(GLO)- Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được biết đến là công việc cung ứng các giá trị sử dụng của môi trường rừng để đáp ứng nhu cầu của xã hội và đời sống nhân dân, phát huy vai trò quản lý, bảo vệ rừng của cộng đồng… Để làm rõ các nội dung trên đối với các địa phương có rừng, chủ rừng, ban quản lý rừng trên địa bàn hiểu, thời gian qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) tỉnh Gia Lai đã tổ chức hội nghị tập huấn chi trả dịch vụ môi trường rừng, tại đây có nhiều thông tin được giải đáp, nhiều ý kiến bàn luận để làm rõ loại hình dịch vụ mới thành lập trên địa bàn tỉnh.
Chính thực hoạt động vào tháng 8-2012, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, đến nay Quỹ đang thực hiện quản lý thu 24 cơ sở thủy điện (trong đó 19 cơ sở nội tỉnh, 5 cơ sở liên tỉnh) 1 cơ sở sản xuất nước sạch, với số thu hàng năm khoảng 65 tỷ đồng.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Trong năm 2012, đơn vị đã thu gần 70 tỷ đồng, theo kế hoạch năm 2013 thu 66 tỷ đồng từ các đơn vị trên. Là một loại hình dịch vụ mới góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng với tính chất “lấy rừng nuôi rừng”, giảm gánh nặng ngân sách và từng bước xóa bao cấp về ngân sách cho hoạt động quản lý bảo vệ rừng, bảo đảm cho người lao động lâm nghiệp có thu nhập tại những khu vực có rừng…
Theo đó, qua các nguồn thu từ các cơ sở sản xuất thủy điện; cung ứng nước sạch; sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trên địa bàn tỉnh, Quỹ BV&PTR tỉnh đang quản lý chi trả cho 37 chủ rừng là tổ chức nhà nước; 108 UBND xã là tổ chức nhà nước không phải là chủ rừng; 7 cộng đồng dân cư thôn của 4 xã thuộc 3 huyện. Tuy nhiên, qua 1 năm thành lập, dù Quỹ đã tổ chức các cuộc họp, tập huấn cho các đối tượng liên quan đến việc thu nộp quỹ hay các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ DVMTR vẫn chưa hiểu rõ vì sao phải nộp quỹ, những yêu cầu để sử dụng quỹ… đó chính là lý do để Quỹ BV&PTR tổ chức các lớp tập huấn chính sách chi trả trả dịch vụ môi trường rừng cho UBND cấp xã vừa qua.
Là địa phương hiện còn diện tích rừng lớn, đa dạng nhất trong tỉnh với trên 122 ngàn ha, dù vậy, người dân sinh sống dưới tán rừng vẫn chưa có được nguồn thu nhập ổn định ngoài các lâm sản phụ đang cạn dần do bị khai thác triệt để. Ông Phạm Xuân Trường- Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang khẳng định: DVMTR là một chính sách hay bởi nếu không có sự tham gia bảo vệ rừng là một thiếu sót lớn, do vậy việc “lấy rừng nuôi rừng” là việc làm thiết thực nhằm tạo thêm điều kiện để người dân được hưởng thụ khi sinh sống ngay dưới tán rừng và tham gia bảo vệ phát triển rừng. Nếu có thêm nguồn kinh phí từ DVMTR, mỗi năm các địa phương sẽ có thêm khoản để chi cho việc tổ chức truy quét, tuyên truyền, phòng-chống cháy rừng, người dân được giao bảo vệ rừng sẽ tăng thêm về nhận thức, cùng tham gia bảo vệ, trồng rừng.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Kon Pne là địa phương được biết đến là xã nghèo và còn nhiều khó khăn nhất của huyện Kbang, toàn xã hiện có 247 hộ, 1.465 khẩu, tỷ lệ hộ nghèo tại xã trên 67%, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào nguồn thực phẩm tự trồng, sản xuất được. Nghèo trong cuộc sống, nhưng người dân ở đây luôn có được nguồn thức ăn hay các lâm sản phụ ổn định lấy được từ rừng. Vui mừng hơn tất cả, khi mới đây chính quyền địa phương nhận được thông tin xã nghèo của mình sẽ nhận được 700 triệu đồng từ Quỹ BV&PTR để chi trả cho dịch vụ môi trường rừng nơi có 2.521 ha rừng thuộc lưu vực sông Sê San cung cấp nước cho các nhà máy thủy điện.
Ông Lê Văn Quang- Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne vui mừng nói: Khi biết xã mình sẽ nhận được số tiền lớn từ Quỹ BV&PTR chính quyền và nhân dân chúng tôi ai nấy cũng đều vui, khi thực hiện chính sách chi trả, mỗi hộ dân sẽ nhận được gần 2 triệu đồng với số tiền này đủ để mua gạo trong 8 tháng, giúp người dân bớt đi những khó khăn bởi số hộ nghèo tại xã hiện còn quá lớn.
Ảnh: Nguyễn Giác |
Ông Võ Văn Hạnh- Giám đốc Quỹ BV&PTR tỉnh cho biết: Gia Lai có diện tích tự nhiên lớn với trên 1.649 ngàn ha, phong phú về các loài, kiểu, dạng khác nhau về tính chất, hình thái và ý nghĩa kinh tế. Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ mở ra cơ hội lớn để người dân, người trồng rừng được hưởng lợi, chăm sóc bảo vệ rừng luôn giữ cho rừng phát triển bền vững. Qua các lớp tập huấn, dù các thông tin, chính sách đã được gửi đến các đơn vị, tuy nhiên phần lớn người trực tiếp thực hiện chưa hiểu hết do chính sách còn khá mới nên chưa rõ cách sử dụng quỹ và phân bổ thế nào. Sau các lớp mọi người đã nắm bắt rõ ràng, cũng như làm thế nào để lập phương án theo từng giai đoạn cụ thể. Điều quan trọng nhất chính là sự quan tâm của chính quyền địa phương nơi tổ chức các lớp tập huấn, qua đó, lãnh đạo huyện, các cán bộ chuyên môn nắm rõ và triển khai đồng bộ trong thời gian đến.
N.Giác-M.Triều