Khám phá thảo dược Việt: 'Ma rừng' hà thủ ô

Nhân chuyến công tác ở huyện miền núi Hiệp Đức (Quảng Nam), tôi và một người anh thân thiết ở Quảng Nam được “chỉ điểm” ông Trung là “ma rừng” hà thủ ô.
Chúng tôi hỏi thăm về ông Trung, một người dân địa phương hồi đáp “đặc sệt” phong cách Quảng Nam: “Hỏi ông Trung là ông Trung mô? Ở đây có tới mấy ông Trung lận, Trung hà thủ ô là phải hỏi ông Trịnh Ký Trung mới chính xác. Ổng là “ma rừng”, thứ gì cũng có”. Rồi một cậu bé đen nhẻm dắt chúng tôi đến con ngõ đá được xây lắp khá công phu. Trong sân, ông Trung tuổi xấp xỉ lục tuần, đang thong thả nhả từng ngụm khói thuốc.
 
Ông Trung phát hiện cây hà thủ ô và chỉ cho chúng tôi xem. Ảnh: Quang Viên
Ông Trung phát hiện cây hà thủ ô và chỉ cho chúng tôi xem. Ảnh: Quang Viên
Mấy đời theo nghề rừng
Ông Trịnh Ký Trung kể nhà ông đã mấy đời nghề rừng, từ thuở cha ông hội với phường săn lội hết núi này sang núi khác. Hươu, nai, mang, lợn, cáo, chồn… không con nào mà ông chưa bẫy bắt. Nhưng rồi ông nhận ra vì kế sinh nhai mà thuở trước phải đi săn động vật, chứ làm như vậy là không ổn, thậm chí có thể vi phạm pháp luật. Rồi bây giờ ông theo nghề tìm cây thuốc là để cứu người. Hơn nữa, cái nghề đi rừng đối với ông như một thứ “máu”, một thứ năng khiếu. “Ngo ngoe mấy anh ngủ dòm ăn theo, chạy theo tui chừng dăm bữa thì bái tổ, giã biệt rừng. Có anh thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào, đi mỏi mệt chỉ thấy toàn gai với góc”, ông Trung chia sẻ.
Tôi và anh bạn lội bở hơi tai, như rụng cả gối để theo chân ông vào rừng. Gần hết buổi sáng, ông Trung cũng tìm ra được cây hà thủ ô, rồi hì hục đào. Cho xem một gốc hà thủ ô dài chừng một mét rưỡi, trên đoạn đầu có ba chạc nhỏ như đầu đũa, ông cho biết: “Chừng ni non hai ký tươi. Các chú không rành không dễ phát hiện ra. Nó chỉ mọc lên ba chạc cây loe ngoe, nom như dây bìm bìm. Nhưng có nghề thì biết ngay, ba chạc này nếu khoét sâu vào lòng đất độ ba tấc thì chụm một, chỉ có một gốc mà thôi. Nhìn kỹ sẽ nhận ra thân cây sần sùi, u nần thì tuổi đời lâu lắm. Phải phân biệt, gặp anh nào cũng đào, moi lên cái rễ bằng đầu đũa con thì toi công lại phí tài nguyên rừng”.
Theo lời ông thì có bất tận mánh khóe, mưu mẹo đi rừng. Tìm mây rừng thì men ngược con suối, mây gần suối sợi dài bền. Tìm sa nhân thì men những dải tán rừng thấp nhiều bụi rậm. Ăn ong thì phải độ cuối tháng 3, khi các tổ đã no mật. Mỗi loại có một “nết” khác nhau. “Riêng anh hà thủ ô này dễ khai thác nhất ở những dải cây gai thấp giữa các mô đất cao thấp, dựa thế đất mà đào. Bởi có cây nằm sâu hai mét dưới đất núi, không khéo chọn thì đi rừng cả ngày chỉ kiếm non ký là cùng”, ông Trung nói và cho biết thêm mình có cái nghề tìm cây thuốc bổ túc vào vốn nghề rừng gia truyền, góp phần làm phong phú kho tàng thuốc quý VN.
 
