Học tiếng Anh bằng trải nghiệm thực tế: Hứng thú, hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh đang áp dụng phương pháp dạy tiếng Anh bằng cách cho học sinh vừa học vừa tham gia những trò chơi trải nghiệm thực tế. Phương pháp giáo dục mới này khiến các em học sinh rất hứng thú, còn phụ huynh thì thấy yên tâm bởi nó giúp con em họ có một mùa hè bổ ích.
Học mà chơi
Để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh trong mùa hè năm nay, Trung tâm Anh ngữ Âu Việt (07 Nguyễn Du, TP. Pleiku) lần đầu tiên liên kết với Công ty Bright International Study (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức trại hè cho học viên tại Trường Quốc tế SMEAG (Tarlac, Philippines) trong vòng 1 tháng. 6 học viên của Trung tâm tuổi từ 9 đến 15 được tham gia trại hè này cùng hàng chục em đến từ nhiều nơi trên cả nước. Tại trại hè, các em được tham gia các lớp kỹ năng nghe, nói, viết tiếng Anh, làm việc nhóm, giao tiếp trước đám đông và nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, thể thao.
Là một phụ huynh cho con tham gia trại hè này, chị Lê Thị Thanh Thúy (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) chia sẻ, sau 2 tuần tham gia, cô con gái vừa kết thúc bậc tiểu học của chị rất hứng thú, vui vẻ. “Để con vui chơi hè đúng nghĩa, kết hợp bổ sung kiến thức về ngoại ngữ là điều tôi hướng tới. Tôi lựa chọn hình thức trại hè trước hết vì cháu thích. Sau nữa, tôi nhận thấy nó rất bổ ích trong việc tạo cơ hội cho con giao lưu với bạn bè quốc tế, hình thành kỹ năng sống tự lập khi xa nhà... Đây đúng là hình thức học mà chơi, rất phù hợp với các kỳ nghỉ hè”.
 Một buổi học tiếng Anh bằng hình thức trải nghiệm tour du lịch tại Trung tâm Ngoại ngữ Tư duy và Tương tác thực dụng Pleiku. Ảnh: N.G
Một buổi học tiếng Anh bằng hình thức trải nghiệm tour du lịch tại Trung tâm Ngoại ngữ Tư duy và Tương tác thực dụng Pleiku. Ảnh: N.G
Bên cạnh trại hè ở Philippines, Trung tâm Anh ngữ Âu Việt còn có nhiều hình thức vừa học vừa chơi cho học viên. Anh Trần Lê Duy-Giám đốc Trung tâm-cho biết: “Với mục tiêu tạo ra một mùa hè ý nghĩa, không có áp lực học hành nhưng vẫn thu nhận được kiến thức, chúng tôi đã tổ chức cho học viên đi dã ngoại ở những điểm du lịch của TP. Pleiku, sinh hoạt thể thao tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, học làm bánh, pha chế đồ uống ở các quán cà phê... Đây là cách để các em học và rèn luyện kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh trong từng lĩnh vực của cuộc sống”.
Dịp hè năm nay, Trung tâm Ngoại ngữ Tư duy và Tương tác thực dụng Pleiku (22 Võ Thị Sáu, TP. Pleiku) cũng mở những khóa học tiếng Anh “không lớp học, không bảng đen”. Cô Trần Mỹ Vân-giáo viên tại trung tâm này-cho biết: “Mô hình học tiếng Anh dành cho trẻ từ 4 tuổi đến 8 tuổi tại đây cho phép giáo viên cùng học, cùng chơi với các bé theo nhiều chủ đề được mô phỏng như: sở thú, biển, làng quê, siêu thị, đường phố... Thông qua các mô hình này, học sinh tiếp nhận và ứng dụng từ vựng tiếng Anh vào cuộc sống hàng ngày rất nhanh. Các tour du lịch tại chỗ thay thế cho khái niệm lớp học, hướng dẫn viên du lịch thay thế cho khái niệm giáo viên đã mang lại cảm giác thoải mái cho học sinh. Các em như đang được đi chơi nhưng thực tế là đang đi học”. Điều cô Vân nói được em Lê Ngọc Quang (7 tuổi, phường Ia Kring, TP. Pleiku), một học viên của Trung tâm, xác nhận bằng thực tế bản thân: “Đây là lần đầu tiên cháu đi học tiếng Anh ở trung tâm. Cháu rất thích vì không phải ngồi trong lớp, không phải viết bài như khi đi học bình thường”. 
Nhiều ý nghĩa
Các mô hình vừa học vừa chơi mà các trung tâm ngoại ngữ mở ra đang nhận được sự ủng hộ của nhiều phụ huynh bởi nó giúp con em họ vừa bổ sung được kiến thức, vừa không bị lãng phí mùa hè vào ti vi, điện thoại trong khi bố mẹ phải đi làm cả ngày. Bên cạnh đó, nhiều mô hình trải nghiệm dịp hè còn mang lại ý nghĩa lớn trong cách giáo dục nhân cách cho các em học sinh. Trong đó, việc tổ chức cho học viên đi thiện nguyện thường xuyên của Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh (30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku) nhận được nhiều phản hồi tích cực. Chị Nguyễn Ngọc Quỳnh (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) cho biết: “Tôi luôn dạy con mình biết chia sẻ và yêu thương. Thật tốt khi trong dịp hè này, con tôi được tham gia nhiều chuyến từ thiện cùng bạn bè tại Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh. Đây là cách để cháu lớn lên trong suy nghĩ và hoàn thiện nhân cách”.
Các trung tâm ngoại ngữ ở tuyến huyện, thị xã cũng nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của phụ huynh trong dịp hè để mở nhiều chương trình học mà chơi, chơi mà học. Trong số này, Trung tâm Ngoại ngữ Anh Việt Mỹ-VASS (thị xã An Khê) với mô hình học tiếng Anh thông qua các trò chơi dân gian, vẽ tranh đã thu hút nhiều học viên tham gia trải nghiệm.
Để hỗ trợ phụ huynh, học sinh có lựa chọn đúng, Sở Giáo dục và Đào tạo vừa công bố danh sách các trung tâm ngoại ngữ có đầy đủ giấy phép hoạt động trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tính đến ngày 7-6-2019, toàn tỉnh có 20 trung tâm ngoại ngữ, tin học có giấy phép hoạt động. Trong đó, có 1 trung tâm ngoại ngữ-tin học công lập và 19 trung tâm ngoại ngữ tư thục gồm: Trung tâm Ngoại ngữ-Tin học Gia Lai, Anh ngữ Âu Việt, Sao Kim, Việt Mỹ-VAEC, Việt Anh, Việt Mỹ-VUG, Anh Việt Mỹ-EVAS, Việt Á, Anh ngữ Á Châu, Quốc tế Lang Plus, Anh ngữ Speak Up, Anh Việt Mỹ-VASS, Wonderland Gia Lai, Apax Leaders, Dân Việt, Anh ngữ Speak Up Đak Đoa, Tư duy và Tương tác thực dụng Pleiku, Rainbow, Anh Việt. Ông Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo-cho hay: Các trung tâm ngoại ngữ đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn tỉnh và tạo ra nhiều mô hình học tập bổ ích. Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên kiểm tra tình hình hoạt động của các trung tâm này, thông báo rộng rãi những trung tâm không còn đủ điều kiện hoạt động, xin rút giấy phép để phụ huynh, học sinh có sự lựa chọn đúng đắn. Đặc biệt, trong các dịp hè thì công tác giám sát chương trình ưu đãi và hoạt động của các trung tâm được làm chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo nhu cầu người học.
NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.