Nếu không có thôn, làng nông thôn mới thì sẽ không có xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới. Với tinh thần đó, những mô hình làng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Gia Lai đã ra đời, mang đến “hơi thở” cuộc sống mới cho bà con dân tộc trên địa bàn.
Sau hơn một năm xây dựng và thực hiện mô hình làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), sinh hoạt, tập quán của người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã từng bước thay đổi theo hướng văn minh hơn; bộ mặt nông thôn mới có nhiều tiến bộ và khang trang hơn; đời sống vật chất, tinh thần của bà con từng bước được nâng lên rõ rệt.
Với đặc thù là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc Tây Nguyên, Gia Lai hiện có trên 45% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Sau nhiều năm khảo sát thực trạng cuộc sống của bà con vùng DTTS, Tỉnh ủy Gia Lai nhận thấy bộ mặt nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều bất cập. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, cảnh quan, môi trường, quy hoạch thôn, làng chưa đồng bộ; đại đa số nhà dân không có cổng, rào; sinh hoạt thiếu ngăn nắp vệ sinh. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con, đặc biệt là đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn. Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS chiếm hơn 86% trên tổng số hộ nghèo toàn tỉnh.
Để giải “bài toán” đã trăn trở nhiều năm với bà con vùng dân tộc; mặt khác, nhằm cụ thể hóa các chỉ thị, chỉ đạo của Trung ương về các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong vùng DTTS, đầu năm 2018, Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU (Chỉ thị số 12) về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị số 12 được xây dựng trên cơ sở lồng ghép 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới và được điều chỉnh một số nội dung phù hợp với điều kiện thực tế của vùng đồng bào DTTS.
Theo tinh thần đó, một mặt nâng cao đời sống của bà con thông qua việc phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân trong việc phát triển kinh tế, tạo ra những làng nông thôn mới có kinh tế hộ phát triển; cùng với đó, nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng các làng đồng bào dân tộc thiểu số thành các khu dân cư có cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; có hàng rào, vườn rau, nhà vệ sinh, khu chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường… Mặt khác, vẫn gìn giữ được bản sắc và cốt cách riêng của những làng đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.
|
Nhờ Chỉ thị 12 của Tỉnh ủy Gia Lai, bộ mặt làng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS trong đó là làng Sơn, xã Ia Nam, huyện Đức Cơ không ngừng khởi sắc (ảnh: Trần Quỳnh) |
Sau hơn một năm triển khai Chỉ thị 12, việc xây dựng Làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai bước đầu đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.
Những kết quả ban đầu do làng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS mang lại
Làng Sơn, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai nằm ở khu vực biên giới, tiếp giáp với Campuchia. Nơi đây hiện có 230 hộ, trong đó có đến 177 hộ là người dân tộc Jrai (chiếm tỷ lệ 77%). Từ bao đời nay, bà con dân tộc Jrai ở làng Sơn vẫn giữ nguyên nếp sinh hoạt theo tập tục truyền thống nên cái nghèo, cái lạc hậu cứ đeo đuổi mãi. Một số ngôi nhà của bà con trong làng được xây dựng lộn xộn, xập xệ, cũ nát; cây cối, hoa màu lưa thưa, xơ xác; nhà nhà đều nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn hoặc thả rông; mùa nắng mùi phân và rác thải bốc lên nồng nặc, mùa mưa nhớp nhúa hôi tanh, nhiều hộ dân trong làng không có nhà vệ sinh, nước sinh hoạt quanh năm thiếu.
Làng Sơn là một trong những địa phương đăng ký thực hiện mô hình điểm làng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS theo tinh thần Chỉ thị 12 của Tỉnh ủy Gia Lai. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia, làng Sơn mới chỉ đạt 12/19 tiêu chí, trong đó các tiêu chí chưa đạt là giao thông, trường học, nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, văn hóa, môi trường.
