Huyện Kbang: Hỗ trợ nhà ở cho gia đình chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ nhiều nguồn lực khác nhau, những năm qua, huyện Kbang đã tập trung hỗ trợ làm mới nhà ở cho các gia đình chính sách, người có công có hoàn cảnh khó khăn. Trong năm 2016, huyện sẽ phấn đấu để không còn gia đình chính sách, người có công khó khăn về nhà ở.

Nhận được tin mình sẽ được xây tặng một ngôi nhà tình nghĩa trong tháng 7 này, bà Đinh Thị Anhick (làng Đak Tơl Ngông, xã Sơn Lang, huyện Kbang) hạnh phúc lắm. Là gia đình có công với cách mạng, tuy nhiên, do con cái đông nên cuộc sống của gia đình bà rất khó khăn. Khi ngôi nhà cũ quá dột nát, xuống cấp, bà và con cái dành dụm, chắt chiu được ít tiền để làm một căn nhà mới vững chãi hơn nhưng… chỉ đủ làm phần móng nhà. Hiểu được khó khăn đó, chính quyền và ngành chức năng huyện Kbang đã kêu gọi cộng đồng, các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ để xây dựng hoàn thiện căn nhà mới cho gia đình bà Anhick. “Huyện sẽ hỗ trợ cho gia đình bà Anhick khoảng 50 triệu đồng, phần còn lại gia đình bà Anhick đóng góp thêm. Tổng chi phí xây dựng căn nhà dự kiến khoảng 100 triệu đồng. Hiện nay, căn nhà đang thi công và dự kiến sẽ hoàn thành, bàn giao cho gia đình trước ngày 2-9 năm nay. Tuy không lớn về giá trị vật chất nhưng đây là nguồn động viên tinh thần to lớn cho gia đình. Từ đây, bà Anhick sẽ có một mái nhà vững chãi che mưa nắng, không còn phải lo lắng nhiều mỗi khi mưa to gió lớn”-ông Dương Quốc Điệp-Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lang, chia sẻ.

 

Sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Kbang. Ảnh: L.H
Sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Kbang. Ảnh: L.H

Không chỉ gia đình bà Đinh Thị Anhick mà trong các năm qua, nhiều gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện Kbang đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời cả về vật chất và tinh thần để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Sự giúp đỡ này thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, tấm lòng tri ân của cộng đồng đối với sự hy sinh, đóng góp của các gia đình chính sách, người có công cho cách mạng trong thời kỳ đất nước còn gian lao. Theo thống kê, toàn huyện Kbang hiện có 969 đối tượng chính sách và người có công, trong đó có 178 thương binh, 363 bệnh binh, 186 người có công với cách mạng, 38 đối tượng là người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học, 72 đối tượng hưởng chế độ tuất bệnh binh…

“Kbang là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh, số lượng đối tượng chính sách và người có công tương đối lớn. Phần lớn trong số họ đều có hoàn cảnh khó khăn, điều kiện sức khỏe không đảm bảo do di chứng của chiến tranh để lại. Trong khi đó, Kbang vẫn còn là huyện khó khăn, việc kêu gọi giúp đỡ cũng chỉ được phần nào. Đó là điều khiến địa phương trăn trở rất nhiều”-bà Nguyễn Thị Hà-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Kbang, cho biết.

 

Ông Võ Văn Phán-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kbang, cho biết: Huyện Kbang hiện có 57 đối tượng khó khăn về nhà ở. Thường trực Huyện ủy quyết tâm đến cuối năm 2016, huyện sẽ không còn đối tượng chính sách, người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở. Sau khi hoàn tất công tác hỗ trợ nhà ở, huyện sẽ chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát lại số hộ chính sách thiếu giường, chiếu, chăn, màn, ti vi để tiếp tục vận động kinh phí hỗ trợ, nhằm giúp họ ổn định cuộc sống và nâng cao đời sống tinh thần.

Từ đầu năm đến nay, huyện Kbang đã vận động được 15 đơn vị đăng ký làm nhà ở cho đối tượng chính sách, người có công khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện với tổng cộng 40 ngôi nhà. Quy cách mỗi căn nhà có thể là nhà trệt hoặc nhà sàn có diện tích tối thiểu là 41 m2, trị giá từ 50 triệu đồng trở lên. Hiện nay, huyện đang triển khai xây dựng 30 ngôi nhà, số còn lại chờ kinh phí thực hiện. Bên cạnh đó, trung bình mỗi năm, huyện cũng kêu gọi, vận động đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được khoảng 150 triệu đồng. Số tiền này dùng để sửa chữa nhà ở cho đối tượng chính sách, người có công hoặc tu sửa, tôn tạo nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ và các hoạt động khác. Bên cạnh đó, huyện còn quan tâm đẩy mạnh các hoạt động dành cho người có công, đối tượng chính sách như: cấp thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết các chế độ chính sách, tổ chức điều dưỡng cho đối tượng người có công… “Việc huy động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn ngày càng khó do suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, với vai trò là ngành chuyên môn, chúng tôi sẽ cố gắng tham mưu cho cấp trên cũng như tổ chức thực hiện nhiều nhất có thể các chương trình, việc làm ý nghĩa để giúp đỡ cho các đối tượng chính sách, người có công và gia đình họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, tạo động lực để họ vươn lên”-bà Hà nhấn mạnh.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm