Hồi ức "hạt giống đỏ" trên đất Bắc-Kỳ 3: Lớp học ở vùng sơ tán

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Năm học 1963-1964, tôi được lên lớp 2C do thầy Triêm-người Pa Hy chủ nhiệm. Tháng 9-1964, hệ cấp I của trường đi sơ tán tại Chi Nê, đóng ngay phía trước cổng chính của Trường Đào tạo Cán bộ Dân tộc miền Nam.
Từ Hà Nội về Chi Nê bấy giờ nếu theo đường bộ là 92 km. “Cuộc hành quân” của trường về Chi Nê chia làm 2 chặng đường: chặng thứ nhất đi tàu hỏa từ Hà Nội về ga Phủ Lý-Hà Nam vào tối; chặng thứ 2 từ ga Phủ Lý về Chi Nê (27 km). Từ Phủ Lý về Chi Nê chia làm 2 nhóm, nhóm con trai các lớp 3 và 4 đi bộ, còn lại đi ô tô.
Năm học này tôi có thêm những bạn mới như Đinh Lói (SN 1953), Đinh Lê (SN 1955, cùng là dân tộc Hrê), Đinh Cường (dân tộc Kor), A Gun (dân tộc Ktu), A Lua (dân tộc Vân Kiều)... Từ cuối năm học, trường thường nhuộm đen quần áo để dễ ẩn nấp khi máy bay Mỹ đến. Tôi vẫn ở trường là chính, chỉ thứ năm và chiều thứ bảy, chủ nhật về nhà má Chín. Khi ấy, nơi ngồi học là một chiếc lán dựng trong một cái hang rất lớn nằm sâu trong núi. Ban ngày từ 6 giờ, chúng tôi vào ở trong núi học, đến 17 giờ thì về trường ngủ. Tại lán học trong núi và nhà ở tại trường, chúng tôi đều phải đào hầm sâu khoảng 1,5-2 m, rộng khoảng 0,75 m từ trong nhà ra ngoài để phòng khi máy bay Mỹ đến, có thể nhanh chóng xuống hầm ra khỏi nhà ngay. Nhớ lại trừ nhà ở ra, còn lại học sinh chúng tôi phải làm tất dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của các thầy, cô. Chúng tôi bắt đầu biết làm phân xanh, trồng, chăm sóc cây rau, trồng khoai, ngô, sắn, chặt củi... để cải thiện bữa ăn là bắt đầu từ lớp 2 này. Nhớ lại mà xúc động lắm, cảm ơn các thầy cô giáo đã không chỉ dạy chữ mà còn rèn luyện chúng tôi từng bước một nên người từ thời thơ ấu như vậy.
Một số bạn đội thiếu niên hệ cấp II chụp ảnh với thầy Nguyễn Trọng Bí Hệ trưởng ở Bản Đồng Liều, xã Chi Lăng cuối năm 1966. Ảnh: Ksor Phước
Một số bạn đội thiếu niên hệ cấp II chụp ảnh với thầy Nguyễn Trọng Bí Hệ trưởng ở Bản Đồng Liều, xã Chi Lăng cuối năm 1966. Ảnh: Ksor Phước
Khi sống tập thể vẫn có cô bảo mẫu lo cho việc giặt giũ quần áo, chăn, màn... chung cho những đứa nhỏ. Cho đến khi đi sơ tán lên Chi Nê (tỉnh Hòa Bình) thì không còn chế độ bảo mẫu nữa. Cũng như bao bạn cùng học khác, tôi phải tự xử lý những vấn đề rất nhỏ, bình thường trong cuộc sống. Ví dụ quần áo bẩn ai giặt cho? Khi quần áo ướt thì làm phải gì?... Chúng tôi cứ nhìn các anh lớn mà làm theo. 
Năm lớp 3, sáng dậy, sau khi tập thể dục, chúng tôi xuống ruộng lúa bên nhà, lấy hai tay xấp xấp nhẹ vào lá lúa có đầy sương rồi ấp nhẹ lên mặt... Thế là xong việc rửa mặt đầu ngày. Mãi đến năm học lớp 4, tôi mới biết sử dụng xà phòng để giặt quần áo. Mai này, khi sang Quế Lâm (Trung Quốc), tôi mới biết đánh răng và dùng khăn để tắm, rửa. Thật khó tin nhưng đó là một trang đời rất thật, lung linh thường ngày của tôi và nhiều bạn thời ấy.
Ở Chi Nê, chúng tôi thường vào các làng của đồng bào Mường. Quan hệ giữa Trường Đào tạo Cán bộ Dân tộc miền Nam, Trường Dân tộc Trung ương với đồng bào các dân tộc ở Chi Nê rất chan hòa, đầm ấm, gần như không có xung khắc nào. Nhờ đó tôi đã sớm biết vài nét về đồng bào Mường, họ cũng sống trong nhà sàn, canh tác ruộng nước nhưng cũng làm nương rẫy như người Tây Nguyên, cũng có rượu ghè...
