Hoành Sơn rất đỗi hào phóng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hoành Sơn luôn được người dân địa phương coi là dãy núi hào phóng bởi quanh năm ban tặng cho họ nhiều sản vật, tạo cho họ sinh kế và chở che biết bao thế hệ.

Hoành Sơn là dãy núi nằm vắt ngang từ Tây sang Đông, đổ ra tận biển, ngăn giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Hoành Sơn nổi tiếng với câu sấm truyền của Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Hoành Sơn nhất đái - Vạn đại dung thân".

Bòn từng quả một

Quanh năm, dãy Hoành Sơn có nhiều loài sản vật độc đáo, nuôi sống nhiều thế hệ con dân quanh vùng.

Giữa tháng 3, tiết trời còn đôi chút hương xuân, dãy Hoành Sơn mây mờ giăng phủ. Ngước nhìn phía triền núi, dễ dàng thấy cảnh dâu rừng chín mọng, đỏ rực giữa đại ngàn. Xen lẫn giữa cây rừng là bóng dáng nhấp nhô của những đoàn người đi hái dâu.

Thức dậy lúc gà vừa cất tiếng gáy, chị Phạm Thị Liệu (ngụ xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) vội gói nắm cơm, mang theo vật dụng, í ới gọi bạn rồi rời làng, đi bộ men theo đường mòn để lên núi.

Chị Liệu cảm kích: "Có lẽ ít ngọn núi nào như Hoành Sơn, quanh năm chiêu đãi người dân đủ thứ cây trái. Mùa này dâu rừng chín, thơm ngon nức tiếng, hiếm vùng nào bì lại".

Đoàn người cuốc bộ lên sát bìa rừng. Trời tản mây dần. Ánh nắng ban mai điểm trên những bóng cây. Đoàn người tạm dừng chân, nghỉ ít phút. Nhìn lên trên là những ngọn núi xếp tầng, nối nhau chạy tận vào rừng già - nơi sẽ có những cây dâu rừng ẩn mình, trĩu quả.

Đoàn chia thành từng nhóm, mỗi nhóm 2-3 người rồi men theo các đường mòn, lối mở lên núi. Để hái được những chùm dâu chín, họ phải băng rừng, trèo đèo lội suối vào tận chốn thâm sơn, nơi ít người lui tới.

"Tụi tui đi cả ngày, gặp bụi dâu chín là ngồi lại hái, bòn từng quả một. Đến lúc đầy bao thì trời cũng vừa tối. Khi đó mới xuống núi để mang về bán" - chị Liệu cười, cho biết việc thoạt nghe có vẻ đơn giản nhưng thực chất là gian nan, có khi gặp hiểm nguy giữa rừng già.

Những người đi hái dâu rừng trên dãy Hoành Sơn.

Những người đi hái dâu rừng trên dãy Hoành Sơn.

Khấm khá nhờ "lộc rừng"

Trên ngọn núi khá xa, khi bắt gặp một vạt chừng 4 cây dâu lớn, trái chín đỏ sum sê, chị Liệu liền hú to làm tín hiệu cho nhóm bạn biết. Loanh quanh đó, tiếng hú trả lời vọng giữa núi rừng. Một lúc sau thì có 4-5 người tìm tới. Họ cùng hái dâu, cùng chuyện trò vui vẻ.

Xong vạt dâu này, họ lại lùng sục giữa rừng để tìm kiếm. Hễ gặp cây dâu nào chín quả, họ hái một cách hăng say. Đến khi đầy giỏ, họ mới chịu dừng lại rồi trút vào bao để tập kết về một chỗ.

Cây dâu ở Hoành Sơn có khi mọc thành cụm, có khi mọc xen với những loại cây khác. Với những người đi "ăn dâu" có kinh nghiệm, mỗi lần gặp vạt dâu lớn, họ sẽ tìm cách ghi nhớ thật kỹ vị trí để mùa sau tìm đến.

Chị Đàm Thị Lan (ngụ xã Quảng Kim, huyện Quảng Trạch - người có trên 20 năm hái dâu) cho biết theo kinh nghiệm thì bụi dâu thường mọc ở những khoảnh núi hoang, giáp bìa rừng và vùng đồi cỏ, rất dễ hái. Nhưng loài dâu này thường không ngon. Dâu càng mọc khuất sau núi thì trái càng chín đỏ và cũng to hơn bình thường, được thương lái ưa chuộng. Việc hái dâu đòi hỏi phải kiên nhẫn, nhanh nhẹn và biết quan sát thì mới tìm thấy những bụi cây mọc trong rừng rậm. Có ngày, chị luồn cả chục cây số trên rừng để kiếm dâu.

Hoành Sơn lạ lắm! Có những bụi dâu già cỗi, vươn cao, xòe cành cả một vùng trời, đua nhau khoe sắc cho trái chín căng mọng, đỏ rực trông rất cuốn hút.

