(GLO)- Tuy nhiều lần đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trên lô đất khai hoang từ năm 1982 (tại tổ dân phố 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) nhưng hồ sơ của ông Ngô Văn Anh Dũng (trú tại tổ dân phố 1, thị trấn Ia Kha) vẫn không được phê duyệt. Trong khi đó, theo ông Dũng một phần diện tích đất gia đình ông khai hoang nhưng hộ khác lại được cấp GCNQSDĐ…
Có hay không chuyện “cốc mò, cò xơi’?
Sau nhiều lần gửi đơn về việc này lên các cấp chính quyền tại huyện Ia Grai nhưng vẫn không được giải quyết, ông Dũng đã viết đơn kiến nghị gửi Báo Gia Lai. Trao đổi với P.V, ông Dũng khẳng định: “Cha tôi là ông Ngô Văn Cường đưa gia đình từ Bình Định lên thôn Thắng Quang, thị trấn Chư Pah (nay là tổ dân phố 1, thị trấn Ia Kha) làm kinh tế từ năm 1982. Gia đình tôi đã khai hoang khoảng 2 ha đất tại đây để trồng lúa, mì và canh tác ổn định không có ai tranh chấp. Năm 1992, cha tôi mất, mẹ con tôi vẫn canh tác tại lô đất này. Khoảng năm 1998, huyện có chủ trương quy hoạch bãi rác, nhà tôi tình nguyện cho mượn 1 ha đất mà gia đình khai hoang để làm bãi rác. Năm 2010, bãi rác gây ô nhiễm nên huyện đã di dời bãi rác ra nơi khác. Phần đất còn lại chúng tôi tiếp tục canh tác và có cho ông Lê Thanh Tùng ngụ cùng thị trấn mượn một phần đất để trồng mì. Sau đó tôi đã nhiều lần đề nghị cấp quyền sử dụng diện tích đất còn lại thì được UBND thị trấn Ia Kha trả lời là lô đất có liên quan đến bãi rác của huyện nên phải kiểm tra lại”.
Trừ đoạn mà ông Thất đã lấp hiện một số đoạn mương vẫn còn. Ảnh: Như Nguyện |
Trong khi việc đăng ký được cấp GCNQSDĐ chưa có hồi âm thì ông Dũng nhận được tin là ông Trần Đình Thất (ngụ cùng thị trấn) có đơn kiện gia đình lấn chiếm đất của ông này (ông Thất đã được cấp GCNQSDĐ). Theo ông Dũng, phía Nam lô đất mà gia đình ông khai hoang giáp với đất của ông Thất. Giữa hai lô đất có ranh giới tự nhiên là một đường mương rộng khoảng 1,5 mét sâu khoảng 0,8 mét. Vào năm 2013, ông Thất thuê máy xúc san lấp đường mương này và lấn đất của gia đình tôi (trừ đoạn ông Thất lấp hiện con mương này vẫn còn ở một số đoạn là bằng chứng xác thực). Gia đình tôi ngăn cản thì ông này kiện lên UBND thị trấn…
Nhiều vấn đề cần làm rõ
Việc gia đình ông Dũng khai hoang trên đất này có nhiều người biết và sẵn sàng làm chứng. Trong đơn gửi Báo Gia Lai, gần chục hộ dân đã ký xác nhận nguồn gốc đất gia đình ông Dũng khai hoang là đúng sự thật. Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Gia Anh (trú cùng tổ dân phố 1, thị trấn Ia Kha) xác nhận: “Nguyên thủy đất mà gia đình ông Dũng hiện đang làm là của gia đình tôi khai hoang trồng lúa trước đây. Sau đó gia đình tôi bỏ và nhà ông Dũng làm từ năm 1982 đến nay. Chúng tôi không tranh chấp gì với gia đình ông Dũng. Tôi cũng biết việc nhà ông Dũng cho mượn đất làm bãi rác…”. Ông Lê Thanh Tùng (trú cùng tổ dân phố 1, thị trấn Ia Kha) người được gia đình ông Dũng cho mượn đất trồng mì cũng xác nhận: “Năm 2012, tôi mượn đất nhà ông Dũng trồng mì. Trồng khoảng 2 sào và đã thu hoạch được một mùa. Sau đó thì ông Thất phá mì trên diện tích đất mà tôi mượn của ông Dũng làm thiệt hại của tôi trên 2 triệu đồng…”.
Ông Dũng cho biết: Thời điểm năm 2012, khi ông Tùng mượn đất trồng mì nếu là đất của mình sao ông Thất không đứng ra can thiệp ngay? Gia đình tôi và những hộ xung quanh không ký giáp ranh cho ông Thất tại khu vực đất đang tranh chấp vậy tại sao ông Thất vẫn được cấp GCNQSDĐ? Cán bộ thị trấn xuống giải quyết 3 lần nhưng lại xác định lô đất của ông Thất nằm ở hai vị trí khác nhau? Những vấn đề trên, gia đình tôi đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc và giải quyết công tâm.
Xung quanh việc tranh chấp đất giữa ông Dũng và ông Thất, UBND thị trấn Ia Kha đã tiến hành hòa giải 4 lần không thành. Trong biên bản làm việc về việc xác minh nguồn gốc đất theo kiến nghị tranh chấp đất đai ngày 12-9-2013 của UBND thị trấn Ia Kha thể hiện (biên bản này có chữ ký của cả ông Thất và ông Dũng): “Theo nội dung kiến nghị của ông Trần Đình Thất yêu cầu lấy đủ số đất theo giấy chứng nhận được cấp thửa đất số 28a, tờ bản đồ số 28 diện tích 3.200 m2. Qua xác minh GCNQSDĐ được cấp của ông Trần Đình Thất thì vị trí thửa đất được cấp nằm cách tim đường TL664 (tỉnh lộ 664-N.V) khoảng 80 mét vì vậy phần đất tranh chấp không thuộc GCNQSDĐ được cấp vì vị trí tranh chấp cách tim đường 120 mét phần đất này chưa được cấp GCNQSDĐ. Tại thực địa vị trí đất tranh chấp đã được ông Ngô Văn Anh Dũng trồng trụ bê tông làm ranh giới”. Biên bản này cũng nêu rõ: “…ông Trần Đình Thất đã đồng ý với vị trí cắm mốc của ông Ngô Văn Anh Dũng và không kiến nghị nữa. Hai bên thống nhất với nhau về mốc giới và đề nghị cán bộ chuyên môn xác định để hai bên cùng nhau làm hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ”. Sự việc tưởng chừng đã giải quyết nhưng sau khi gửi đơn rồi rút đơn kiện ông Dũng lấn chiếm đất, ông Thất lại tiếp tục gửi đơn kiện lần 2.
Về khiếu nại của ông Dũng việc xin cấp GCNQSDĐ, ông Chu Sỹ Mởn-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai cho biết: Phòng đang xác minh, làm rõ những vấn đề ông Dũng kiến nghị. Chúng tôi sẽ có buổi làm việc với ông Dũng và trả lời rõ về vấn đề này.
Như Nguyện-Ngọc Linh