"Kéo" sân bay Long Thành về TP.Hồ Chí Minh có khả thi?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mới đây, một số ý kiến đề xuất nên mở rộng Thành phố phía Đông (gồm quận 2, 9, Thủ Đức) của TPHCM sang một phần huyện Long Thành (cả sân bay Quốc tế Long Thành) và Nhơn Trạch (Đồng Nai) để tăng nội lực, có dư địa phát triển về kinh tế - xã hội. Đề xuất này đang nhận được nhiều quan điểm trái chiều.
Đang có ý kiến đề xuất nên sáp nhập một phần huyện Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai) vào “Thành phố phía Đông” của TPHCM. Ảnh: Quang Duy
Đang có ý kiến đề xuất nên sáp nhập một phần huyện Nhơn Trạch và Long Thành (Đồng Nai) vào “Thành phố phía Đông” của TPHCM. Ảnh: Quang Duy
Tầm nhìn cho tương lai?
Theo đánh giá của các chuyên gia,  khu đô thị phía Đông TPHCM này hình thành, khả năng sẽ trở thành đô thị loại 1. Vì khu đô thị mới Thủ Thiêm là nòng cốt của quận 2, khu Vingroup tại quận 9, khu Đại học Quốc gia… nhập lại dân số khoảng 1 triệu người, tương đương với TP.Đà Nẵng và đông hơn nhiều tỉnh khác. 
Nói về tầm nhìn và động lực để phát triển, TPHCM phát triển suốt mấy chục năm qua với tốc độ có thể nói đã đạt ngưỡng bão hòa. Những năm qua TPHCM muốn tăng trưởng GRDP thêm 1% không đơn giản. Do đó thành phố phải tìm động lực mới vì tốc độ phát triển đang chậm dần. 
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - việc thành lập thành phố phía Đông của TPHCM sẽ tạo điều kiện cho các nguồn lực mới để tạo đà phát triển, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Khi chúng ta nói đến khu đô thị sáng tạo phía Đông hoàn toàn không tách rời không gian đô thị cũ, về mặt không gian đô thị các khu vực đều có gắn kết với nhau.  Hiện nay TPHCM đang xây dựng đề án khu đô thị sáng tạo, đây là việc làm cụ thể chính sách thành phố đã thông qua. Thành phố phía Đông cũng không thể tách rời khu vực trung tâm như quận 1, quận 3, cũng không tách rời các tỉnh lân cận.
Nói về mặt quy hoạch, rõ ràng không thể thoát ra khỏi không gian năng động của vùng trung tâm Đông Nam Bộ, bắt đầu từ Long Khánh qua Dầu Giây (Đồng Nai), kéo dài qua Tân Uyên (Bình Dương) hay Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Bà Rịa - Vũng Tàu...
Với tầm nhìn lâu dài, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, nếu Nhơn Trạch và Long Thành là một phần của TPHCM sẽ tương đồng với sự phát triển của Hà Nội sau khi sắp xếp lại địa giới hành chính. Ngoài ra, trục cảnh quan của TPHCM không chỉ có sông Sài Gòn, mà còn có cả sông Đồng Nai. Còn về tầm nhìn lâu dài đối với cả nước, với khu vực, nếu có thêm Nhơn Trạch, có thêm sân bay Long Thành, TPHCM thực sự là đầu tàu của cả nước.
Sẽ tính đến trong tương lai
Với những nhà phát triển bất động sản thì xét về mặt kinh tế nếu như ý tưởng đề xuất này thành hiện thực thì “Thành phố phía Đông” sẽ trở thành một khu trung tâm mới, đô thị mới đúng nghĩa và nâng tầm giá trị hơn rất nhiều.
Nhơn Trạch và Long Thành nếu được sáp nhập về TPHCM sẽ trở thành một khu đô thị sân bay, với điểm nhấn trung tâm là sân bay quốc tế Long Thành thì sự hình thành các khu vực phụ cận và phụ trợ hàng không sẽ thu hút nguồn đầu tư khổng lồ. Không những giúp TPHCM giải quyết được vấn đề giãn dân mà còn giúp thành phố có thêm quỹ đất rất lớn để phát triển bất động sản trong dài hạn.
Bên cạnh đó, khu vực 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch (Đồng Nai) theo Quy hoạch đang tập trung khá nhiều cảng biển là một lợi thế để phát triển logistic của vùng, tạo đà phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm cho rằng, hiện tại nên tập trung nguồn lực cho việc sáp nhập 3 quận của TPHCM thành lập Thành phố phía Đông trước. Việc mở rộng ra khu vực lân cận có thể sẽ tính đến trong tương lai. Bởi sự tương đồng về mặt quy mô và các yếu tố nền tảng còn phải xem xét trong quá trình sáp nhập. Cần xác định vai trò như thế nào trong tổng thể chiến lược khu Đông để xem xét về sự cần thiết hay không trong giai đoạn này.
Trả lời phỏng vấn báo Lao Động về ý tưởng đề xuất này, ông Trần Văn Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho rằng, đề xuất sáp nhập sân bay Long Thành vào TPHCM là không khả thi. Ông Vĩnh cho biết, ông có nắm được đề xuất về việc xây dựng thành phố phía Đông của TPHCM, còn thông tin về việc sáp nhập các huyện cũng như sân bay Long Thành vào TPHCM là thông tin từ đề xuất mang tính cá nhân. Khi nào có thông tin từ hệ thống chính trị thì mới xem xét. 
Khó tổ chức không gian đô thị
Theo PGS-TS  Nguyễn Minh Hoà, việc thành lập thành phố phía Đông ngoài những cái khó về tính pháp lý của mô hình thành phố trong thành phố, còn có những cái khó khác TPHCM phải đối mặt, là xác định chức năng và tổ chức không gian đô thị, cũng như không gian kinh tế-xã hội như thế nào cho hợp lý. Trên thế giới có hàng trăm thành phố có chức năng chính là nghiên cứu, sáng tạo, chế tạo thử và thương mại hóa sản phẩm.
Các thành phố sáng tạo này được chính phủ và các nhà đầu tư xây dựng trên vùng đất mới toanh, theo ý đồ thiết kế trên bản vẽ trước khi viên gạch đầu tiên được đặt xuống. Trong khi đó, thành phố sáng tạo phía Đông TPHCM được hình thành trên cơ sở hợp nhất 3 quận 2, 9 và Thủ Đức, nên việc tổ chức không gian rất khó. Phần hạt nhân để chuyển từ một địa bàn dân cư đa chức năng sang đơn chức năng không lớn, bao gồm Khu đô thị Đại học Quốc gia 650ha, Khu công nghệ cao 800ha, nếu cả Thủ Thiêm cũng chỉ thêm 657ha.
Cần nói thêm, các khu đô thị đại học và khu công nghệ cao trên thế giới được xếp vào dạng thành phố “ngày sống, đêm chết”, tức ban ngày sôi động với sự có mặt của hàng trăm ngàn người, nhưng ban đêm vắng lặng nên các hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa hầu như không diễn ra.
BẢO CHƯƠNG - HÀ ANH CHIẾN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.