(GLO)- Trong hai ngày 15 và 16-7-2014, tại huyện Đức Cơ, Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản đã phối hợp với Phòng Tài chính, UBND huyện Đức Cơ tổ chức buổi đấu giá quyền sử dụng đất với 240 lô đất thuộc thị trấn Chư Ty. Và nó đã diễn ra không giống bất kỳ một buổi đấu giá đơn thuần nào.
Buổi đấu giá kỳ lạ
Theo thông báo của Hội đồng đấu giá, trong đó có đại diện của Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản và ông Nguyễn Hồng Lam-Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Huỳnh Cân-Chánh Văn phòng UBND huyện, thì các lô đất được đưa ra đấu giá có giá khởi điểm là 120 triệu đồng hoặc 130 triệu đồng tùy theo từng vị trí. Mỗi bước giá để người tham gia đấu giá trả giá được quy định là 2 triệu đồng. Mỗi lô đất trung bình đều có 5-6 người tham gia đăng ký đấu giá. Tuy nhiên, khi bước vào đấu giá, chỉ có một người duy nhất hô giá 122 triệu đồng hoặc 132 triệu đồng còn tất cả những người còn lại đều im lặng đến khi mức giá đó được ấn định đến lần thứ ba-tức đã thuộc về người duy nhất hô giá.
Quang cảnh buổi đấu giá. Ảnh: Văn Ngọc |
Điều đáng ngờ là hầu hết các lô đất mang ra đấu giá đều rơi vào khung cảnh kỳ lạ như vậy. Tại sao nhiều người tham gia đấu giá lại sẵn sàng bỏ ra tiền đặt cọc và công sức, thời gian chỉ để im lặng trong buổi đấu giá? Hoặc giả nếu họ không đủ điều kiện, không có nhu cầu mua lô đất đó ngay trước buổi đấu giá diễn ra, thì tại sao nó trùng hợp đến mức tất cả đều rơi vào hoàn cảnh đó để rồi chỉ một người hô giá? Tuy nhiên, vẫn có những lô đất diễn ra bình thường như mọi phiên đấu giá khác. Tại một số lô đất ở vị trí thuận lợi, gần chợ, gần khu dân cư… thì có 10-15 người tham gia đấu giá và nhiều người tham gia hô giá theo từng bước giá khiến giá trị lô đất từ mức khởi điểm là 120 triệu đồng được “tố” lên đến hơn 200 triệu đồng, thậm chí là 250 triệu đồng. Như vậy, số tiền mà Nhà nước thu được từ những lô đất này lên đến hơn 100 triệu đồng/lô chứ không chỉ 2 triệu đồng/lô như những lô đất có màn trả giá kỳ quặc kia.
Những hành động lạ ấy lại tiếp diễn khi những người đã im lặng trong phiên đấu giá lập tức vây quanh người đấu thành công lô đất để… nhận tiền. Tùy theo từng lô đất mà giữa người có nhu cầu mua thật sự với những người chỉ đăng ký đấu giá chỉ để im lặng, thỏa thuận để quyết định giá trị của tiền “hoa hồng”. Theo ghi nhận của P.V Báo Gia Lai, người trúng lô đất thường phải chi từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng/lô tiền hoa hồng để “mua” sự im lặng của những người còn lại đăng ký cùng lô đất với mình. Như vậy, với mỗi lô đất có sự thỏa thuận, số tiền đáng ra phải rót vào ngân sách nhà nước lại lọt vào tay những người tranh thủ đăng ký để hưởng hoa hồng. Đặc biệt, trong đó có rất nhiều cán bộ của huyện đã đăng ký hàng chục lô đất nhưng không tham gia trả giá để sau đó được chia tiền từ người trúng giá lô đất.
Cơ quan Công an nói gì?
Sau khi nhận thông tin từ P.V Báo Gia Lai, ông Phạm Thế Dũng-Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã trực tiếp chỉ đạo Công an tỉnh vào điều tra làm rõ. Theo báo cáo kết quả của Công an tỉnh gửi UBND tỉnh, thì qua quá trình làm việc với một số người tham gia đấu giá Công an tỉnh xác định: Có hiện tượng thỏa thuận trước khi đấu giá. Trước khi vào phòng đấu giá một số đối tượng đã tìm hiểu danh sách những ai tham gia đấu giá để tiến hành khống chế, thỏa thuận, ấn định một mức giá để người có nhu cầu mua thì những người khác sẽ nhường, sau đó phải chi tiền lại cho những người không tham gia trả giá. Một số lô đất chỉ trúng với giá khởi điểm cộng một bước giá. Cùng tham gia việc thỏa thuận này có nhiều công chức của huyện Đức Cơ.
Chia tiền hoa hồng sau buổi đấu giá. Ảnh: Văn Ngọc |
Bên cạnh đó, khi đang tiến hành cuộc đấu giá, Trung tâm đấu giá bổ sung danh sách người tham gia đấu giá là không đúng quy định tại Nghị định 17/2010/NĐ-CP. Trong quá trình đấu giá, Trung tâm đấu giá và Hội đồng định giá và giám sát huyện Đức Cơ đã để một số đối tượng thỏa thuận, đe dọa những người cùng tham gia đấu giá ngay tại phòng đấu giá dẫn đến kết quả đấu giá không công bằng, khách quan. Hội đồng định giá và giám sát việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất huyện Đức Cơ đã để xảy ra tình trạng lộ thông tin những người đăng ký đấu giá. Không phải là thành viên nhưng ông Nguyễn Tấn Duy-nhân viên Phòng Tài chính-Kế hoạch vẫn được giao trực tiếp phát đơn, viết phiếu thu (một số phiếu thu không có chữ ký của người nộp tiền), quản lý tiền, lập danh sách đấu giá là không phù hợp dẫn đến tiêu cực.
Việc ông Nguyễn Tấn Duy thu tiền trước thời hạn quy định, không gửi toàn bộ số tiền đã thu vào tài khoản của Hội đồng đấu giá và giám sát (để ngoài 651 triệu đồng) là trái quy định của Bộ Tài chính. Ông Duy là người trực tiếp phát đơn, thu tiền, lập danh sách đã để cho vợ đăng ký đấu giá 13 lô đất tạo dư luận không tốt. Tuy nhiên, Công an tỉnh Gia Lai chưa xác định được có sự cấu kết của những thành viên Trung tâm đấu giá, Hội đồng định giá và giám sát, ông Nguyễn Tấn Duy với các đối tượng bên ngoài để thực hiện dàn xếp nhằm mục đích tư lợi trong quá trình đấu giá.
Theo thống kê của Công an tỉnh, trong tổng số 240 lô thông báo đấu giá có 184 lô với 1.097 người đăng ký, giá khởi điểm 23,5 tỷ đồng, giá đấu trúng cao hơn 1,87 tỷ đồng. Tuy nhận thấy có sự dàn xếp kết quả đấu giá nhưng việc trả giá là của người tham gia đấu giá nên không có cơ sở xác định chênh lệch giữa kết quả đấu giá với kết quả trúng thầu. Qua đó không đánh giá được mức độ thiệt hại nên không có căn cứ để xử lý hình sự đối với ông Nguyễn Tấn Duy-thành viên Hội đồng định giá và giám sát, Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản. Bởi vậy, Công an tỉnh đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai có biện pháp xử lý hành chính đối với các tổ chức cá nhân trên.
Lê Văn Ngọc