Khoảng tháng 6-1965, trường trở về lại Trường Dân tộc Trung ương ở Thanh Xuân, Hà Nội. Sau khoảng một tuần, vào một buổi chiều, lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh máy bay Mỹ bay quần đảo trên bầu trời Hà Nội. Đến tháng 8-1965 trường lại từ Hà Nội chuyển lên Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) sơ tán trong vòng một tháng tại Bản Trang (xã Chi Lăng, huyện Tràng Định). Lần này ở đây trường có đủ 3 hệ cấp I, cấp II và cấp III. Sau 1 tháng hệ cấp III đóng tại Bản Trang cùng Ban Giám Hiệu; hệ cấp II vào sâu tận bản Đồng Liều; còn hệ cấp I vào bản Nà Phuộc. Thầy Tuy làm Trưởng hệ cấp I, thầy Thê Trưởng hệ cấp III, thầy Bí Trưởng hệ cấp II. 
Các cựu học sinh trường Dân tộc Miền Nam chụp ảnh lưu niệm trước Bia di tích trường tại Bản Trang, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn 2019. Ảnh: Ksor Phước
Các cựu học sinh Trường Cán bộ Dân tộc miền Nam chụp ảnh lưu niệm trước Bia di tích trường tại bản Trang, xã Chi Lăng, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn 2019. Ảnh: Ksor Phước
Mấy tháng đầu, học sinh và các thầy, cô giáo thực hiện “2 cùng” với dân: cùng ăn, cùng ở; còn thời gian trong ngày là lên rừng chặt, vác tre, nứa về làm nhà và trồng rau, trồng mì, ngô... để cải thiện bữa ăn. Sau này về ở tập trung theo lớp, nhà ở cũng chính là lớp học, phải đào hào. Ngoài ra, nhà nào cũng có một căn phòng nhỏ dành cho giáo viên chủ nhiệm ở. Thời đó rừng ở Tràng Định còn rậm lắm. Đồng bào dân tộc Tày, Nùng cũng ở nhà sàn, canh tác ruộng nước và làm nương rẫy như đồng bào dân tộc Mường ở Lạc Thủy. Nhà sàn, trên thì người ở, dưới chất củi và chuồng trâu, bò. Các món ăn của đồng bào Tày, Nùng rất phong phú, ngon và nhiều màu sắc…
Sau khi ổn định chỗ ở và lớp học, buổi sáng thầy dạy, buổi chiều học ôn, rồi chơi thể thao (chủ yếu bóng đá và bóng chuyền), sau đó tưới rau; buổi tối năm đầu dùng đèn dầu, sang năm sau có máy phát điện 5kw/h cho mỗi nhà 2 bóng gọi là, nhưng chỉ đến 21 giờ là tắt.
Thời đó khó khăn lắm, hầu hết chúng tôi phải ăn độn sắn hoặc ngô. Thịt, cá lâu lâu mới có (chủ yếu do trường tổ chức chăn nuôi lợn, bò là chính), mâm nào (4 người/mâm) có người cài bẫy được thú rừng hoặc bắt được cá thì ăn uống thoải mái hơn.
Năm học này tôi có thêm nhiều bạn học mới thường hay chơi và song hành cùng nhau, có người đến hết lớp 10. Cỡ cùng lứa (hơn kém nhau từ 2-5 tuổi nhưng đều xưng hô mày tao) như: A Gun, A Lua, Sói, Đinh Cường, Đinh Lói, Đinh Lê, Khê, Bắc, Y Tinh, Đinh Vin…
Như phần trên tôi có nói, thời đi sơ tán rất nhiều khó khăn. Cũng như bao anh, chị lớn tuổi, chúng tôi đều phải tích cực tham gia cùng mọi người lên rừng chặt cây, tre, nứa làm nhà, lớp học, chặt củi, trồng rau, nuôi gà, heo... để cải thiện bữa ăn. Thời bấy giờ đồng bào Tày, Nùng ở xã Chi Lăng không bao giờ ăn thịt trâu. Có lần trâu bị sét đánh chết họ cũng đem đi chôn. Lần sau con trâu nào bị sét đánh chết, anh, em học sinh trong trường đến xin người dân, họ cho đem về xẻ thịt nấu chia nhau ăn...
...Do Đế quốc Mỹ tiếp tục mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, từ tháng 8-1972, Trường Học sinh miền Nam số 3 (lúc này đã đổi tên-P.V) phải tổ chức các lớp đi sơ tán riêng lẻ cách trường khoảng hơn 1 km, sâu vào các vùng còn rừng. Ở nơi mới, chúng tôi cũng phải tự làm tất cả, nhà ở kiêm lớp học, đào giao thông hào từ trong nhà ra, các lớp ở cách nhau vài trăm mét. Cuộc sơ tán lần này là lần cuối cùng, sau 12 ngày đêm “Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không” mới kết thúc.
KSOR PHƯỚC

Có thể bạn quan tâm

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.