhìn thấy bố tôi, người đàn ông mạnh mẽ nhất trong gia đình, bật khóc. Đó là giây phút mình sẽ nhớ mãi trong cuộc đời và ngay lúc đó mình nhận ra, Việt Nam rất đặc biệt trong trái tim mình" - Daniel Nguyễn Hoài Tiến nhớ lại.

Giang Lam (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.