Kbang: Quản lý đất sản xuất gắn với phát triển kinh tế hộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Làm sao để đồng bào dân tộc thiểu số vừa có đất sản xuất mà địa phương vẫn thực hiện được cơ giới hóa phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn? Để đảm bảo lợi ích kép đó, huyện Kbang đang tiếp tục đẩy mạnh việc giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số gắn với hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình.

Bảo vệ quỹ đất sản xuất, đất ở của đồng bào Bahnar bản địa không bị mất đi trong quá trình trao đổi, cho thuê đất cũng chính là bảo đảm sự ổn định và phát triển kinh tế hài hòa trong cộng đồng các dân tộc chung sống trên địa bàn huyện Kbang. Đây chính là mục đích cốt lõi, xuyên suốt khi huyện Kbang thực hiện phương án giải quyết và xử lý việc thuê, trao đổi, mua bán trái phép đất sản xuất nông nghiệp, đất ở của đồng bào Bahnar (còn gọi là Phương án 590) kéo dài hơn 10 năm qua.

 

Huyện Kbang tích cực xử lý các trường hợp mua bán, trao đổi bất hợp pháp đất sản xuất. Ảnh: K.N.B
Huyện Kbang tích cực xử lý các trường hợp mua bán, trao đổi bất hợp pháp đất sản xuất. Ảnh: K.N.B

Thông qua khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế tại địa bàn 7 xã và thị trấn cho thấy, việc mua bán, trao đổi, cho thuê đất giữa đồng bào Bahnar và hộ người Kinh chủ yếu bằng hình thức thỏa thuận hoặc trao đổi vật dụng, phương tiện đi lại. Bên cạnh diện tích đất do bà con tự khai hoang, đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, đất giao theo Chương trình 134, Chương trình 132 của Chính phủ cũng đã bị bà con mua bán, chuyển nhượng bất hợp pháp hoặc cho thuê trái phép. Từ các giao dịch, trao đổi này mà một số hộ người Kinh tích lũy diện tích đất khá lớn, có hộ đã thuê đất với tổng diện tích 14,5 ha. Để giải quyết vấn đề này, UBND huyện Kbang đã ra Quyết định số 332/QĐ-UBND ngày 23-11-2006 ban hành kèm theo Phương án 590 nhằm xem xét công khai, cụ thể từng trường hợp; căn cứ trên quy định của pháp luật và tập quán sản xuất của từng vùng, từng địa phương để giải quyết nhanh gọn, sớm ổn định hoạt động sản xuất, đồng thời tránh gây xáo trộn lớn về mặt xã hội.

Trên cơ sở đó, đối với trường hợp mua bán, trao đổi, cho thuê đất trái phép thuộc diện tích đất đã được giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Chương trình 132, 134, thì lập biên bản từng thửa đất, xác lập hồ sơ vi phạm trình UBND huyện thu hồi. Diện tích này sẽ xem xét bố trí lại cho các hộ thiếu đất sản xuất nhưng chưa có nguồn đất giải quyết hoặc giao xã, thị trấn quản lý, bố trí sử dụng theo chế độ quỹ đất 5% của địa phương. Đối với trường hợp mua bán, trao đổi bất hợp pháp từ nguồn đất do đồng bào tự khai hoang và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cũng xử lý tương tự nếu việc mua bán có yếu tố lợi dụng, trục lợi. Còn trong trường hợp việc mua bán, trao đổi bất hợp pháp nhưng bên mua chứng minh được tính hợp lý, tương xứng giá trị thì huyện sẽ xem xét từng vấn đề cụ thể để giải quyết...

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang, cho biết: “Kbang là địa phương làm điểm về Phương án 590 và đã làm hơn 10 năm nay. Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định, đây là công việc hết sức phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian thực hiện. Đã có nhiều vấn đề, hệ lụy liên quan đến việc cho thuê đất, bán đất, tranh chấp đất đai cũng như giải quyết đất sản xuất cho bà con bản địa. Ban Thường vụ Huyện ủy, chính quyền các cấp, hệ thống chính trị cơ sở đều tích cực vào cuộc xử lý vấn đề này. Đến nay, huyện đã giải quyết rốt ráo được 80% diện tích đất cho thuê, mua bán, trao đổi bất hợp pháp, hỗ trợ bà con ở các xã như: Kông Pla, Kông Lơng Khơng, Lơ Ku, Tơ Tung... lấy lại đất sản xuất”.

Là một trong số địa phương từng xảy ra tình trạng mua bán, trao đổi, cho thuê đất giữa người Bahnar với người Kinh khá phức tạp nên khi triển khai Phương án 590, xã Kông Lơng Khơng đã thành lập tổ công tác bao gồm cán bộ Địa chính, Tư pháp, Hội Nông dân xã để phối hợp với đoàn công tác huyện giải quyết từng sự vụ ở các thôn làng. Qua hơn 10 năm thực hiện, đến nay, xã Kông Lơng Khơng đã triển khai thực hiện tại 10 làng Bahnar. Tại các đợt rà soát, tổ công tác của xã đã tuyên truyền về các văn bản liên quan đến đất đai, đồng thời rà soát các hộ mới phát sinh, tiếp tục lập hợp đồng 38 hộ còn tồn ở năm 2015; không có hộ thuê mới phát sinh, giải quyết lập hợp đồng cho thuê, ký cam kết trả đất, xử lý 2 hộ có yếu tố lợi dụng và đến nay 2 hộ này cũng đã trả lại đất. Cùng với tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, việc hỗ trợ bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng là một giải pháp căn cơ, lâu dài. Ông Đinh Văn Vinh-Chủ tịch Hội Nông dân xã Kông Lơng Khơng, nhận định: “10 năm trở lại đây, bộ mặt của xã thay đổi rõ rệt khi bà con tập trung trồng mía và phát triển chăn nuôi bò. Bà con giờ đa phần rất chí thú làm ăn, rất có ý thức cộng đồng, mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Bahnar hợp tác sản xuất với Nhà máy Đường An Khê, tham gia xây dựng cánh đồng mía lớn tại khu vực làng Bờ”.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Ảnh: V.T

Đặc sản Gia Lai hút khách dịp Tết

(GLO)- Thị trường đang rất sôi động khi chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến Tết Ất Tỵ 2025. Năm nay, thị trường ghi nhận sự dịch chuyển rõ nét từ tiêu dùng bánh kẹo nhập khẩu sang dùng hàng sản xuất trong nước. Đặc biệt, đặc sản Gia Lai chiếm ưu thế trong thiết kế các giỏ quà tặng.