Ngay sau khi được UBND huyện Đức Cơ chọn làm điểm xây dựng làng nông thôn mới, làng Sơn đã tổ chức họp nhân dân để triển khai thực hiện. Trưởng thôn Rơ Mah Triết cho biết: “Sau khi chúng tôi quán triệt chủ trương, kế hoạch của huyện thông qua các cuộc họp làng, giúp bà con hiểu được mục đích, ý nghĩa, vai trò và trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới, bà con trong làng rất phấn khởi và tích cực hưởng ứng".
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng thuận cao của đồng bào, đến cuối năm 2018 làng Sơn đã đạt 19/19 tiêu chí làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo của làng đã giảm 20 hộ so với cuối năm 2017. Thu nhập bình quân đầu người đạt 24,8 triệu đồng/người/năm, tăng 5,2 triệu đồng so với năm 2017 và cao hơn thu nhập bình quân đầu người của cả xã Ia Nan (23,24 triệu đồng/người/năm). Để có được kết quả ấy là nhờ sự vào cuộc khẩn trương và tích cực của cả hệ thống chính quyền địa phương và sự chung tay, chung sức của bà con nơi đây.
Để giúp bà con làm kinh tế thoát nghèo, huyện Đức Cơ đã vận động nhân dân làng Sơn tham gia thực hiện Dự án sản xuất Cà phê theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện giai đoạn 2018 - 2020; hỗ trợ bò giống cho các hộ dân trong làng; cùng với đó, lồng ghép tổ chức các lớp tập huấn về bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật trồng tái canh cà phê; mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động trong làng...
|
Lãnh đạo huyện Đức Cơ kiểm tra kết quả xây dựng làng nông thôn mới tại làng Sơn, xã Ia Nan (ảnh: ducco.gialai.gov.vn) |
Nhằm xây dựng hệ thống giao thông, trường học của làng, huyện đã huy động 4.349 triệu đồng và 1.080 công lao động để thực hiện các công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường học…, trong đó tổ chức nạo vét được hơn 205m kênh mương nội đồng, bờ đập công trình thủy lợi của làng; chỉnh trang đường dây điện sau công tơ cho các hộ dân trong làng để đảm bảo sử dụng an toàn, mỹ quan nông thông; đầu tư bổ sung hơn 30 bộ bàn ghế học sinh tại trường tiểu học Kpă Klơng; xây dựng và chỉnh trang nhà Rông và nhà văn hóa làng với tổng kinh phí 421 triệu đồng;…
Đối với các tiêu chí chưa đạt về môi trường, chính quyền địa phương đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đánh giá chất lượng nước sạch cho bà con, đảm bảo 100% các hộ dân trong làng được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; tổ chức tuyên truyền, vận động và giúp đỡ trên 90% hộ dân đào hố rác, trồng cây ăn quả, cây xanh; đảm bảo hơn 70% hộ dân trong làng có nhà tiêu, nhà tắm, bể nước hợp vệ sinh… Điển hình như gia đình ông Rơ Lan Sáu (làng Sơn, xã Ia Nan) trước đây chưa có nhà tắm, chưa có hàng rào quanh vườn nhà. Từ khi huyện triển khai chương trình xây dựng mô hình điểm Làng nông thôn mới, gia đình ông được công đoàn cơ sở Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện hướng dẫn và giúp đỡ gia đình làm hàng rào, cổng ngõ sạch đẹp; đặc biệt hai cây chôm chôm do Công đoàn cơ sở Đài Truyền thanh - Truyền hình trồng tặng, gia đình ông cũng đã rào cẩn thận, đang lên xanh tốt hứa hẹn sẽ cho những mùa quả ngọt.
Giống như gia đình ông Rơ Lan Sáu, 130 hộ dân khác trong làng cũng đã rào vườn với tổng chiều dài 3.500m; xây mới và chỉnh trang hơn 60 nhà tiêu hợp vệ sinh; trồng hơn 80 cây ăn quả và hơn 2.000 cây xanh tại các công trình công cộng, các tuyến đường làng ngõ xóm và xung quanh nhà ở của bà con. Chính quyền địa phương cũng đã vận động được 11 hộ dân trong làng hiến tặng 1.000m2 đất ở, đất sản xuất để xây dựng đường giao thông tuyến 2;…
Đến nay, khi đặt chân đến làng Sơn có thể thấy một cổng chào rất khang trang mới được dựng lên; diện mạo làng Sơn đã có nhiều khởi sắc, đổi thay với nhịp sống nông thôn mới nhưng vẫn lưu giữ những nét văn hóa rất riêng của đồng bào dân tộc Jrai.
