Khai toà phúc thẩm "kỳ án" Nguyễn Long Vân ở Lâm Đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vụ án kéo dài cả chục năm được đưa ra xét xử phúc thẩm sau khi hoãn toà hồi giữa năm 2018.
 
Khu đất 357 Phan Đình Phùng hiện bà Hồng vẫn sử dụng và không giao trả cho Công ty Phương Trang.
Hôm nay (28/2), TAND Cấp cao tại TP.HCM tiến hành xét xử phúc thẩm vụ bị cáo Nguyễn Long Vân, nguyên lãnh đạo Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP. Đà Lạt bị TAND tỉnh Lâm Đồng phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Theo hồ sơ vụ án, năm 2008, ông Nguyễn Long Vân được giao tổ chức thi hành cho hai bản án mà bà Phạm Thị Hồng phải có nghĩa vụ trả với tổng số tiền hơn 48 tỷ đồng.
Để thi hành, ông Vân đã kê biên bán một phần diện tích đất của bà Hồng ở số 357 Phan Đình Phùng, TP. Đà Lạt, người mua trúng đấu giá là Công ty Phương Trang Đà Lạt với số tiền hơn 37 tỷ đồng, cao hơn giá khởi điểm khoảng 50 triệu đồng. Bà Hồng có đơn tố cáo ông Vân định giá tài sản sai, gây thiệt hại cho bà.
Cơ quan điều tra kết luận: tổng tài sản của bà Phạm Thị Hồng là hơn 54 tỷ đồng nhưng ông Vân ủy quyền bán chỉ được hơn 37 tỷ đồng là gây thiệt hại cho bà Hồng hơn 17 tỷ đồng.
Năm 2011, ông Nguyễn Long Vân bị cơ quan điều tra của VKSND Tối cao khởi tố về tội Ra quyết định trái pháp luật. Đến năm 2014, VKS lại chuyển sang truy tố ông về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
TAND tỉnh Lâm Đồng đã ba lần trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung theo hướng quy kết ông Vân gây thiệt hại hơn 17 tỷ đồng. Năm 2017, cơ quan điều tra lại quay về truy tố tội danh ban đầu với ông Vân là tội Ra quyết định trái pháp luật.
Cuối tháng 3/2018, TAND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Ông Vân bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 17 tỷ đồng, tòa này tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội ra quyết định trái pháp luật. Ngoài ra, tòa còn buộc Chi cục THADS TP. Đà Lạt bồi thường cho bà Phạm Thị Hồng hơn 17 tỷ đồng. Cơ quan THADS có trách nhiệm bàn giao tài sản cho Công ty Phương Trang Đà Lạt theo đúng quy định của pháp luật.
Tại tòa, đại diện Chi cục THADS TP Đà Lạt không chấp nhận bồi thường số tiền trên. Lý do, bị cáo đã thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn đúng quy định pháp luật, thậm chí việc định giá còn cao hơn so với giá mà UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra.
Các luật sư bào chữa cho bị cáo Vân đều cho rằng hành vi của bị cáo không cấu thành tội ra quyết định trái pháp luật, đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bị cáo không phạm tội. Theo các luật sư, tội này phải là có lỗi cố ý trực tiếp và có động cơ như tư lợi, bị ai xúi giục… nhưng CQĐT không chứng minh được.
Việc hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thuê một công ty không phải là cơ quan giám định tư pháp làm căn cứ cho việc thẩm định lại là chưa bảo đảm. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã có sự nhầm lẫn giữa trách nhiệm của tập thể hội đồng do ông Vân làm Chủ tịch trong việc xác định thiệt hại. Theo đó chưa đủ căn cứ xác định ông Vân cố ý ra quyết định trái pháp luật, mong muốn hậu quả thiệt hại xảy ra đối với bà Hồng.
Sau đó, Chi cục THADS TP. Đà Lạt kháng cáo vì cho rằng việc TAND tỉnh Lâm Đồng buộc tội ông Vân phạm tội ra quyết định trái pháp luật và buộc Chi cục THADS TP. Đà Lạt phải bồi thường cho bà Hồng hơn 17,5 tỷ đồng là không đúng với quy định của pháp luật. Bản án sơ thẩm chưa xem xét, đánh giá một cách thực sự, khách quan, toàn diện nên có nguy cơ dẫn đến oan sai.
Bị cáo Nguyễn Long Vân cũng làm đơn kháng cáo kêu oan.
Huyền Trâm (BizLIVE)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.