Sau một ngày ông Trung đã thu hoạch chừng này hà thủ ô.
Sau một ngày ông Trung đã thu hoạch chừng này hà thủ ô.
“Từ bao giờ bác chuyển sang tìm hà thủ ô?”, tôi hỏi. “Độ vài năm gần đây. Thằng cháu về chơi tết, xin hũ hà thủ ô mang theo vào Nam. Mấy tháng sau nó nhắn về nói tui ngâm giúp mươi hũ. Rứa là tui vào rừng tìm”, ông Trung cho hay. Tôi lại hỏi: “Thế mươi hũ bác tìm độ bao lâu, công đoạn ngâm như thế nào?”. Ông kể mươi hũ đi rừng độ tháng trời. Hà thủ ô đem về, làm sạch, ngâm nước vo gạo một đêm cho nhả hết mủ ra, vì mủ cây rất nóng. Sau đó, phơi 3 tuần nắng, đoạn khúc vừa vặn cho vào hũ. Mỗi hũ độ 1 - 2 ký tùy yêu cầu. Nếu khách chỉ lấy hàng mà không ngâm thì phơi khô, gửi theo xe đường dài. Mỗi ký hà thủ ô khô giá hiện tại cũng gần triệu bạc.
Mặc dù hà thủ ô rừng nay còn rất ít, nhưng “ma rừng” cũng có khi trúng mánh. Đó là chuyến đi năm ngoái, sau trận lũ. Khi mưa xong, ông Trung vác mai lên núi. Nhìn bậc núi lở đất đá đổ lổng chổng, mắt nhà nghề của “ma rừng” phát hiện trên bờ vách treo lủng lẳng những rễ cây. “Ui trời, bữa nớ trúng mánh thiệt, tôi kiếm được một gánh đầy. Hà thủ ô củ nào củ nấy to như củ sắn”, ông Trung hỉ hả khi được một cú ăn may vui như người ta trúng số bạc tỉ. Ông nói thêm: “Chú nghĩ lặn lội núi này sang núi khác dễ gì tìm ra củ lâu năm, nay nó ngời ngời trước mắt. Mừng hết lớn!”.
Hỏi về thu nhập từ hà thủ ô rừng, ông Trung bảo không tính được vì đây là “nghề nằm”. Có lúc đi đào không có. Chỉ nôm na là sống được. Xe cộ, cưới hỏi, ma chay đều nhờ nó…
 
“Ma rừng” Trịnh Ký Trung.
“Ma rừng” Trịnh Ký Trung.
Khôn người, khó của
Theo ông Trung, hà thủ ô là một loại thảo dược đang được nhiều người tìm mua nên hiện bị khai thác rất mạnh. Mặc dù là “trùm” hà thủ ô rừng, nhưng ông Trung cũng trăn trở: “Dân địa phương lâu ni khai thác hà thủ ô tự nhiên kinh lắm! Chừ vô rừng dễ chi kiếm được thứ ni. Phải có cách bảo tồn cây thuốc quý ni chứ có ngày tiệt nọc”. Và “ma rừng” lại tỏ ra là người có trách nhiệm bảo vệ hà thủ ô rừng: “Lộc rừng có mấy rồi cũng hết. Tui định trồng hà thủ ô chứ không thể sống dựa vào hà thủ ô rừng miết”.

“Núi rừng tây Quảng Nam này thì từ Quế Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Trà Mi tôi rành như cháo chảy. Dỏng tai nghe thiên hạ thiếu thứ gì, cần thứ gì thì tôi săn thứ ấy, miễn là thứ ấy còn được phép khai thác. Cần mật ong rừng tôi tăm mật ong rừng, cần sa nhân tôi tìm sa nhân. Khi thiên hạ đổ xô tìm hà thủ ô, tôi lại săn hà thủ ô”, ông Trịnh Ký Trung nói.

Chúng tôi và ông Trung rời rừng trở về nhà. Trong nhà, dưới chân tường gạch chưa tô vôi đã nhuốm màu thời gian là mấy hũ rượu ánh đủ màu sắc. Thấy tôi chăm chú nhìn, ông xởi lởi: “Thứ này là rượu sáp ong, vàng sánh, ngọt lịm. Thứ này là rượu ngâm ong vò vẽ, hơi đục màu, rất thấm. Kia, mấy hũ màu đỏ mận là hà thủ ô ngàn năm trên núi Liệt Kiểm”. “Những ngàn năm kia hả?”, ông bạn cùng đi với tôi tròn mắt ngạc nhiên. Ông Trung cười vang: “Nổ với các chú cho vui, sâm tuyết liên Tây Tạng chắc gì đã ngàn năm”. Rồi ông chỉ mấy củ hà thủ ô vỏ đã ngả màu đen nhẻm, bảo: “Ngàn năm thì không, chứ ngang mấy mươi năm đời người thì có dư. Loại này nói không ngoa, anh nào xìu xìu ểnh ểnh, chơi một hũ, lại hăng như trai tơ. Tóc bạc trắng đầu, sắc nước uống vài ba tuần lại đen”.
Nâng ly rượu sậm màu “ma rừng” mời, tôi bâng khuâng nghĩ về lộc rừng. Người dân nơi đây đã bao đời sống dựa vào rừng núi. Rừng núi cũng mở lượng bao dung cho những ai sống hòa bình với nó. Rừng ta rừng bạc rừng vàng, câu thơ tôi học ngày còn bé lại ngân vang. Không thể để nguyên bạc vàng chôn nơi lòng đất, nhưng khai thác như thế nào để bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, trong đó có các loại thảo dược quý, là bài toán cần được giải thấu đáo.
Chào tạm biệt “ma rừng”, anh bạn mua một hũ rượu ngâm sẵn làm quà. Ông Trung vui vẻ kèm theo một gói nhỏ và nói: “Đem thêm thứ này về, khi ngâm nước hai thì cho thêm vào, hà thủ ô già tuổi xắt lát phơi khô đó”. Tôi nhận ra tấm lòng người dân miền núi cũng thơm thảo và nồng nàn như rượu. (còn tiếp)
Theo Quang Viên - Khôi Nguyên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Trần Thị Bích Ngọc: Sâu đậm tình yêu văn hóa Bahnar

