Homestay ở Kon Tum: Hút khách nhưng thiếu sự đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những năm gần đây, trên địa bàn Kon Tum bắt đầu xuất hiện loại hình du lịch homestay, và bước đầu thu hút đông đảo các bạn trẻ, khách du lịch tìm đến trải nghiệm.
 
Đông đảo bạn trẻ tìm đến homestay
Hướng đi mới
Sau thời gian hợp tác cùng các công ty lữ hành, chị Kiều Đăng nhận thấy nhu cầu du lịch trải nghiệm văn hóa của du khách ngày càng lớn, chị đã xây dựng quán cà phê kết hợp homestay Làng Hồ ngay trong sân vườn với những chòi nhỏ mang dáng dấp của nhà sàn. Tại homestay này, ngoài ăn, ở, du khách còn có thể trải nghiệm việc làm tranh gạo cùng chủ nhà, cùng trải nghiệm, khám phá làng du lịch Kon K’tu và sông Đăk Bla…
Với những tour du lịch như thế này, du khách không cần thuê hướng dẫn viên bởi chủ homestay Làng Hồ là một người am hiểu về văn hóa, thông thuộc về địa hình. Chị sẵn lòng đưa du khách tìm hiểu về đời sống sản xuất, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số Banah và trải nghiệm những món ăn mang đậm phong vị của người địa phương.
Chị Kiều Đăng cho biết, bản thân cũng là một người rất yêu văn hóa Tây Nguyên, thích những mô hình du lịch mộc mạc, trải nghiệm và giới thiệu văn hóa người dân bản địa cho khách du lịch. Hơn nữa, khi bạn bè đến thăm quê hương mình cũng có cái để giới thiệu, tiếp đón đúng chất Tây Nguyên. Đây cũng là một niềm đam mê rất lớn nên tôi quyết định đi theo con đường du lịch trải nghiệm mộc mạc này.
Vũ Hồng là một bạn trẻ đến từ TP Hồ Chí Minh. Sau những bộn bề công việc, Vũ Hồng chọn homestay Làng Hồ làm điểm đến trong hành trình du lịch của mình. Sau hơn 3 ngày tại Kon Tum, Vũ Hồng đã có cơ hội trải nghiệm cách pha cà phê, tham quan các làng người Banah dọc sông Đăk Bla.
“Mình muốn có một chuyến nghỉ dưỡng, có một không gian giống như nhà của mình và nơi này đáp ứng được các yêu cầu đó. Ở đây yên tĩnh, mộc mạc và mình có thể tự làm mọi thứ mình thích và khám phá những cảnh đẹp, nét văn hóa đặc sắc của người đồng bào nơi đây”, bạn Vũ Hồng chia sẻ.
Homestay Nhà Suối, phường Ngô Mây, TP Kon Tum là một địa chỉ được cộng đồng du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ ưa chuộng. Ban đầu, homestay này được một nhóm bạn trẻ Kon Tum xây dựng làm nơi gặp gỡ của những người có cùng đam mê du lịch. Lâu dần, những khách du lịch từ các tỉnh thành tìm đến Nhà Suối vừa để lưu trú, vừa để hòa mình với không gian thiên nhiên. Chị Lê Trang, chủ homestay Nhà Suối cho hay: Nhóm của mình yêu thích du lịch và đã đi chơi nhiều nơi. Trong quá trình du lịch, khám phá, bọn mình cảm thấy rất yêu thích mảnh đất Kon Tum này nên muốn xây dựng một nơi mà mọi người có thể tụ tập, vui chơi mỗi cuối tuần…
Homestay Nhà Suối gồm 3 nhà gỗ được xây dựng ngay sát bờ suối Đăk Cấm. Nằm ngay trong lòng TP Kon Tum nhưng homestay Nhà Suối lại có không gian nhiều cây xanh, phù hợp với những người muốn trốn phố phường, về với sự tĩnh lặng của núi rừng. Ngoài khu vực nhà gỗ, khách du lịch đến đây còn có thể lựa chọn phương thức cắm trại, sát theo bờ suối, câu cá, dã ngoại theo nhóm hoặc gia đình. Có thể nói, đêm về là khoảng thời gian thú vị nhất tại homestay này. Lửa trại được đốt lên, những món ăn dân giã, đậm chất Tây Nguyên được dọn ra. Du khách có thể bên nhau, nướng bắp, ăn thịt hun khói và cùng thưởng thức hương vị rượu cần.