Đồng chí Phạm Văn Cường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện Đức Cơ cho biết, hiện nay các ngành chức năng của huyện đang hoàn chỉnh hồ sơ xét công nhận cho làng Sơn đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định, đồng thời tổ chức Hội nghị đánh giá để nhân rộng mô hình trong năm 2019 và những năm tiếp theo trên địa bàn huyện với hy vọng việc xây dựng những làng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS theo tinh thần Chỉ thị 12 của Tỉnh ủy Gia Lai sẽ tạo ra những điểm nhấn khác biệt trong xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại cần phải vượt qua
Khác với xã Ia Nan nơi có làng Sơn đã cơ bản đạt tiêu chí về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS, thì tại xã Ia Dom cũng của huyện Đức Cơ, giờ mới đăng ký xây dựng làng Mook Trêl thành làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS. Mặc dù từ cách đây 3 năm (2016), Ia Dom đã là xã đầu tiên của cả vùng biên giới Tây Nguyên được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới theo bộ tiêu chí cũ, nhưng sau đó vì có 6 tiêu chí không duy trì được nên bị tụt hạng so với bộ tiêu chí mới. Trong đó có những tiêu chí rất khó thực hiện, đó là về môi trường, về nước sạch và về hệ thống cơ sở chính trị. Lý do là vì mặt bằng trình độ dân trí của đồng bào nơi đây còn thấp, một số phong tục, tập quán lạc hậu nên khó thay đổi sang cách nghĩ, cách làm mới.
Gia đình anh Mai Văn Tú, sống tại làng Mook Trêl, xã Ia Dom hiện có 7 ha trồng điều, cà phê, tiêu. Tuy có lúc được mùa, khi mất giá, nhưng mỗi năm cũng cho thu nhập hàng chục triệu đồng, cuộc sống tương đối khá giả. Anh Tú là người Kinh, quê ở Hà Tĩnh, vào định cư tại làng Mook Trêl từ mấy chục năm nay; nhà anh Tú nằm ngay cạnh trục đường chính chạy qua làng, nhưng nhìn cảnh quan, môi trường nhà anh Tú vẫn không đẹp mắt, chưa hợp vệ sinh. Cũng bởi vì xung quanh nhà anh Tú đa số là đồng bào dân tộc Jrai và dân tộc Tày, nên anh Tú không tránh khỏi bị ảnh hưởng từ nếp suy nghĩ, nếp sống của đồng bào nơi đây.
|
anh Mai Văn Tú bên vườn hồ tiêu và cà phê của gia đình tại làng Mook Trêl, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (ảnh: Trần Quỳnh) |
Chính lối suy nghĩ cũ, cách làm cũ ảnh hưởng khá nặng nề bởi phong tục, tập quán có phần còn lạc hậu của một số đồng bào DTTS đang là rào cản lớn đối với công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở vùng cao nói chung. Làm cho nhiều địa phương khó hoàn thành các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới hoặc có đạt chuẩn rồi lại không duy trì được, xã Ia Dom là một ví dụ. Vì vậy, câu hỏi lớn phải làm sao để lấy lại được danh hiệu xã nông thôn mới theo bộ tiêu chí hiệu nay là nỗi trăn trở của cả cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và toàn bộ người dân xã Ia Dom. Mà trước hết phải phấn đấu xây dựng làng Mook Trêl thành làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS theo đúng tinh thần Chỉ thị 12 của Tỉnh ủy Gia Lai.
