Khẩn trương hoàn thiện quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tạo bước đột phá trong phát triển; xây dựng Gia Lai phát triển nhanh và bền vững trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường là kỳ vọng khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt và đưa vào triển khai. Trên cơ sở góp ý của các chuyên gia, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang tiếp tục được hoàn thiện để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Quy hoạch kiến tạo tương lai

Theo báo cáo Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây là lần đầu tiên các quy hoạch ngành, lĩnh vực được tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Gia Lai xác định nội dung cốt lõi, chiến lược của quy hoạch tỉnh gồm 5 đột phá lớn và 5 nhiệm vụ trọng tâm; xác định mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, trở thành vùng động lực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên; đến 2050 là một “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”.

Đồng thời, xác định mô hình cấu trúc không gian tỉnh Gia Lai là “1 tâm-2 cửa ngõ-3 trục-4 tiểu vùng”, sẽ phát huy tiềm năng và lợi thế chính trị, kinh tế, văn hóa, tạo dựng các trung tâm, các trục hành lang, vùng chức năng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Theo quy hoạch, phương án phát triển ngành kinh tế quan trọng của Gia Lai sẽ dựa trên nền tảng công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp-dịch vụ truyền thống sang kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Đến năm 2050, Gia Lai sẽ có GRDP bình quân đầu người tương đương với cả nước. Thành phố Pleiku sẽ là trung tâm kinh tế động lực vùng Bắc Tây Nguyên, liên kết năng động với các trục hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 19, quốc lộ 25, Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và hình thành mới các trung tâm kinh doanh-sản xuất “đổi mới sáng tạo”, ứng dụng công nghệ số trên tất cả các ngành, lĩnh vực, tập trung vào nông sản sạch, du lịch địa chất-di sản, công nghiệp chế biến và dịch vụ giá trị cao.

Gia Lai tích cực đầu tư hạ tầng để tăng cường liên kết vùng. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai tích cực đầu tư hạ tầng để tăng cường liên kết vùng. Ảnh: Hà Duy

Còn về phương án phát triển trên lĩnh vực xã hội quan trọng, quy hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2030, Gia Lai là vùng sinh thái nhân văn đặc trưng vùng cao nguyên Pleiku, Kon Hà Nừng; hình thành cộng đồng có lối sống xanh, lấy sức khỏe con người làm trung tâm, gìn giữ bản sắc văn hóa đa sắc tộc, có trách nhiệm với môi trường tự nhiên. Nâng cao tri thức cộng đồng và chất lượng nguồn nhân lực trong các lĩnh vực, nhất là khoa học công nghệ, dịch vụ mới mang tính đặc thù của kinh tế-xã hội Gia Lai.

Quy hoạch cũng thể hiện phương án tổ chức hoạt động kinh tế-xã hội, trong đó gồm bố trí không gian các công trình, dự án quan trọng, các vùng bảo tồn đã được xác định ở quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trên địa bàn tỉnh (như các dự án giao thông quan trọng cấp quốc gia gồm: đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Tây; đoạn Ngọc Hồi (Kon Tum)-Pleiku (Gia Lai) dài 25 km, quy mô 6 làn xe; đoạn Pleiku (Gia Lai)-Buôn Ma Thuột (Đak Lak) dài 72 km, quy mô 6 làn xe; tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku-Lệ Thanh); phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội của tỉnh, xác định khu vực khuyến khích phát triển và khu vực hạn chế phát triển…

Cùng với đó, quy hoạch còn thể hiện phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn và các khu chức năng với quan điểm phát triển đô thị bền vững, lấy con người làm trọng tâm, góp phần xây dựng tỉnh Gia Lai là “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”; quy hoạch các điểm dân cư nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, phù hợp với môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuyến đường Trần Phú sầm uất của thành phố Pleiku. Ảnh: Hà Duy

Tuyến đường Trần Phú sầm uất của thành phố Pleiku. Ảnh: Hà Duy

Một trong những mục tiêu quan trọng của Gia Lai trong thời gian tới chính là xây dựng TP. Pleiku trở thành trung tâm động lực tổng hợp, trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh. Dự kiến đến năm 2030, Pleiku sẽ là một thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”, điểm đến quốc tế về du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thể dục thể thao; là một đô thị thông minh, có kết cấu hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, nền văn hóa đậm bản sắc văn hóa địa phương.

Quy hoạch xác định tính chất của Pleiku là đô thị loại I thuộc tỉnh, đô thị động lực vùng Bắc Tây Nguyên, là trung tâm chính trị, hành chính, quốc phòng-an ninh, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục-đào tạo, công nghiệp, thương mại-dịch vụ của tỉnh; là đô thị hạt nhân trong Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

Theo đó, một số chiến lược phát triển TP. Pleiku nhằm đáp ứng các vị thế vùng cũng được quy hoạch thể hiện rõ như: đô thị phát triển tập trung, tránh lãng phí đất, đầu cơ đất và hạn chế các dự án treo; thiết lập hệ thống đường thứ cấp, đường vành đai đợt đầu. Cùng với đó là phát triển công nghiệp sạch, tạo ra các sản vật địa phương xanh, sạch, có lợi cho sức khỏe; hình thành các trung tâm điều dưỡng, điều trị, phục hồi sức khỏe chất lượng cao kết hợp với các liệu trình trị liệu bằng các phương pháp dân tộc cổ truyền; hình thành nơi tập huấn, đào tạo, huấn luyện vận động viên cấp cao, đồng thời có phong trào thể dục thể thao cộng đồng phát triển mạnh.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá: “Đây là bản quy hoạch được lập theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu phù hợp với quan điểm, định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, lĩnh vực được phê duyệt, đồng thời cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên. Đồng thời cũng đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, thống nhất trong định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực của tỉnh thông qua 38 phương án tích hợp vào quy hoạch tỉnh”.

