(GLO)- Đội ngũ hướng dẫn viên (HDV), thuyết minh viên (TMV) được ví như những “đại sứ” giúp quảng bá hình ảnh, văn hóa-lịch sử địa phương đến với du khách, góp phần không nhỏ đến sự phát triển du lịch của tỉnh. Thế nhưng hiện đội ngũ HDV, TMV tại tỉnh ta không chỉ thiếu về số lượng mà kỹ năng, kiến thức còn rất hạn chế.
Thiếu nhân lực
Biển Hồ (TP. Pleiku). |
Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch nhận xét: “Hiện toàn tỉnh có 13 công ty lữ hành, trong đó có 7 công ty lữ hành quốc tế và 6 công ty lữ hành nội địa, nhưng đa số các công ty mới thành lập, đội ngũ HDV mới, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng hướng dẫn còn hạn chế nhiều mặt. Đến nay, Sở đã cấp thẻ cho 53 HDV (17 HDV quốc tế, 36 HDV nội địa), đa số HVD chuyên về tiếng Anh. Đội ngũ HDV này quá mỏng so với nhu cầu nhân lực du lịch hiện nay, trong khi đó, nhiều người được cấp thẻ thường xuyên hoạt động ngoại tỉnh. Tại các điểm du lịch, khu di tích hầu như vắng bóng HDV”.
Anh Nguyễn Văn Triệu-một du khách đến từ Hà Nội kể rằng, trong một lần đưa nhóm bạn du học ở Nga đến Gia Lai tham quan “đôi mắt Pleiku”-danh thắng Biển Hồ, tìm mãi cũng không thấy bóng HDV hay TMV nào tại danh thắng nổi tiếng này để tìm hiểu thông tin. Cuối cùng, người cung cấp những thông tin thú vị về văn hóa-lịch sử, những truyền thuyết xung quanh “mắt ngọc” Biển Hồ lại là một thợ chụp ảnh dạo lâu năm tại đây. Không chỉ có Biển Hồ, nhiều điểm du lịch nổi tiếng của Gia Lai cũng rơi vào tình trạng thiếu HDV, TMV-những người được xem là “đại sứ” cho những điểm du lịch, kết nối du khách với địa phương. Theo thống kê của Phòng Nghiệp vụ Du lịch, mỗi công ty lữ hành bình quân có từ 2 đến 3 HDV. Thế nhưng trong một bài viết về nghề HDV du lịch, người viết từng liên hệ với giám đốc một công ty du lịch có tiếng tại Pleiku thì được trả lời thẳng là công ty không có HDV.
Không chỉ thiếu về số lượng, kiến thức văn hóa-lịch sử, phong tục tập quán của người bản địa Tây Nguyên-chiếm hơn 60% dân số toàn tỉnh- của đội ngũ HDV còn khá mỏng. “Trừ một vài HDV lâu năm có kinh nghiệm-tuy nhiên số này chỉ đếm được trên đầu ngón tay-số lượng HDV trẻ hiện nay còn yếu về kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, một số HDV chưa đạt chuẩn theo yêu cầu”-ông Nguyễn Đức Hoàng cho biết.
Chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên
Thác Phú Cường, một thắng cảnh nổi tiếng ở xã Dun, huyện Chư Sê-Gia Lai. |
Do nhiều nguyên nhân, hoạt động kinh doanh lữ hành 6 tháng đầu năm không có nhiều kết quả khả quan. Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, lượng khách do các cơ sở lữ hành phục vụ có chiều hướng giảm cả khách nội địa, khách quốc tế và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài (từ 13% đến 30%). Doanh thu từ lữ hành chỉ đạt 8 tỷ đồng (giảm 23% so với cùng kỳ năm), tỷ trọng doanh thu từ hoạt động lữ hành cũng chỉ chiếm 10% trong tổng doanh thu du lịch của tỉnh. Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch nhận định: “Với lượng khách và doanh thu từ hoạt động lữ hành cho thấy những con số quá khiêm tốn so với các tỉnh trong khu vực và cả nước”.
Nếu nói đội ngũ HDV, TMV góp phần không nhỏ cho sự phát triển du lịch thì ngược lại, sự phát triển của thị trường du lịch có sự tác động lớn đến đội ngũ này. Một HDV du lịch trẻ của Công ty Lữ hành Gia Lai Xanh chia sẻ: “Lượng khách đến Gia Lai rất khiêm tốn so với các tỉnh, khi tham quan các điểm du lịch, khu di tích cũng ít đoàn có nhu cầu hướng dẫn. Chúng tôi không có nhiều cơ hội hoạt động tại các điểm này. Vì thế, nói thiếu HDV tại các điểm di tích, khu du lịch cũng đúng mà thừa cũng không sai. Thực tế có đồng nghiệp được giao nhiệm vụ hướng dẫn nhưng có khi cả tháng không có đoàn nào cần đến”.
Để thu hút khách, tạo ấn tượng đẹp với du khách và bạn bè khi đến với Gia Lai, rất cần những HDV, TMV trong vai trò “đại sứ”. Về những giải pháp đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ HDV du lịch, Phó Giám đốc Sở cho hay: “Nâng cao chất lượng đội ngũ HDV, TMV đạt chuẩn về mọi mặt, đáp ứng nhu cầu du lịch là yêu tố quan trọng để phát triển du lịch. Chúng tôi đang biên soạn thông tin về toàn bộ các điểm du lịch, khu di tích để các HDV, TMV theo thông tin chính thống ấy giới thiệu cho du khách về các điểm đến. Dự kiến đến tháng 10-2015 sổ tay du lịch này sẽ hoàn thành và phát hành rộng rãi đến đối tượng HDV, TMV. Bên cạnh đó, ngành du lịch sẽ tổ chức các lớp, khóa đào tạo đội ngũ HDV, TMV tại chỗ. Tuy nhiên, đội ngũ HDV, TMV cũng cần phải tự trau dồi, đọc thêm nhiều tài liệu để có vốn kiến thức phong phú, chính xác về lịch sử văn hóa địa phương”.
Ông Nguyễn Đức Hoàng cho biết thêm, trước đây tỉnh ta không có cơ sở đào tạo HDV, TMV du lịch. Muốn đào tạo nguồn nhân lực du lịch này, tỉnh phải liên kết hợp tác với các trường đào tạo nghề ở các tỉnh. Nhưng hiện nay tỉnh đã có thể tự đào tạo HDV, TMV thông qua Dự án EU-ESRT (phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội) do Liên minh châu Âu tài trợ. Dự án hỗ trợ kỹ thuật, trang-thiết bị du lịch, con người… những yếu tố cần thiết để đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhất là đội ngũ HDV, TMV một cách chuyên nghiệp, chuyên sâu.
Hoàng Ngọc