Đồng chí Rơ Chang Phia, Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom cho biết, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng làng Mook Trêl trở thành làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS vào cuối năm 2019, cấp ủy, chính quyền xã đã đề nghị huyện xem xét cấp kinh phí làm hệ thống mương thoát nước dọc đường liên thôn; hỗ trợ và vận động người dân chỉnh trang hàng rào, bể tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh; xây dựng mô hình điểm trong chăn nuôi trồng trọt cho làng nông thôn mới... Nhưng khó khăn nhất phải vượt qua là phải thay đổi bằng được những lối sống và suy nghĩ còn lạc hậu trong bà con, mà nặng nhất là tư tưởng chông chờ, ỉ lại vào Nhà nước.
Những khó khăn trong xây dựng làng nông thôn mới ở làng Mook Trêl cũng chính là những khó khăn phổ biến tại các làng DTTS khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo đánh giá của đồng chí Kpă Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, do tỷ lệ hộ nghèo tại các làng cao, đời sống của người dân ở vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn nên việc đóng góp để xây dựng làng nông thôn mới còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng hiện tại vẫn chưa đáp ứng yêu cầu trong xây dựng nông thôn mới, nhất là đối với tiêu chí giao thông và tiêu chí môi trường, việc liên kết sản xuất còn nhiều bất cập, đã có ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ hàng nông sản, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập của người dân cũng như việc định hướng đầu tư vào sản xuất. Các nội dung của chương trình về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức.
Một số địa phương chưa xác định và phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện; chỉ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa quan tâm, định hướng phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân. Công tác di dời, sắp xếp lại dân cư khó thực hiện do không có kinh phí hỗ trợ cho các hộ thực hiện di dời và các hộ chia sẻ diện tích đất cho các hộ bị thiếu.
Khó khăn là thế nhưng không thể phủ nhận những kết quả đạt được trong nỗ lực xây dựng những làng nông thôn mới cho bà con DTTS của Gia Lai. Tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 12 của Tỉnh ủy Gia Lai, đồng chí Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh - Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, nếu không có thôn, làng nông thôn mới, thì sẽ không có xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới. Chính vì vậy, việc xây dựng nông thôn mới tại các thôn, làng, nhất là các thôn, làng đồng bào DTTS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Gia Lai. Từ những mô hình ấy chắc chắn sẽ tạo điểm tựa vững chắc; là động lực quan trọng để nhiều thôn, làng trong tỉnh đổi thay, khởi sắc và phát triển, đem lại “hơi thở nông thôn mới" cho đồng bào các dân tộc nơi đây.
Nếu tỉnh Gia Lai thực hiện thành công Chỉ thị 12 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp xây dựng Làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số, thì không chỉ mang lại một “luồng gió mới” làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn của những buôn làng vùng cao của tỉnh, mà có thể còn nhân rộng ra nhiều địa phương khác của cả vùng Tây Nguyên. Điều quan trọng hơn, nếu mô hình này của Gia Lai thành công, thì cũng giống như Hà Tĩnh, tỉnh Gia Lai sẽ tạo dựng cho mình “Bộ tiêu chí thứ 20”, trở thành thương hiệu riêng của tỉnh trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới./.
Năm 2018, có 28 làng thuộc 26 xã (mỗi xã đăng ký 01 làng, riêng xã Ia Rbol của thị xã Ayun và xã Chư A Thai của huyện Phú Thiện đăng ký 02 làng) thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai đăng ký xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS. Các làng đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới đã được UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn rà soát thực trạng, xây dựng kế hoạch/đề án để triển khai thực hiện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh cũng đã ban hành Hướng dẫn một số nội dung về xây dựng Làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS với 5 nhóm tiêu chí, gồm: quy hoạch; hạ tầng kinh tế - xã hội; kinh tế và tổ chức sản xuất; văn hóa - xã hội - môi trường; chính trị - quốc phòng - an ninh. Đến nay, đã có 14 làng đạt chuẩn các tiêu chí theo quy định thuộc 10 huyện thị xã (trong đó thị xã An Khê có 02 làng, huyện Chư Prông có 02 làng và huyện Ia Grai có 03 làng). Trong năm 2019, có 39 làng thuộc 38 xã của 15 huyện, thị xã, thành phố đăng ký đạt chuẩn làng nông thôn mới. |
Trần Quỳnh - Đinh Phương (theo Đảng Cộng sản VN)