Tiếp tục hoàn thiện những nội dung quan trọng

Vì là lần đầu tiên các quy hoạch ngành, lĩnh vực tích hợp vào quy hoạch tỉnh nên dự thảo quy hoạch tỉnh Gia Lai đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia là thành viên Hội đồng thẩm định để hồ sơ được hoàn thiện, đầy đủ hơn, nhất là đối với công tác đánh giá môi trường chiến lược.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng-Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường): Gia Lai cần phân tích rõ các phương án phát triển ngành, lĩnh vực như việc phát triển năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ, các khu công nghiệp sinh thái (Nam Pleiku 2, Đông Pleiku, Tây-Nam Pleiku); đánh giá các tác động của việc chuyển nước từ sông Ba sang sông Kôn của tỉnh Bình Định ở thủy điện An Khê-Ka Nak gây tác động mạnh đến suy giảm nguồn nước, tác động lên dòng chảy tối thiểu và hệ sinh thái thủy sinh, đa dạng sinh học của tỉnh...

Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) nhìn từ trên cao. Ảnh: H.D

Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) nhìn từ trên cao. Ảnh: H.D

Chuyên gia phản biện, Thạc sĩ Nguyễn Đức Hùng-Ủy viên Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh-cho rằng: Ngành nông-lâm nghiệp và thủy sản được đánh giá là một trong các thế mạnh của Gia Lai. Vì vậy, cần làm rõ thêm tiềm năng, thế mạnh và khả năng phát triển, liên hệ với sự phát triển các sản phẩm của tỉnh với các tỉnh lân cận để có thể thấy được khả năng hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông-lâm-thủy sản có quy mô đủ lớn để thu hút phát triển các hoạt động công nghiệp hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản.

Còn Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phạm Trung Lương-thành viên Tổ chuyên gia tư vấn quy hoạch quốc gia-đánh giá: Hệ thống bản đồ quy hoạch được xây dựng khá công phu và đầy đủ. Tuy nhiên, cần bổ sung bản đồ tiềm năng tài nguyên tự nhiên tỉnh Gia Lai. Đối với một số ngành được xác định là quan trọng thì cần thể hiện các bản đồ về hiện trạng và phương án phát triển. Ví dụ ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế quan trọng song không có bản đồ hiện trạng và phương án phát triển. Các bản đồ cũng cần có số thứ tự phù hợp với danh mục bản đồ để dễ tra cứu.

Trong khi đó, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trịnh Thị Thanh (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) góp ý: Báo cáo quy hoạch tỉnh cần bổ sung thêm thông tin dữ liệu về bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; các nguồn gen hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi được lưu giữ, bảo tồn và phát triển, kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại; chưa đề cập đến thông tin về bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng...

Một góc thành phố Pleiku-thành phố trung tâm tiểu vùng Bắc Tây Nguyên được quy hoạch xây dựng theo hướng đô thị thông minh, “Cao nguyên xanh, vì sức khỏe”. Ảnh: Hà Duy

Một góc thành phố Pleiku-thành phố trung tâm tiểu vùng Bắc Tây Nguyên được quy hoạch xây dựng theo hướng đô thị thông minh, “Cao nguyên xanh, vì sức khỏe”. Ảnh: Hà Duy

Chuyên gia phản biện Nguyễn Huy Dũng-Ủy viên Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh cũng cho rằng, Gia Lai cần rà soát và bổ sung một số chỉ tiêu về xã hội như: mức giảm tệ nạn xã hội; tỷ lệ học sinh đi học trong độ tuổi, nhất là con em đồng bào các dân tộc thiểu số; vấn đề bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học. Các chỉ tiêu này cần được đặt ra rõ ràng hơn trong mục tiêu phát triển.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên cơ sở những ý kiến phản biện, góp ý từ các chuyên gia, với tinh thần cầu thị, nghiêm túc, tỉnh đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện quy hoạch tỉnh theo kết luận của Hội đồng thẩm định để gửi Cơ quan Thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh; trình HĐND tỉnh thông qua trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Có thể bạn quan tâm

Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Hương (tổ 2, phường Ngô Mây) tự nguyện tháo dỡ hàng rào, hiến đất để mở rộng đường. Ảnh: M.N

An Khê huy động nguồn lực hoàn thiện hạ tầng giao thông

(GLO)- Những năm qua, thị xã An Khê đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông từ nội thị đến nông thôn. Nhờ đó, mạng lưới giao thông được kết nối, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của người dân và giúp địa phương hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

An Khê chủ động phòng ngừa cháy nổ tại chợ

Phòng ngừa cháy nổ tại các chợ An Khê

(GLO)- Thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) có 12 chợ truyền thống. Thời điểm này, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, các ban quản lý chợ, chính quyền địa phương, lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy nổ.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.