(GLO)- “Để công tác giao quân đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, phát lệnh người nào đi người đó; Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự huyện đã tổ chức rút kinh nghiệm sâu sắc công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ trong thời gian qua và thực hiện đồng bộ các giải pháp tuyển quân”-Đại tá Hoàng Trung Thông-Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ia Grai (Gia Lai) cho biết.
Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai Luật Nghĩa vụ Quân sự năm 2015. Theo đó, những nội dung mới trong luật này đã khiến cho một số huyện, nhất là những huyện vừa giao quân đợt II-2015 như Ia Grai gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, tính từ thời điểm giao quân đợt II-2015 đến đợt giao quân năm 2016 chỉ có hơn 5 tháng, trong khoảng thời gian ngắn mà phải hoàn tất các bước trong quy trình tuyển quân là việc không hề dễ dàng. Đầu tiên là khó khăn về nguồn công dân nhập ngũ, vì sau khi thực hiện giao quân đợt II-2015, nhiều công dân trong độ tuổi đã đi làm ăn xa. Chưa kể, những thanh niên đạt chất lượng tốt về sức khỏe, về trình độ học vấn đều đã nhập ngũ trước đó. Mặt khác, một số thanh niên dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa đã có vợ, có con nhưng lại chưa đăng ký kết hôn cũng gây khó khăn trong quá trình tuyển chọn, gọi nhập ngũ…
Trước những khó khăn trên, Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo tốt các chỉ tiêu cũng như nâng cao chất lượng giao quân. Cụ thể là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và phát huy tinh thần trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự các cấp nhằm thực hiện tốt nhất các bước trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ. Từ khâu rà soát, đăng ký nguồn công dân cho đến việc gọi khám, phát lệnh nhập ngũ… đều được Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự các cấp thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc, đảm bảo tính công khai, dân chủ. Cùng với đó, Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự các cấp cũng đã chủ động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, những nội dung mới trong Luật Nghĩa vụ Quân sự năm 2015 đến đông đảo quần chúng nhân dân, nhất là những thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ.
Theo đó, trước Tết Bính Thân, Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự huyện đã gọi khám sức khỏe 650 công dân trong độ tuổi từ 18 đến 27 (độ tuổi từ 25 đến 27 chỉ áp dụng cho công dân đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học thuộc diện tạm hoãn nghĩa vụ quân sự trước đó). Qua các bước khám tuyển, Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự đã lựa chọn được 271 công dân đủ điều kiện nhập ngũ. Tuy nhiên, vì huyện thực hiện công tác giao quân liền kề nên trong số thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự đợt này, không có cán bộ, công chức, viên chức; không có thanh niên đã tốt nghiệp đại học mà chỉ có 3 người đã tốt nghiệp cao đẳng; có 48 người đã tốt nghiệp THPT (đạt 25,9%); số thanh niên đạt sức khỏe loại I và II chiếm 34%; tuổi đời của thanh niên từ 18 đến 22 chiếm trên 87,6%... Cũng theo Đại tá Hoàng Trung Thông, công tác phát lệnh gọi công dân nhập ngũ đã được huyện hoàn thành xong trước Tết Nguyên đán. Sau khi phát lệnh, Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự huyện đã phân công cán bộ tăng cường bám, nắm cơ sở để có biện pháp giải quyết các trường hợp phát sinh, đồng thời kịp thời động viên công dân trước ngày lên đường nhập ngũ.
Là một trong 24 thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ, anh Phạm Minh Trí (tổ dân phố 2, thị trấn Ia Kha), phấn khởi: “Em đã sẵn sàng lên đường nhập ngũ”. Nói về quyết tâm nhập ngũ của mình, Minh Trí chia sẻ: “Em muốn nhập ngũ để được rèn luyện cứng cỏi hơn và nếu được thì em có thể phục vụ lâu dài trong quân ngũ”.
Anh Huy