Kéo từng lồng bè trôi, trục vớt từng tàu thuyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Làng biển Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa (Phú Yên), hơn một tuần sau bão số 12, cảnh tượng đổ nát, hoang tàn, xác xơ… vẫn hiện hữu. Người dân làng chài vẫn thẫn thờ, ngơ ngác, bởi cả cơ nghiệp nhà cửa, tàu thuyền, bè tôm, cá tan theo sóng biển. Nhưng rồi họ đã đứng lên, gọi nhau, cùng tất bật giúp nhau, dầm mình kéo từng lồng bè trôi, trục vớt tàu thuyền bị chìm dưới đáy biển…

Cứu trăm người trong bão dữ

Dấu vết của cơn bão - những đống đổ nát cứa vào lòng, vào nỗi lo âu, trăn trở của biết bao phận người nơi đây! Dọc bờ biển bãi Lách, bãi Ngà, bão dữ và sóng cao 5-7m đánh gãy đường dẫn ra cầu cảng Vũng Rô, thổi bay gần 40 nóc nhà...

 

Ngư dân trục vớt, kéo tàu vào bờ ở bãi Lau, Vũng Rô.
Ngư dân trục vớt, kéo tàu vào bờ ở bãi Lau, Vũng Rô.

Nơi đây, bà con đang chung sức dọn dẹp, nhưng vẫn còn đó ngổn ngang nhà sập bên chân sóng; cây cối đổ ngã, thuyền, bè nát tan, gỗ trôi lềnh bềnh trên mặt nước…

Dù người dân thiệt hại nặng về nhà cửa và cơ nghiệp cả đời gây dựng nên, nhưng điều kỳ diệu ở vùng tâm bão này là tất thảy mọi người đều giữ được tính mạng.

Khi nghe câu chuyện cảm động về anh em “Robinson” đã cứu cả trăm người từ các thuyền, lồng, bè trên biển chạy vào bờ khi bão đổ bộ, chúng tôi liền thuê thuyền, trực chỉ đến bãi Lau.

Trước mặt tôi, bãi Lau xác xơ. Ba ngôi nhà của 3 anh em Lê Ngọc Hậu (SN 1965), Lê Ngọc Tùng (SN 1968), Lê Ngọc Phước Phùng (SN 1970) bị tốc mái, cây cối xung quanh gãy gục. Mái nhà nhiều chỗ còn trống hoác. Dưới 3 ngôi nhà này, 3  anh em họ đã gồng mình chống chọi với bão, chở che cho cả trăm người dân vượt qua bão dữ.

Anh Tùng kể lại: “Nửa đêm, gió bão bắt đầu mạnh dần, gầm rít. Lúc ấy, rất nhiều người còn ở ngoài bè, thuyền vội vã lao vào bờ rồi chạy vào nhà tôi và Phùng để trú tránh. Hai nhà chật kín người, tầm trăm người, đứng như nêm. Khi bão đổ bộ, ngôi nhà như run rẩy, nhiều tấm ngói, tôn bị hất tung, vỡ vụn. Tôi kêu mọi người lấy ghế nhựa, thùng xốp, ván… để che trên đầu nhằm tránh ngói, tôn rớt xuống. Cứ thế, 1 giờ, 2 giờ, 5 giờ… trôi qua, rất may nhà vẫn đứng vững và mọi người đều thở phào khi thoát nạn”. Mải lo an toàn tính mạng cho mọi người, đến khi bão tan, anh Tùng và Phùng ra nơi nuôi tôm hùm thì không thấy bè tôm của mình đâu nữa. Bão đánh tan bè, trôi mất gần 1.000 con tôm sắp tới kỳ thu hoạch…

Anh Lê Công Minh (quê ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) vẫn còn thất thần, hãi hùng khi nhớ lại những giây phút đối mặt với “thập tử nhất sinh” trong đêm bão 4.11. “Bãi Lau vốn kín gió, an toàn. Do vậy, tôi đưa tàu vào đây neo đậu. Không ngờ bão chướng khó lường, quét quá mạnh ở bãi Lau. Anh em từ tàu, bè lập tức tìm cách chạy bão vào nhà các anh Tùng, Phùng và… nín thở chờ bão tan. Nếu không có nhà dân ở đây để bà con vào trú tránh bão thì chắc chắn nhiều người trông giữ tàu, bè nuôi thủy sản trên biển sẽ bị thiệt mạng như ở vịnh Vân Phong  nằm sát cạnh Vũng Rô”.

Theo ông Lê Hàng (78 tuổi, ở bãi Lách), cha của 3 anh em Hậu, Tùng, Phùng, cách đây đúng 24 năm, bão năm 1993 cũng càn quét qua bãi Lau làm chết hàng chục người. Ngày ấy, ở đây rất hoang sơ, chưa có nhà cửa; khi bà con chạy vào bãi Lau tránh bão thì bị cây đổ ngã đè hoặc đói, hoặc rét lạnh mà chết… “Là người chứng kiến 2 cơn bão đi qua, tôi thấy cường độ bão số 12 năm nay càn quét Vũng Rô kéo dài và sóng bủa mạnh gấp 3 lần so với cơn bão năm 1993. Nhưng điều kỳ diệu là bà con trú tránh tốt, không ai bị thương vong…”, ông Hàng chia sẻ.

Dốc sức vực dậy sau bão

Ở bãi Lau, chúng tôi đếm có cả chục chiếc tàu thuyền bị bão, sóng đánh dạt lên bờ cát hư hỏng, nát bét. Trong số đó có 3 chiếc tàu từ 33CV trở lên bị sóng đánh dồn vào nhau vỡ vụn; chiếc tàu lớn trên 320CV trị giá hơn nửa tỉ bạc của anh Nguyễn Hồi (SN 1969, quê ở xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) bị lật nghiêng, một phần mạn tàu bị vùi trong cát.

Bỏ lại sau lưng mình xác chiếc tàu 34CV vỡ vụn trên bờ cát, ông Huỳnh Cơ (58 tuổi, quê ở xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh) chỉ huy thợ ra sức trục vớt chiếc tàu còn nằm sâu dưới nước của con trai Huỳnh Văn Vịnh. Ông Cơ xót xa: “Từ bãi Lau này đến bãi Chính có đến cả trăm chiếc tàu thuyền bị bão đánh chìm. 66 chiếc tàu thuyền của ngư dân xã Đại Lãnh đến trú bão ở đây đều chìm, một số ít tàu bị sóng đánh banh xác trên bờ. Cứ nghĩ ở đây an toàn nên cha con tôi chạy tàu vào neo đậu cẩn thận. Thế nhưng, thực tế hậu quả khôn lường khi bão dữ đổ bộ và kéo dài kết hợp sóng lớn nên không có chiếc tàu nào có thể trụ nổi trên mặt nước biển”.

Vừa giúp con ông Cơ kéo tàu bị chìm vào bờ, anh Lê Công Minh cho hay: “Ở đây có 5 nhóm người đang trục vớt tàu thuyền. Cứ mỗi chiếc được đưa lên bờ mất chi phí 6 triệu đồng. Tôi đã tham gia giúp bà con trục vớt 34 chiếc tàu chìm nơi bãi Lau”. Anh Minh cũng đưa tàu 33CV của mình vào neo ở bãi Lau nhưng bị bão thổi bay lên bờ cát hư hỏng nặng. Anh dùng dây thừng buộc cố định xung quanh tàu rồi thuê người đẩy ra mặt nước. Khi chúng tôi đến, anh Minh đang liên hệ thuê tàu với giá 13 triệu đồng để lai dắt tàu về sửa chữa ở thị trấn Hòa Hiệp Trung.

