Huyện Phú Thiện: Chủ động phương án phòng-chống lụt bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dự báo mùa mưa bão năm nay sẽ diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Phú Thiện đã xây dựng phương án phòng-chống lụt bão và phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên.

 Huyện Phú Thiện tổ chức diễn tập phòng-chống lụt bão. Ảnh: H.S
Huyện Phú Thiện tổ chức diễn tập phòng-chống lụt bão. Ảnh: H.S

Huyện Phú Thiện nằm phía Đông dãy Trường Sơn trong khu vực thung lũng Ayun Pa. Địa bàn huyện có nhiều sông suối như: sông Ayun, suối Ia Ake, suối Ia Sol… và đặc biệt là đại công trình thủy lợi Ayun Hạ với dung tích 253 triệu m3 nước. Hàng năm, tại Phú Thiện thường xảy ra mưa bão từ tháng 8 cho đến tháng 11. Khi đến mùa mưa, mưa lớn kết hợp với việc hồ thủy lợi Ayun Hạ xả nước đã tạo thành dòng chảy lớn về sông Ayun và các suối phụ cận dẫn đến việc nước dâng đột ngột gây ngập úng khu dân cư và hoa màu, thiệt hại tài sản của nhân dân. Đến bây giờ, người dân Phú Thiện vẫn chưa quên trận lũ lịch sử năm 2009 gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Ông Bùi Trọng Thành-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Phú Thiện cho biết: Để chủ động đối phó với mưa bão, ngay từ đầu năm, Phòng Nông nghiệp và PTNT-cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã tham mưu cho UBND huyện thành lập Ban Chỉ huy PCTT&TKCN. Sau đó, Ban Chỉ huy phê duyệt các phương án, kiện toàn và phân công nhiệm vụ cho các thành viên; đồng thời, chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn.

Để công tác phòng-chống thiên tai, bão lũ có hiệu quả, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Phú Thiện thành lập các đội xung kích được trang bị đầy đủ áo phao, lương thực, loa cầm tay; chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, vật chất cần thiết phục vụ việc ứng cứu nhân dân khi xảy ra thiên tai. Đồng thời, tổ chức diễn tập phòng-chống lụt bão; rà soát những khu vực cao ráo để kịp thời di dân nếu có lũ to; cắm biển cảnh báo nguy hiểm ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét. Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Phú Thiện chỉ đạo các ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc phương châm 4 tại chỗ; chú trọng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về thiên tai để có biện pháp phòng tránh, đặc biệt là tuyên truyền cho học sinh, trẻ em các biện pháp tránh lũ.

Huyện Phú Thiện cũng rà soát để xác định vùng xung yếu dọc sông Ayun, các con suối và nhất là những khu vực dân cư có nguy cơ bị cô lập do mưa lũ; tổ chức rà soát và túc trực 24/24 giờ vào thời điểm mưa to. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Phú Thiện tổ chức kiểm tra và chỉ đạo các xã xác định nơi sạt lở, thường xuyên bị ngập lụt, nhất là 2 xã Chrôh Pơnan và Ia Hiao, nơi cuối nguồn của con sông Ayun. Đây là 2 xã thường xuyên bị ngập lụt. “Là xã ở gần cuối sông Ayun và thường xảy ra ngập lụt ở khu vực dải đất ven sông, chúng tôi thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết, lịch xả nước của công trình Ayun Hạ rồi kịp thời phát trên hệ thống loa truyền thanh để người dân biết, đồng thời triển khai nhiều biện pháp để chủ động đối phó với thiên tai, bão lũ”- ông Nguyễn Văn Thắng-Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã Chrôh Pơnan cho hay.

Đối với công trình thủy lợi Ayun Hạ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đã có văn bản đề nghị Công ty khai thác công trình thủy lợi Gia Lai và Xí nghiệp khai thác đầu mối kênh chính thủy lợi Ayun Hạ thực hiện tốt công tác phòng-chống bão lũ; có kế hoạch thông báo lịch xả lũ công trình thủy lợi Ayun Hạ để địa phương biết chủ động phòng tránh.

Hoành Sơn

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.