Dâu rừng chín đỏ mọng trên dãy Hoành Sơn.

Dâu rừng chín đỏ mọng trên dãy Hoành Sơn.

Đa phần những người đi "ăn dâu" ở Hoành Sơn đều là phụ nữ và trẻ em sống ở các địa phương quanh núi, chủ yếu là các xã Quảng Kim, Quảng Hợp, Quảng Đông, Quảng Châu… của huyện Quảng Trạch. Mùa này, dâu rừng chín đỏ giữa đại ngàn, dù đi lại, tìm kiếm vất vả nhưng cũng kiếm được kha khá tiền.

Chị Lan cho hay dâu rừng là thứ quả dân dã nhưng hương vị đậm đà và sạch 100% nên được nhiều người ưa chuộng. Dâu được bán theo lon (vỏ hộp sữa Ông Thọ), mỗi lon giá từ 45.000 - 50.000 đồng. Mùa này, trung bình mỗi ngày, từ sáng đến tối chị hái được khoảng 15 - 20 lon, thu được 600.000-800.000 đồng. Gặp may hái được nhiều, có ngày chị bán được tiền triệu.

Bốn mùa quả ngọt

Mùa dâu năm nay được giá nên số người vào rừng ngày càng đông. Dù mang lại khoản thu nhập đáng kể nhưng mùa dâu rừng lại rất ngắn, khoảng từ sau Tết đến giữa tháng 3 âm lịch đã hết.

Chiều muộn, ông Đàm Quốc Thanh (ngụ xã Quảng Kim) cùng cháu trai chừng 15 tuổi vừa ra khỏi cửa rừng với một bao lưới đựng khoảng 40 lon dâu. Ông khoe hôm nay gặp được vạt dâu trẩy quả nên trúng lắm. Với thành quả này, ông đoán bán ra chừng 2 triệu đồng. Ra Tết đến nay, gia đình ông đã kiếm được hơn 40 triệu đồng nhờ hái dâu rừng.

"Bao năm qua, nhờ vào mùa quả rừng Hoành Sơn ban tặng nên cuộc sống gia đình tôi khấm khá hơn nhiều. Tuy nghề này vất vả nhưng đi miết nên quen. Cũng nhờ dâu rừng mà tôi có tiền lo cho con học đại học, rồi sắm sửa, trang hoàng lại cửa nhà. Mùa này, nhờ hái dâu mà tôi đã mua được cặp bò giống để nuôi" - ông Thanh hồ hởi.

Theo người dân địa phương, nói qua thì tưởng bở ăn nhưng thực chất việc hái dâu rừng không hề đơn giản. Đi sâu vào Hoành Sơn, người hái dâu phải đối diện núi đá tai mèo lởm chởm, trơn trượt rất nguy hiểm. Dọc đường, việc bị vắt, muỗi rừng cắn đốt là chuyện thường, chưa kể nhiều trường hợp gặp phải rắn độc, ong rừng cắn mang thương tật. Nhưng vì ở quê lam lũ nên người dân chọn hái dâu rừng để mưu sinh.

Trời dần về chiều, rừng già thu mình trong khoảng thâm u, gió ngàn lành lạnh. Trên những triền núi, từ những con đường mòn chạy ngoằn ngoèo, từng đoàn người mang theo những bao tải đầy dâu rừng xuống núi, cười nói vui vẻ.

Dâu rừng được dân hái mang về nhà, có thương lái đến thu mua.

Dâu rừng được dân hái mang về nhà, có thương lái đến thu mua.

Sống quần tụ quanh dãy Hoành Sơn đã hàng trăm năm qua, bao thế hệ người dân đã hiểu được giá trị của rừng nên ra sức bảo vệ để giữ nguồn sống. Mùa nào thức nấy, Hoành Sơn luôn hào phóng ban tặng họ những sản vật. Một năm có 4 mùa xuân - hạ - thu - đông thì Hoành Sơn ban tặng lần lượt bốn loại cây trái dâu - móc - sim - muồng, tương ứng với từng mùa. Người dân xem đó là "lộc rừng" mà trời đất ban tặng để họ có sinh kế quanh năm.

Cứ thế, hằng năm, khi mùa xuân tới cũng là lúc mùa dâu chín trên dãy Hoành Sơn. Dâu rừng bắt đầu ra hoa, kết quả từ tháng 8-9 âm lịch, đến tháng 2-3 năm sau thì chín rộ. Lúc quả còn non thì màu xanh, khi chín chuyển sang đỏ rực hoặc tím sẫm. Dâu rừng trên dãy Hoành Sơn hấp thụ khí trời của vùng sơn cước, gió lào, nắng gắt nên quả có mùi vị đặc trưng, không lẫn với các loại dâu khác.

Hết mùa dâu thì lần lượt đến mùa sim, móc, muồng… Cứ thế, quanh năm người dân lên rừng Hoành Sơn để hái về bán, mang lại thu nhập đáng kể.

