Khánh Hòa tập trung phát triển du lịch biển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nha Trang-Khánh Hòa đã và đang trở thành trung tâm du lịch biển có sức thu hút mạnh mẽ. Song, để trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 09 NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị, về xây dựng phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 còn có rất nhiều việc phải làm.

Phố biển Nha Trang.
Phố biển Nha Trang.
Khánh Hòa có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, nhất là cảnh quan môi trường sinh thái trong phát triển du lịch biển. Khí hậu tốt đã tạo điều kiện cho hoạt động du lịch ở Khánh Hòa có thể diễn ra quanh năm. Nhiều năm trở lại đây, tỉnh được biết đến như một điểm đến du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí biển hấp dẫn với nhiều khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí cao cấp. Và thực tế đến nay, Nha Trang-Khánh Hòa đã trở thành trung tâm du lịch biển có sức hút khách quốc tế với hệ thống cơ sở lưu trú hiện đại cấp từ 4 đến 5 sao, đáp ứng tốt nhu cầu của những đoàn khách đến nghỉ dưỡng và phát triển du lịch MICE.
Những địa điểm du lịch Khánh Hòa thường gắn liền với biển, đảo, thiên nhiên và di tích lịch sử, với khí hậu ôn hòa, cảnh sắc tuyệt đẹp và con người thân thiện. Ðến với Nha Trang-Khánh Hòa, du khách thường tìm đến những khu vực biển đảo, để tận hưởng gió mát trăng thanh của miền thùy dương cát trắng; hoặc ngâm mình trong làn nước biển trong veo. Trên mạng xã hội, nhiều địa chỉ du lịch biển Nha Trang đã xuất hiện và có sức thu hút lớn, như: đảo Robinson Nha Trang với biển xanh trong vắt, bãi cát hoang sơ; đảo Yến Nha Trang cảnh sắc thiên nhiên, nước biển trong lành và nhiều hang có đầy tổ chim yến; đảo Ðiệp Sơn có con đường đi bộ giữa biển độc đáo có một không hai ở Việt Nam…
Cũng vì thế mà hầu hết các hoạt động tại Festival biển Nha Trang-Khánh Hòa hằng năm đều gắn với biển, đảo. Ðặc biệt, lễ hội cầu ngư được tái hiện sinh động trên đường Trần Phú. "Lễ hội này lưu giữ được nét văn hóa độc đáo của cư dân vùng biển. Ðây đúng là nghệ thuật đường phố, do những người làm nghề ngư phủ, trực tiếp biểu diễn. Người xem, người diễn hòa vào nhau, tạo thành không gian của lễ hội", nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Tứ Hải cho biết.
Khoảng 10 năm trở lại đây, Nha Trang-Khánh Hòa tập trung mạnh mẽ việc đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch biển. Trên đường từ Nha Trang vào sân bay Cam Ranh, nhìn về phía biển Bãi Dài là hàng loạt dự án lớn, những khu nghỉ dưỡng cao cấp đã và đang hoàn thành. Tùy điều kiện tự nhiên, mỗi khu nghỉ dưỡng xây dựng theo một dáng dấp riêng, có một nét đẹp riêng. Còn ở phía tây đại lộ Nguyễn Tất Thành là các trung tâm vui chơi giải trí, dịch vụ, tài chính, công viên chuyên đề… đang hình thành. Nhiều du khách nhận xét, khu vực này quả là "một viên ngọc thật sự".
Cùng với đó, nhiều dịch vụ giải trí, thể thao biển ở Nha Trang-Khánh Hòa đã được đưa vào hoạt động như chèo thuyền du lịch, kéo dù bằng ca-nô, lướt ván, đua thuyền, bóng chuyền bãi biển… Ðặc biệt, loại hình ngắm biển bằng dù lượn, khinh khí cầu, máy bay mô hình đang được rất nhiều khách du lịch yêu thích. Du lịch thể thao, du lịch lặn biển, du lịch khám phá văn hóa địa phương và thưởng thức ẩm thực cũng được du khách yêu thích lựa chọn. Các sản vật địa phương liên quan biển cũng theo đó mà phát triển thành thương hiệu, đậm dấu ấn địa phương, góp phần đáng kể vào việc phát triển sản phẩm gắn với các tour du lịch, có thể kể đến một số sản phẩm nổi tiếng như yến sào Khánh Hòa, khô mực, nước mắm Nha Trang…
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Khánh Hòa, du lịch biển góp phần quan trọng thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác; tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống của người dân ở vùng ven biển; góp phần bảo đảm an ninh-quốc phòng, bảo vệ môi trường biển, đảo.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, kết quả mang lại từ dịch vụ, du lịch biển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của Khánh Hòa. Sản phẩm du lịch biển chưa đa dạng; quy hoạch của nhiều bãi biển đẹp bị phá vỡ; kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển và hải đảo còn yếu, chưa đồng bộ, chưa hình thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn… Một số chuyên gia chỉ rõ, sản phẩm du lịch biển của Khánh Hòa còn thiên về du lịch nghỉ dưỡng truyền thống, chưa có nhiều hoạt động để thu hút và kích thích nhu cầu tiêu dùng của khách đến, thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm về đêm quy mô lớn đáp ứng nhu cầu cho du khách; sản phẩm du lịch biển chậm được đầu tư đổi mới nâng cao chất lượng; đầu tư nâng cấp hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, không kịp đáp ứng yêu cầu.

