Hoa tươi Đà Lạt khốn khó vì đại dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng triệu cành hoa phải đổ bỏ hoặc xay nhỏ làm phân vì thị trường “đóng băng”, khiến các nông hộ và doanh nghiệp canh tác hoa ở TP.Đà Lạt và H.Lạc Dương (Lâm Đồng) lâm cảnh khốn đốn.
 
Hoa bị đổ bỏ do không bán được. Ảnh: Lâm Viên
Doanh nghiệp lớn thiệt hại nặng
Dalat Hasfarm là công ty cung cấp hoa tươi số 1 Đông Nam Á (do tạp chí Forbes bình chọn), có trụ sở chính tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), đang lâm tình cảnh khó khăn vì dịch Covid-19. Ông Nguyễn Văn Bảo, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Dalat Hasfarm, cho biết hiện nay lượng hoa tươi của công ty đưa ra thị trường giảm đến 40%, riêng thị trường nội địa giảm hơn 50%. “Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên nhu cầu sử dụng hoa tươi giảm hẳn, nhiều gia đình cắt hẳn khoản mua hoa vì có nhiều khoản lo khác”, ông Bảo nói lý do.
Theo Sở Công thương Lâm Đồng, quý 1/2020 toàn tỉnh xuất khẩu đạt 66 triệu cành và chậu hoa tươi các loại, đạt kim ngạch 11 triệu USD; giảm 34,1% về số lượng và 17,4% giá trị kim ngạch so với cùng kỳ.
Dalat Hasfarm hiện có 4 trang trại canh tác 320 ha hoa các loại ở TP.Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Lâm Hà. Ngoài ra, doanh nghiệp còn liên kết với gần 200 nông hộ sản xuất hàng chục héc ta hoa cúc, cẩm chướng... Mỗi năm Dalat Hasfarm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 200 triệu cành hoa tươi và 6 triệu chậu hoa các loại. Trong đó, 50% sản lượng hoa được xuất khẩu tới hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Úc, Malaysia, Nhật Bản…, đặc biệt thị trường khó tính Nhật Bản chiếm tới 20% lượng hoa xuất khẩu của đơn vị này. Cũng theo ông Bảo, từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc thì thị trường xuất khẩu hoa qua Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông phải tạm ngưng; có những đơn hàng không xuất khẩu được vì các nước ngưng hết chuyến bay. Mặt khác, 14/18 cửa hàng phân phối hoa của Dalat Hasfarm ở TP.HCM và Hà Nội cũng phải tạm đóng cửa.
Từ đầu tháng 3 đến nay, do không bán được nên đơn vị này phải xay nhỏ hàng triệu cành hoa làm phân xanh. Với gần 200 hộ liên kết sản xuất, hiện nay Dalat Hasfarm vẫn tiếp tục thu mua theo hợp đồng đã ký kết dù nhập hoa vào phải tiêu hủy làm phân xanh. Do đó, Dalat Hasfarm đang giảm bớt diện tích sản xuất và sản lượng vì chưa biết dịch bao giờ mới chấm dứt. “Bình thường 3 tháng đầu năm doanh thu của công ty đạt 30% tổng doanh thu trong năm vì có Tết Nguyên đán, ngày Valentine, ngày 8.3. Thế nhưng năm nay do dịch Covid-19 doanh thu đạt rất thấp, gần như mất trắng”, ông Bảo chia sẻ.
 
Nông dân không bán được đành mang hoa đi tiêu hủy
Tương tự, ông Huỳnh Tấn Sơn, Giám đốc Công ty Hoa Mặt Trời, cho biết từ 2017, lan vũ nữ của công ty đều đặn xuất qua Nhật Bản ổn định. Nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát thì tất cả hoa thu hoạch phải hủy hết vì không thể xuất khẩu. Hiện công ty có 10 ha vũ nữ và gần 15 ha liên kết với các nông hộ. Ông Sơn cho biết thêm, không chỉ hoa cắt cành, một lượng lớn cây giống xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ cũng phải ngừng vì thị trường này đóng cửa và các chuyến bay quốc tế ngưng hoạt động.
Làng hồng lao đao
Doanh nghiệp lớn đã vậy, các nông hộ càng khó khăn hơn. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, làng hoa hồng dưới chân núi Lang Biang, H.Lạc Dương (cách Đà Lạt gần 20 km) có hàng triệu cành hoa hồng không bán được phải vứt bỏ. Từ tổ dân phố B’Nơ B vào thôn Đan Kia (TT.Lạc Dương), dọc các con suối, bãi đất trống nhiều đống hoa hồng tuyệt đẹp nằm lăn lóc nhưng chẳng ai đoái hoài.
Không chỉ người trồng hoa, cả những vựa thu mua hoa cũng phải đổ bỏ hoa vì không bán được. Ông Nguyễn Mạnh Cường (tổ B’Nơ B, TT.Lạc Dương) liên kết với 7 hộ trồng hoa đang lâm cảnh bế tắc, lắc đầu: “Từ ngày 29.3 tôi điện cho các hộ không cắt hoa nữa. Hoa nở quá thì cắt xả giữa vườn, không đưa về đây vì đưa về cũng mang đi đổ, không bán được. Hiện các mối vựa hoa từ bắc chí nam đóng cửa hết rồi”. Vựa hoa Nguyễn Thị Phương (thôn Đan Kia) trước đây mỗi ngày đóng đi các tỉnh thành trên 30.000 cành hoa hồng, nay phải “ứng biến” bán cho các mối lẻ đưa về Buôn Ma Thuột hoặc các huyện trong tỉnh Lâm Đồng và những người bán gánh ở các chợ ở Đà Lạt mỗi ngày vài ngàn cành với giá 400 - 500 đồng/cành…
 
Người trồng hoa bế tắc vì sản phẩm không bán được
Ngoài hoa hồng, nhiều nông hộ khác trồng đồng tiền, cát tường, hoa cúc, ly ly ở Lạc Dương và Đà Lạt cũng đang bế tắc vì hoa tươi thu hoạch chỉ bán được số lượng rất ít, giá rẻ, phần còn lại đành đổ bỏ.
Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Lạc Dương, cho biết làng hoa hồng dưới chân núi Lang Biang hiện có khoảng 200 ha hoa canh tác ứng dụng công nghệ cao, mỗi ngày thu hoạch gần 1 triệu cành, cung cấp cho thị trường cả nước. Nhưng từ dịp lễ 8.3 đến nay hoa hồng bị dồn ứ, đặc biệt từ ngày 28.3 khi các chợ đầu mối ở TP.HCM, Hà Nội “đóng cửa” thì hoa hồng gần như không bán được. Chưa bao giờ người trồng hoa hồng ở Lạc Dương lâm vào tình cảnh phải đổ bỏ hoa như thế này, thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng.
Lâm Viên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.