Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chư Pưh: Nhiều việc làm thiết thực

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chiến tranh đã đi qua nhưng hậu quả của chất độc hóa học vẫn còn âm ỉ. Nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, những năm qua, huyện Chư Pưh đã triển khai nhiều hoạt động giúp gia đình các nạn nhân nhiễm chất độc da cam ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Ông Trần Văn Chấn-Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc cam/dioxin huyện Chư Pưh, cho biết: Trên địa bàn huyện có 68 người bị phơi nhiễm chất độc da cam, tập trung ở các xã: Ia Hla, Ia Rong, Ia Hrú, Ia Dreng... Trong  số này mới chỉ có 13 nạn nhân được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước.  Để chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, thời gian qua, ngoài việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, huyện Chư Pưh đã triển khai nhiều phong trào hoạt động có ý nghĩa như: “Vì nạn nhân chất độc da cam”, “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”...

 

Gia đình ông Nguyễn Đức Diễn có 3 thế hệ đều nhiễm chất độc da cam. Ảnh: L.T
Gia đình ông Nguyễn Đức Diễn có 3 thế hệ đều nhiễm chất độc da cam. Ảnh: L.T

Hàng năm, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm đứng chân trên địa bàn quyên góp ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin của huyện được trên 40  triệu đồng. Từ số tiền này, các cấp Hội đã có những hoạt động thiết thực như thăm, tặng quà cho các đối tượng nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện.

Từ đầu năm đến nay, huyện đã phối hợp với các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tặng 151 suất quà cho các đối tượng nhiễm chất độc da cam với tổng số tiền 125,5 triệu đồng. Đặc biệt, để giúp các nạn nhân chất độc da cam hòa nhập cộng đồng, huyện đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn tổ chức khám sàng lọc và hỗ trợ miễn phí phẫu thuật chỉnh hình, tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, làm dụng cụ chỉnh hình để nạn nhân có thể tự vận động, sinh hoạt, học tập, làm việc theo khả năng của mình. Qua khám sàng lọc, toàn huyện đã có 16 đối tượng được phẫu thuật miễn phí tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn.

Là một gia đình có nhiều thế hệ nhiễm chất độc da cam, ông Nguyễn Đức Diễn (thôn Tao Klăh, xã Ia Rong) cho biết: “Năm 1971, tôi nhập ngũ rồi tham gia chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ.  Khi xuất ngũ trở về, tôi không biết mình đã bị nhiễm chất độc da cam. Phải đến khi sinh cậu con út, thấy con mình bị bệnh chân tay ngắn, đầu to, hay ốm đau, khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, tôi đi mới biết mình và con đã bị nhiễm chất độc da cam.  Đau đớn hơn, 2 đứa cháu nội của tôi cũng bị nhiễm chất độc da cam, cũng mắc bệnh chân tay ngắn, đầu to, thường xuyên đau ốm như bố mình. Thời gian qua, nhờ các cấp chính quyền giúp đỡ gia đình phát triển kinh tế,  tôi có tiền chữa bệnh cho con. Đặc biệt, tháng 4-2017, gia đình tôi được hỗ trợ sửa chữa nhà ở”.  

Để công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn huyện thêm hiệu quả, ông Trần Văn Chấn cho biết:  Thời gian tới, cùng với công tác chi trả, giải quyết các chế độ của Nhà nước cho các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam đảm bảo đúng, đủ và kịp thời,  các cấp Hội Nạn nhân chất độc  da cam/dioxin huyện Chư Pưh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các hội quần chúng để vận động, kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện ủng hộ xây dựng Quỹ Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các gia đình có nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin được vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Lê Trang

Có thể bạn quan tâm

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

(GLO)- Tuy gia cảnh nghèo khó nhưng vợ chồng anh Rơ Lan Ky (SN 1991), chị Kpuih Krak (SN 1994, ở làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn mở rộng vòng tay cưu mang bé gái bị bỏ rơi. Đã hơn 3 năm trôi qua, họ vẫn chăm bẵm nuôi nấng cháu bé như con mình.

Đã nghèo còn gặp tai ương

Đã nghèo còn gặp tai ương

(GLO)- Ở tuổi 60, ông Võ Văn Nhị (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) vẫn phải lặn lội hàng chục cây số để làm thợ hồ. Rồi tai ương bất ngờ ập đến sau vụ sập giàn giáo. Tuy giữ được mạng sống nhưng ông Nhị phải nằm liệt ở bệnh viện, cuộc sống gia đình đã cơ cực nay lại càng thêm khó.

Không thể cuốn trôi…

Không thể cuốn trôi…

Cơn bão số 3 hoành hành, nhiều tỉnh miền Bắc chìm trong biển nước. Sau mưa bão, hàng trăm người đã ra đi mãi mãi, có những gia đình bơ vơ không còn nhà cửa, phải sống tạm bợ.