Khó cầm được nước mắt khi bắt gặp hình ảnh anh Châu Đình Phước ở bãi Lách lết trên cát, chống nạn thẫn thờ trước biển, rồi thuê người ra bãi Lau trục vớt tàu. Anh Phước bị cưa mất chân trái lên sát mông sau một vụ tai nạn cách đây 10 năm. 4 năm trước, vợ chồng anh tích cóp, vay mượn 350 triệu đồng sắm chiếc tàu máy ba và giàn lưới đi đánh cá. Dù bị tật nguyền nhưng anh Phước cũng lái được tàu khai thác thủy sản hiệu quả, đủ đắp đổi nuôi 3 con ăn học. Giờ thì cả cơ nghiệp con tàu hỏng nát, chỉ lấy lại được cái máy tàu...

Trên chiếc thuyền nhỏ chạy lướt quanh qua các bãi, chúng tôi đếm còn khoảng vài chục bè tôm cá hư hỏng, vỡ vụn được neo lại trong vịnh. Ông Nguyễn Hứa (SN 1956 ở bãi Lách) với gương mặt phờ phạc sau bão, cho hay, mấy hôm nay, ông thuê nhiều nhân công sửa chữa đóng lại bè; thuê 4 thợ lặn lặn bắt tôm, cá còn sót lại trong lồng bị rách. “Tôi dốc toàn bộ vốn liếng đầu tư trên 1 tỉ đồng thả nuôi khoảng 4.000 con cá các loại như mú, chim, bốp…; nuôi hơn 4.000 con tôm hùm sắp đến kỳ thu hoạch. Dù neo chằng lồng bè cẩn thận, nhưng cơn bão dữ này gây thiệt hại nặng bè tôm cá. Qua kiểm đếm ban đầu, số tôm, cá còn lại chỉ khoảng 1.500 con. Hiện nhà cửa của gia đình tôi cũng bị hư hỏng nặng nên việc gầy dựng lại nghề nuôi thủy sản hưng thịnh như trước đây đòi hỏi phải mất thời gian khá dài”, ông Hứa nói.

Không may mắn vớt vát được ít tôm, cá như ông Nguyễn Hứa, anh Nguyễn Ngọc Tý (37 tuổi ở bãi Ngà) thả nuôi hơn 3.000 con tôm hùm, 1.000 con cá các loại bị trôi mất sạch. Nhà sập để vợ lo, mấy ngày nay anh Tý đi lặn hụp ngoài biển tìm lồng bè và chỉ mới tìm được 2 lồng bị rách lưới không còn sót lại con tôm nào…

 

Theo ông Nguyễn Nhân, Trưởng thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, hiện Vũng Rô có 33 chiếc tàu, thuyền bị bão đánh chìm và trôi mất (chưa kể tàu ở các nơi khác đến tránh trú bão bị thiệt hại);64 hộ dân trong thôn nuôi tôm, cá các loại bị thiệt hại do bão hơn 500 tỉ đồng;12 ngôi nhà bị sập hoàn toàn; 20 nhà hư hỏng trên 70%, hàng chục nhà tốc mái…

Mặc dù UBND tỉnh quy hoạch tạm thời và chỉ cho phép tạm thời sử dụng 100ha mặt nước từ bãi Bàng đến bãi Nhãn để nuôi thủy sản bằng lồng bè, nhưng phong trào nuôi tôm, cá trong vịnh Vũng Rô “bùng phát” với khoảng 10.000 lồng bè (đa số lồng bè của người dân ở các nơi khác đến nuôi - PV). Lồng bè nằm ken dày ở nơi này - khó quản lý và đối mặt với những bất trắc do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, thiên tai…

Nếu như ở bãi Lau chỉ có 3 gia đình bị thiệt hại do bão thì ở các bãi Lách, bãi Ngà, bãi Hương, bãi Bàng, bãi Nhãn… có đến vài chục hộ mất trắng từ 1-2 tỉ tiền nuôi tôm cá trong đợt bão này.

Xin mượn những câu thơ của ông Lê Hàng (78 tuổi, ở bãi Lách) sáng tác sau khi bão tan nhằm động viên bà con Vũng Rô vực dậy sau bão, để kết thúc bài viết này: Bão xô ngã, ta đứng dậy đi/ Đoàn kết chung tay giúp đỡ nhau/ Còn người, còn có niềm hy vọng…

Thế Phong/laodong

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.