Khi quân đội đi vào tâm dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cuộc chiến với dịch Covid-19 đã đến hồi quyết liệt nhất. Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ đã trở thành điểm nóng của dịch bệnh. Quân đội đã phải vào cuộc với tinh thần tất cả vì sự an toàn sinh mạng cho người dân, vì sự bình yên, vì sự ổn định và phát triển của đất nước.
Đây không phải là lần đầu tiên quân đội được lệnh điều động với quân số đông từ Trung ương đến các quân khu, địa phương để thực hiện một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng, liên quan đến sinh mạng của hàng chục vạn người dân.
Là đội quân sinh ra từ Nhân dân, những người lính Cụ Hồ luôn lấy việc phục vụ Nhân dân làm mục tiêu hành động. Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng thế mà trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước cũng vậy, bất cứ nơi đâu và lúc nào, Tổ quốc và Nhân dân cần, các anh luôn có mặt kịp thời, vô điều kiện. Từ chiến công “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” ở chiến trường Điện Biên Phủ, đến đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; từ chiến trường biên giới Tây Nam đến cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới phía Bắc… lịch sử đất nước luôn dành những trang chói lọi nhất, vinh quang nhất để ghi tạc chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam. 
Đất nước hòa bình, khi toàn dân bắt tay vào dựng xây cuộc sống mới trên đống hoang tàn đổ nát, những binh đoàn đồng bằng, những đội quân khai hoang lại tiếp tục vác ba lô lên đường, cùng với người dân biến những vùng đất chua phèn ở miền Tây Nam Bộ thành những cánh đồng vàng; biến những vùng rừng núi hoang vu ở Tây Nguyên thành những nông trường cao su, cà phê xanh ngút ngàn; mang lại cuộc sống ấm no cho hàng triệu đồng bào ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Những mùa giông bão ùa về, mưa giăng trắng trời, người dân mất đất mất nhà, sinh mạng bao người treo trên đầu ngọn lũ; vì cuộc mưu sinh, bao người phải vùi thân dưới bùn đất, mất xác nơi sông sâu suối dữ, sự có mặt kịp thời của người lính luôn là điểm tựa để người dân thấy mình không đơn độc. Bất chấp hiểm nguy, các anh luôn xông pha ra tuyến đầu để cứu dân, thu dọn bùn đất, dựng lại nhà cửa, giúp dân gầy dựng lại cuộc sống khi thiên tai qua đi.    
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 (Quân khu 7) lên đường hỗ trợ TP. Hồ Chí minh phòng-chống dịch Covid-19 ngày 22.8. Ảnh: Bộ quốc phòng
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 (Quân khu 7) lên đường hỗ trợ TP. Hồ Chí minh phòng-chống dịch Covid-19 ngày 22-8-2021. Ảnh: Bộ Quốc phòng
Còn giờ đây, đại dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp, tàn phá dữ dội nhất, gây nên bao mất mát đau thương cho cuộc sống người dân và tình hình kinh tế-xã hội đất nước. Từ TP. Hồ Chí Minh, dịch đã lan mạnh ra Bình Dương, Đồng Nai, Long An trở thành một vùng dịch lớn nhất, phức tạp nhất cả nước khi các khu công nghiệp bị vi rút SARS-CoV-2 tấn  công.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chung tay chống dịch. Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát các bộ, ngành, chính quyền địa phương triển khai mạnh mẽ công tác phòng-chống dịch. Chỉ thị số 15/CT-TTg, rồi Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, những biện pháp mạnh mẽ nhất đã được áp dụng. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, hơn 14.000 nhân lực y tế khắp cả nước đã tình nguyện vào giúp các tỉnh phía Nam chống dịch; người dân phải chấp nhận cuộc sống khó khăn, bí bách do áp dụng các quy định phòng-chống dịch của Chính phủ và chính quyền địa phương. Thế nhưng, trải qua gần 3 tháng từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, dịch vẫn chưa được ngăn chặn, số ca mắc mới Covid-19 liên tục tăng và hiện đã lên hơn 10.000 ca mỗi ngày, thậm chí là trên 11.000 ca; số người chết đã lên 3 con số với trên 300 sinh mạng mỗi ngày. 
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định huy động lực lượng lớn cán bộ, chiến sĩ, bác sĩ quân y từ phía Bắc lên đường vào Nam giúp TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận chống dịch với tinh thần giúp người dân yên tâm “ai ở đâu ở yên đó” với mục tiêu chậm nhất đến 15-9 phải ngăn chặn được dịch bệnh.
Sự có mặt của quân đội mấy ngày qua đã thành điểm tựa tinh thần rất lớn đối với người dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng tâm dịch vì đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự; nâng cao tính kỷ luật, ý thức chấp hành quy định phòng-chống dịch của người dân thông qua việc điều tiết và cung cấp nhu yếu phẩm đến tận nhà dân để người dân yên tâm ở yên trong nhà.
Hy vọng với sự chuẩn bị kỹ càng, sự tính toán khoa học cùng tinh thần kỷ luật thép của quân đội, hy vọng dịch bệnh sẽ được khống chế trong thời gian sớm nhất để cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới; sức khỏe, tính mạng người dân được bảo vệ; nhà máy, xí nghiệp sẽ nhộn nhịp trở lại, những thiệt hại cho nền kinh tế đất nước sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất.
ĐÌNH CƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.