Trần Thị Bích Ngọc: Sâu đậm tình yêu văn hóa Bahnar

(GLO)- Chiều muộn, lại bận một số việc nhà nhưng thấy chị Trần Thị Bích Ngọc-công chức Văn hóa-Xã hội xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) ghé thăm, già Đinh Bi vui lắm. Già đã quá quen với cái dáng bé nhỏ thân thuộc của chị, với những lần đến nhà hỏi han, động viên. Vừa chăm chú đan gùi, già vừa gật đầu khi nghe lời nhắn nhủ: “Chú nhớ trong năm nay ráng truyền dạy thành công nghề đan lát cho 1 người trẻ trong làng chú nhé!”.
Dòng máu anh hùng: Con gái của sĩ quan công binh

Dòng máu anh hùng: Con gái của sĩ quan công binh

Trong số 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh ngày 14.3.1988 ở Gạc Ma - Trường Sa, có 26 bộ đội của Lữ đoàn 83 công binh hải quân và trong số ấy, có 2 sĩ quan khi hy sinh đã có vợ con ở quê nhà. Đó là thượng úy Nguyễn Minh Tâm (trợ lý thi công) và Trần Văn Phòng (đại đội phó).
Đưa trâu rời xứ 'thần rừng'

Đưa trâu rời xứ 'thần rừng'

Nuôi trâu trong chuồng là chuyện thường tình của nông dân khắp các vùng quê Việt Nam, thế nhưng với đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), đó lại là điều quá đỗi mới mẻ. Tập quán giao trâu cho “thần rừng” cai quản từng ăn sâu trong tiềm thức của tộc người này, nay bắt đầu có sự thay đổi.
Phía sau hoa hồng

Phía sau hoa hồng

Những bông hoa hồng và những lời chúc tụng tràn ngập trên mạng xã hội cũng như ngoài đời thật trong ngày 8/3. Nhưng phía sau đó, sự bất bình đẳng giới vẫn tồn tại.
Trồng dâu tây trên đỉnh Đăk Chum I

Trồng dâu tây trên đỉnh Đăk Chum I

Trời ngả về chiều. Trong lớp sương mù bảng lảng bay trên đỉnh đồi làng Đăk Chum I (xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tuấn (47 tuổi) và chị Nguyễn Thị Hạnh Nguyên (46 tuổi) cùng gần chục người khác đang miệt mài chăm sóc vườn dâu tây. Những luống dâu xanh mướt với quả đỏ mọng trải dài trên đỉnh đồi Đăk Chum I là hướng đi mới, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương.
“Cõng” phim về làng

“Cõng” phim về làng

(GLO)- Giữa sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, những “người lính” trên mặt trận văn hóa nghệ thuật vẫn thầm lặng đến từng buôn làng vùng sâu, vùng xa chiếu phim phục vụ người dân. Họ là những thành viên của Đội chiếu phim lưu động thuộc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San (tỉnh Gia Lai).
Người Xơ Đăng đồng lòng bảo vệ “Quốc bảo”

Người Xơ Đăng đồng lòng bảo vệ “Quốc bảo”

Bao năm nay, người Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã cung cấp hàng trăm tin báo để chính quyền vào cuộc ngăn chặn và chống việc lợi dụng “Quốc bảo”- sâm Ngọc Linh để trục lợi. Nhờ đó, nguồn gene thuần chủng được bảo tồn và “chiêu bài” lợi dụng thương hiệu sâm để trục lợi bị phanh phui.
Đường Trường Sơn và những dấu ấn của vị tướng tài ba Đồng Sỹ Nguyên

Đường Trường Sơn và những dấu ấn của vị tướng tài ba Đồng Sỹ Nguyên

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước, Quân đội; người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một Nhà Chỉ huy quân sự tài ba, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, làm nghĩa vụ quốc tế, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Hạnh phúc thiêng liêng của người bác sĩ

Hạnh phúc thiêng liêng của người bác sĩ

Nhiều đồng nghiệp, học trò bật khóc vì tự hào khi GS-TS-Nhà giáo nhân dân (NGND) Cao Ngọc Thành, đại diện nhóm tác giả Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế), bước lên nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ năm 2021 với cụm công trình “Tối ưu hóa công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở vùng có nguồn lực hạn chế: Từ nghiên cứu đến triển khai ứng dụng”.