Khơi dậy sự sáng tạo trong học sinh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những vật liệu như lon bia, ống hút, chai nhựa, bìa carton… qua sự sáng tạo của các em học sinh đã trở thành những vật dụng độc đáo, có tính ứng dụng cao. Các sản phẩm này đã được bày bán tại “Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo vì bạn năm 2019” do Thành Đoàn Pleiku, Nhà Thiếu nhi tỉnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku phối hợp tổ chức ngày 12-1.
Những ý tưởng độc đáo
Ngay từ sáng sớm, hàng trăm học sinh và phụ huynh các trường học trên địa bàn thành phố đã có mặt tại sân Nhà Thiếu nhi tỉnh để tham gia chương trình “Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo vì bạn”. Có 12 gian hàng của 55 trường học trên địa bàn TP. Pleiku tham gia ngày hội, mỗi gian hàng bày bán 200 sản phẩm tái chế đa dạng như: túi xách, mô hình nhà, lọ cắm hoa, đồ chơi, lọ đựng bút, cặp sách… Bên cạnh đó, một số gian hàng còn bán thêm truyện tranh, đồ chơi trẻ em, thú nhồi bông…, là những đồ vật quyên góp từ các em học sinh để tạo sự đa dạng, phong phú cho gian hàng. Để mời gọi khách hàng và tạo điểm nhấn cho gian hàng, một số học sinh đã hóa trang thành các nhân vật ngộ nghĩnh như ông địa, chú hề hay chơi nhạc cụ tạo không khí sôi nổi.
Một khách hàng quan tâm đến sản phẩm túi xách làm từ lon bia được bày bán tại ngày hội. Ảnh: T.B
Một khách hàng quan tâm đến sản phẩm túi xách làm từ lon bia được bày bán tại ngày hội. Ảnh: T.B
Gian hàng của cụm thi đua số 1 (gồm 10 liên đội trên địa bàn TP. Pleiku) khá thu hút khi trưng bày gần 200 sản phẩm độc đáo và lạ mắt. Đó là đồ chơi làm bằng bìa carton, lẵng hoa bằng giấy báo, ngôi nhà bằng ống hút hay que kem…, mỗi sản phẩm có giá 10.000-20.000 đồng. Giá rẻ mà sản phẩm lại rất bắt mắt nên các “nhân viên bán hàng” ở đây không có thời gian nghỉ ngơi. Tham gia bán hàng cùng các em, cô Nguyễn Thị Bích Phượng-Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh-cho biết: “Tất cả những sản phẩm này đều do các em học sinh tự làm dưới sự hướng dẫn của thầy-cô giáo. Dù mất khá nhiều thời gian nhưng các em đều rất thích thú tham gia. Chỉ trong một buổi sáng, chúng tôi đã bán được hơn 100 sản phẩm, có người mua tới 5 sản phẩm”.
Cùng với việc bày bán sản phẩm tái chế, mỗi trường còn chọn ra những sản phẩm đẹp và ấn tượng nhất để Ban tổ chức chấm điểm. Theo đó, các mô hình như:  “Biển đảo Trường Sa” của Liên đội Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, “Thùng rác thân thiện” của Liên đội Trường Tiểu học Chu Văn An, “Khu bảo tồn động vật” của Liên đội Trường Tiểu học Trần Quý Cáp, “Tây Nguyên hướng về biển đảo” của Liên đội Trường Tiểu học Lê Hồng Phong đã được Ban tổ chức đánh giá cao về tính sáng tạo cũng như ý nghĩa sâu sắc. Các sản phẩm này sau đó đã được đem ra đấu giá tại chương trình với giá từ 100.000 đồng đến 2 triệu đồng để hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó.
Ý nghĩa thiết thực
Anh Phan Minh Đức-Bí thư Thành Đoàn Pleiku: “Tái chế xanh, trái đất sạch” là chủ đề và cũng là thông điệp chúng tôi gửi đến ngày hội nhằm giúp các em học sinh hiểu hơn về việc tận dụng những vật dụng tái chế, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các em cũng như phụ huynh. Bên cạnh đó, ngày hội cũng nhằm giáo dục các em tinh thần sẻ chia, quan tâm đến các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn”.

Đó là điều mà ai tham gia ngày hội cũng đều nhận thấy, từ đó ý thức được việc phân loại rác thải tái chế và rác thải không thể tái chế, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Em Hồ Viết Minh Huy (lớp 6/7, Trường THCS Nguyễn Huệ) vui vẻ cho biết: “Tham quan các gian hàng, em mua mô hình đồ chơi đá bóng được làm từ vật dụng tái chế rất đẹp mà các cửa hàng đồ chơi không có. Khi tham gia ngày hội, em biết nhiều hơn về những loại rác thải có thể tái chế thành vật dụng ý nghĩa. Sắp tới, em sẽ tự tìm tòi, nghiên cứu để làm ra nhiều sản phẩm phục vụ cho gia đình”.
Đến với ngày hội từ sáng sớm, chị Thịnh Thị Thương (phường Yên Đổ , TP. Pleiku) đã chọn mua nhiều sản phẩm độc đáo và đẹp mắt. Khá ưng ý khi mua được một chiếc túi xách được làm từ những nắp lon bia chỉ với 20.000 đồng, chị Thương cho biết: “Nhìn các sản phẩm tái chế, tôi khá bất ngờ vì các cháu học sinh rất sáng tạo và khéo tay. Những vật dụng bỏ đi như hộp sữa, que kem đã được tận dụng làm thành những sản phẩm hữu ích. Hy vọng sẽ có thêm nhiều chương trình như thế này để phát huy tính sáng tạo của các cháu”.
Với tính tiện ích, giá rẻ, sử dụng được trong gia đình, sản phẩm tái chế bán ra từ các gian hàng đã thu được hơn 28 triệu đồng(tính cả số tiền bán đấu giá). Số tiền này sau đó đã được Ban tổ chức trao trực tiếp cho 49 học sinh có hoàn cảnh khó khăn của các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố. Em Nguyễn Thị Ngọc Hân (lớp 6/4, Trường THCS Trần Phú), một trong những học sinh được nhận hỗ trợ, chia sẻ: “Nhận được sự hỗ trợ từ công sức làm đồ dùng tái chế của các bạn, em rất vui. Đây là món quà rất ý nghĩa đối với gia đình em”.
 Phan Lài

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.