Anh Trần Bình Trọng, khách du lịch đến từ Gia Lai cho biết, khi mình đến đây thì cho mình cảm giác yên bình. Sau một tuần làm việc, thường thì thứ Bảy, Chủ nhật mình sẽ đến đây. Lúc làm việc thì mình đã tiếp xúc internet nhiều rồi, nên khi lên đây mình mong có một cuộc sống bình dị thôn quê không tivi, không internet.
Cần được đầu tư đúng hướng
Những năm gần đây, hình ảnh du lịch về Kon Tum được quảng bá rất nhiều các phương tiện thông tin, các website về du lịch. Cùng với phong cảnh thiên nhiên nguyên sơ, đời sống thường nhật của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa đã tạo nên sức hút đối với đông đảo khách du lịch. So với các loại hình du lịch khác, du lịch homestay đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho người dân, góp phần giảm nghèo và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Là một trong những người đặt nền móng cho du lịch homestay ở huyện Kon Plông, chị Nguyễn Thị Thùy Trang, người sáng lập Công ty TNHH MTV Măng Đen Đại Ngàn cho biết: Trên địa bàn huyện Kon Plông có Làng du lịch cộng đồng Kon Bring bước đầu đã được du khách trong và ngoài nước biết đến. Tuy nhiên, thời điểm mới bắt đầu thực sự rất khó khăn bởi đồng bào Mơ Nâm ở đây rất rụt rè trong việc bắt tay vào làm du lịch. Vì thế, tôi cùng với chính quyền địa phương phải động viên và hướng dẫn tận tình từ việc hướng dẫn khách tham quan, chế biến thức ăn, sửa soạn chỗ ngủ, nghỉ ngơi cho khách. Giờ đây dân làng quen dần với du lịch homestay, ý thức được làm du lịch cộng đồng là nguồn thu nhập chính. Việc người dân cùng tham gia làm du lịch, giới thiệu các địa điểm sẽ giúp du khách thoải mái hơn, được chia sẻ, trải nghiệm một cách đầy đủ hơn.
Trên thực tế, các homestay tại Kon Tum mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các làng văn hóa du lịch còn đơn điệu, cơ sở vật chất để phục vụ du khách còn chưa được đầu tư bài bản và còn thiếu đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Du lịch cộng đồng ở Kon Tum hiện mới chỉ ở bước lưu trú qua đêm, thưởng thức ẩm thực và giao lưu văn nghệ. Bên cạnh đó, các sản phẩm quà lưu niệm chủ yếu là các nông sản, dược liệu mới chỉ qua sơ chế của địa phương. Chính vì vậy, muốn du lịch cộng đồng nói riêng, ngành du lịch nói chung phát triển bền vững, tỉnh Kon Tum cần những đầu tư bài bản, dài hơi, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum cho biết: “Việc xuất hiện loại hình lưu trú công cộng homestay không chỉ làm đa dạng các sản phẩm du lịch của tỉnh mà còn giúp giải quyết việc làm, tạo được sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, do còn mới nên loại hình du lịch này vẫn chưa đạt được tính chuyên nghiệp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ có những đánh giá chung hơn nữa về du lịch cộng đồng để có những hỗ trợ và đầu tư hợp lý”.
Theo Sở VHTTDL, năm 2018 Kon Tum đón gần 500 nghìn lượt khách du lịch, tăng gần 100.000 lượt khách so với 2017; trong đó lượng khách quốc tế đạt trên 180 nghìn lượt; tổng doanh thu ước đạt gần 254 tỉ đồng.
Có thể khẳng định, du lịch đã và đang trở thành thế mạnh của tỉnh. Với lợi thế này, cần sớm có sự đầu tư, liên kết các tour, tuyến du lịch và xây dựng những sản phẩm du lịch homestay đặc trưng của Kon Tum. Có như vậy, du lịch cộng đồng tại Kon Tum mới có cơ hội phát triển bền vững, cộng đồng các dân tộc thiểu số tại các địa phương có thể phát triển kinh tế dựa vào chính những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Ngọc Hòa (Văn Hóa)

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.