Lặn khám phá đại dương ở vịnh Nha Trang.
Lặn khám phá đại dương ở vịnh Nha Trang.
Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi khuyến nghị, để du lịch biển Khánh Hòa phát triển bền vững, hướng tới đẳng cấp quốc tế, cần gắn phát triển du lịch với bảo tồn vịnh Nha Trang cũng như bảo đảm sinh kế cho ngư dân. Trong quá trình hoàn chỉnh và triển khai quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần chú trọng đầu tư phát triển Nha Trang thành đô thị du lịch; khu du lịch bắc bán đảo Cam Ranh là khu du lịch quốc gia; khu vực Bắc Vân Phong là trung tâm kinh tế, du lịch của tỉnh định hướng liên kết vùng và cả nước. Cùng với đó, Khánh Hòa cần cơ cấu lại không gian phát triển du lịch, chủ động mở rộng không gian ra các vùng lân cận như Bãi Dài, Nam Vân Phong, Ninh Hòa... để làm mới diện mạo của khu đô thị du lịch biển và tăng sức thu hút khách du lịch.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết, ngành đang đầu tư nâng cấp sản phẩm du lịch biển đảo hiện có; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp tiềm năng và lợi thế của địa phương để liên kết các sản phẩm du lịch các tỉnh trong khu vực; chú ý phát huy yếu tố văn hóa của từng địa phương trong phát triển du lịch biển nhằm tạo dấu ấn riêng, thu hút khách. Hiện địa phương đang kiến nghị Chính phủ xem xét, có cơ chế hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối để tạo động lực thu hút đầu tư du lịch tại ba vùng động lực phát triển của tỉnh; xem xét bổ sung Khánh Hòa vào danh mục các địa phương được phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau theo đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
"Ðây là những giải pháp nhằm khắc phục những bất cập, khó khăn mà ngành đang phải đối mặt. Chúng tôi hướng đến sự chọn lọc, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, từ đó sẽ cơ cấu được các dòng khách khi đến với Khánh Hòa; tập trung bảo đảm môi trường phát triển du lịch bền vững, không mang tính xô bồ, không chạy theo số lượng", bà Nguyễn Thị Lệ Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo bà Thanh, Khánh Hòa đang tập trung thực hiện đồng thời quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cùng với các quy hoạch vùng, địa phương, bao gồm quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết về sử dụng vùng biển, bờ biển, tài nguyên biển, tạo cơ sở cho quá trình triển khai xây dựng chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế biển. Khánh Hòa sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp: quy hoạch, phát triển hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, nhằm huy động mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển theo hướng ưu tiên trước hết cho dịch vụ du lịch biển chất lượng cao.
Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch biển hiện có và phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch biển chất lượng cao, đi đôi với bảo vệ, tôn tạo và phát triển nguồn tài nguyên, hệ sinh thái biển, cải thiện môi trường du lịch nhằm bảo đảm cho sự phát triển bền vững lâu dài. Bên cạnh việc chủ động đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các địa phương, tạo ra nhiều cung đường "xanh" kết nối du lịch, tỉnh cũng chủ trương xây dựng nhiều chương trình, chính sách phối hợp kích cầu linh hoạt; thúc đẩy quảng bá du lịch để mời gọi du khách trở lại.
Theo Bài và ảnh: PHONG NGUYÊN (NDĐT)
 

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.