Ông Bùi Hải Lưu, Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp, cho biết cư dân địa phương quanh năm bám dãy Hoành Sơn, nương tựa vào núi rừng để sống. Những cánh rừng tự nhiên đã tạo sinh kế cho họ, đem lại nguồn thu lớn, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo. Vì vậy, chính quyền địa phương luôn đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị của rừng, cùng chung tay gìn giữ, bảo vệ, không xâm hại.

Những năm gần đây, nhiều loại quả rừng được giá, nhất là dâu. Nhờ vậy, có hộ đã xây được nhà tầng khang trang, kiên cố.

Theo ông Lưu, quả dâu rừng vùng này được người dân một số nơi khác gọi là Thanh Mai. Dâu rừng là loài cây bụi, mọc ở những cánh rừng tái sinh, rừng rậm. Dâu rừng cao 3-4 m, chia ra nhiều nhánh; phân bổ nhiều ở các xã ven dãy Hoành Sơn. Trái dâu rừng ngoài các công dụng về đông y đã được ghi nhận thì cây còn có tác dụng chống xói mòn, sạt lở đất.

Có thể bạn quan tâm

'Đất thép' nở hoa

'Đất thép' nở hoa

Cách trung tâm Sài Gòn hơn 50km, ở cửa ngõ phía Tây Bắc, căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) được quân đội Sài Gòn ví như “cánh cửa thép”, phòng tuyến kiên cố ngăn cản đà tiến công như vũ bão của quân giải phóng.

Hào hùng một thời hoa lửa

Hào hùng một thời hoa lửa

“Trưa 2/4/1975, thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) nội thành chiếm rạp hát Hòa Bình (Đà Lạt), treo lá cờ Mặt trận Giải phóng và băng rôn “Hoan hô Quân Giải phóng miền Nam” lên nóc rạp hát.

Nhân chứng đường số 7

Nhân chứng đường số 7

Đã 50 năm sau cuộc truy kích trên đường số 7 (nay là quốc lộ 25), nhưng những cựu binh vẫn hào hùng kể về câu chuyện một thời kiên cường, sẵn sàng đem cả tính mạng dâng cho Tổ quốc.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ cuối: Vươn mình trong kỷ nguyên mới

(GLO)- 50 năm sau ngày giải phóng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, vùng đất “nóc nhà” của Đông Dương chuyển mình mạnh mẽ. Bước vào giai đoạn mới, vùng Tây Nguyên đang đứng trước vận hội mới, phát huy lợi thế vươn lên cùng đất nước.

Xanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3

E-magazineXanh lại chiến trường Tây Nguyên Kỳ 3: Đường 7 hồi sinh…

(GLO)- Đường 7 (nay là quốc lộ 25) từng chứng kiến cuộc rút chạy hỗn loạn của quân ngụy vào tháng 3-1975. Nửa thế kỷ trôi qua, vùng đất ấy không còn dáng dấp hoang tàn của chiến tranh mà đã khoác lên mình diện mạo mới, trù phú, màu mỡ và yên bình.

Lối về nẻo thiện

Lối về nẻo thiện

Nơi ấy, những con người lầm lỗi bắt đầu với từng con chữ dưới sự dìu dắt của những người thầy mang sắc phục công an. Lớp học đặc biệt còn nhen nhóm ý chí hoàn lương, mở thêm một cánh cửa ra thế giới bên ngoài.

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước

50 năm - những kí ức cho ngày thống nhất đất nước - Bài 7: Ngày giải phóng qua lời kể của những người tham gia chiến đấu

Vào những ngày tháng Tư lịch sử, không khí tại TP Hồ Chí Minh náo nhiệt hơn, nhất là khi những tiêm kích Su và trực thăng của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam bay tập luyện trên bầu trời thành phố, chuẩn bị cho chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025).

Xanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2

E-magazineXanh lại chiến trường Tây nguyên Kỳ 2: Buôn Ma Thuột từ hoang phế vươn lên thủ phủ Tây Nguyên

(GLO)- Nếu chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh ( năm 1972) xoay chuyển cục diện chiến trường Tây Nguyên thì chiến thắng Buôn Ma Thuột đánh sập “tử huyệt” của địch, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh để Bắc-Nam sum họp một nhà. Từ một thị xã hoang phế, Buôn Ma Thuột ngày nay xứng đáng là thủ phủ Tây Nguyên

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Gặp 'pháp sư' cuối cùng nặn hình nhân thế mạng trên đảo Lý Sơn

Từ bao đời nay, với người dân trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), mỗi khi có người thân gặp nạn ngoài biển mà không tìm thấy xác, gia đình họ sẽ tìm đến “pháp sư” nhờ nặn một “hình nhân thế mạng” bằng đất sét, thực hiện nghi lễ chiêu hồn, nhập cốt rồi mang đi chôn như người quá cố.