Chương trình do UBND tỉnh và Công ty TNHH Việt Mốt (Vietmode) phối hợp tổ chức trong khuôn khổ các sự kiện văn hóa, du lịch lớn của tỉnh, đồng thời quảng bá giá trị của thổ cẩm và di sản văn hóa Gia Lai. Nhà thiết kế Minh Hạnh-Giám đốc sáng tạo của Vietmode-cho biết: Mong muốn của những người thực hiện chương trình là làm sao tái hiện được đời sống rất bình dị của đồng bào dân tộc thiểu số Gia Lai cùng với những sáng tạo của họ trong lao động. “Họ sống trong các buôn làng, ở đó mọi người đều biết rõ về nhau. Nhưng họ cùng với những sáng tạo vô giá, trở thành vốn quý của cuộc sống hôm nay lại chưa được nhiều người biết tới.
Tại chương trình, bộ sưu tập thời trang lấy cảm hứng từ thổ cẩm sẽ lần lượt được trình diễn cùng với âm nhạc và những hình ảnh mang đậm hơi thở và nhịp sống Tây Nguyên như tượng gỗ Bahnar, Jrai, nhà rông, chuông gió... Cùng với đó là hình ảnh nghệ nhân say sưa sáng tạo trong không gian riêng của họ. Đặc biệt, nhóm nghệ nhân Jrai tham dự Lễ hội âm thanh thế giới tại Hàn Quốc vào tháng 9 vừa qua cũng góp mặt trong sự kiện với một số tiết mục từng làm say đắm bạn bè quốc tế như: đồng dao “Rước nước về làng”, độc tấu sáo “Đêm trăng tròn”, hòa tấu nhạc cụ tre nứa “Buôn làng ấm no”. Đó là một bản hòa ca đẹp đẽ của tre nứa, làm sống lại những đêm trăng trữ tình bên ánh lửa cao nguyên bập bùng, huyền ảo. Ngoài ra, chương trình có sự góp mặt của đoàn nghệ nhân Bahnar đến từ huyện Kông Chro. Đây là đoàn từng gây ấn tượng trong đêm diễn cồng chiêng cuối tuần mừng Quốc khánh 2-9 vừa qua. Đoàn nghệ nhân Bahnar sẽ góp vào chương trình sắc màu thổ cẩm với những hoa văn đặc trưng của cư dân Trường Sơn-Tây Nguyên cùng thanh âm độc đáo được trao truyền qua ngàn đời.
Đêm trình diễn nghệ thuật thời trang thổ cẩm sẽ diễn ra tại khu vực trụ đá Quảng trường Đại Đoàn Kết. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Ngoài đêm trình diễn nghệ thuật thời trang thổ cẩm, chương trình còn có một không gian startup cho các bạn trẻ yêu cà phê, không gian dành riêng cho thổ cẩm với những người dân tộc thiểu số miệt mài bên khung dệt như họ vẫn đang được sống, lao động trong buôn làng mình. Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết, còn nhiều yếu tố bất ngờ chưa được ban tổ chức tiết lộ, song “Gia Lai ơi” sẽ là chương trình thưởng thức nghệ thuật thời trang rất thú vị, khác biệt, trong đó, thời trang chỉ góp phần tái hiện, tôn vinh dòng chảy văn hóa, lịch sử, con người của vùng đất cao nguyên bằng những gì đẹp đẽ, tinh túy nhất.
Chị H'Uyên Niê-Trưởng đoàn-cho biết: “Chương trình là cơ hội để các nghệ nhân, đặc biệt là các chị, các bà thấy được giá trị của thổ cẩm cũng như di sản văn hóa được công chúng đón nhận như thế nào. Họ thấy được tương lai của nghề truyền thống để tiếp tục giữ gìn, sáng tạo, phát huy giá trị. Sắp tới, nếu được cung cấp nguyên liệu là sợi tơ của “thủ phủ” dâu tằm Bảo Lộc-Lâm Đồng, các nghệ nhân Ia Mơ Nông sẽ thực nghiệm trên khung dệt để tạo sản phẩm mới từ nghề truyền thống trở thành hàng hóa có giá trị cao, phù hợp với khuynh hướng thiết kế thời trang hiện nay. Chúng tôi đang rất háo hức với dự án này”.
Các nghệ nhân Ia Mơ Nông bên sản phẩm dệt của mình. Ảnh: Đức Thụy |
Thạc sĩ Hoàng Thanh Hương-Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu, sưu tầm và bảo tồn giá trị trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai” chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên thổ cẩm Gia Lai, đặc biệt là các hoa văn tiêu biểu, đặc trưng của 2 dân tộc tại chỗ được một NTK tài năng, nổi tiếng đưa vào các thiết kế thời trang. Đó vừa là sự quan tâm, vừa là niềm tự hào của bà con mình, đồng thời đem đến tin vui cho nghề dệt truyền thống cũng như di sản văn hóa của người Bahnar, Jrai. Sự kiện này cũng là cơ hội rất lớn cho nghề truyền thống và các nghệ nhân. Nhất là chị em giỏi tay nghề sẽ tiếp tục duy trì nghề dệt trên nguyên liệu truyền thống và các nguyên liệu khác, mang tới giá trị, sắc thái mới cho thổ cẩm. Nhưng quan trọng nhất phải giữ được hoa văn đặc trưng của 2 dân tộc tại chỗ. Chỉ khi mình biết phối hợp hoa văn của người Bahnar, Jrai lên các nền vải, kiểu trang phục khác nhau thì sự bảo tồn văn hóa, nghề dệt mới bền vững. Đây là cách bảo tồn động, cần thiết trong xu thế hiện nay”.
Tuy nhiên, Thạc sĩ Hoàng Thanh Hương cho rằng, kiến tạo giá trị mới cho thổ cẩm cũng trở thành áp lực với bà con khi nguyên liệu dệt truyền thống cũng như một số mẫu hoa văn đặc trưng được sáng tạo, gìn giữ bao đời đang đứng trước nguy cơ mai một trước dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Và, với tiêu chuẩn rất cao của NTK Minh Hạnh, bà con đang dần phải thích nghi với yêu cầu và cách làm chuyên nghiệp để có cơ hội hợp tác lâu dài. “Tuy vậy, qua sự kiện lần này và hứa hẹn ở những sự kiện tương tự tiếp theo, các nữ nghệ nhân Bahnar, Jrai sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều hình thức để đưa thổ cẩm đến với cộng đồng nhiều hơn. Họ cũng nhận thức được sản phẩm của họ tạo nên là những sáng tạo vô cùng độc đáo, có giá trị cao và rất được yêu thích. Họ phải tự có ý thức giữ gìn, trao truyền, và cũng từ nghề này có thể khai thác được để phát triển kinh tế”.