(GLO)- Sở Nông nghiệp và PTNT vừa tổ chức đoàn kiểm tra và phát hiện 7/112 hồ chứa thủy lợi hư hỏng, xuống cấp cần đầu tư sửa chữa. Nguy cơ mất an toàn hồ đập trong mùa mưa bão năm 2015 được ngành chức năng chú trọng.
“Bom nước” treo đầu dân
Hai năm (2013 và 2014), “bom nước” thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) liên tiếp dội lên đầu dân gây thiệt hại gần 20 tỷ đồng và chủ đầu tư vẫn chưa khắc phục hết hậu quả thì mùa mưa bão 2015 đã đến, người dân lại canh cánh nỗi lo. Những lo lắng của người dân không phải là không có cơ sở, bởi đã có bài học nhãn tiền và hiện có nhiều hồ chứa thủy lợi, hồ thủy điện chưa đăng ký an toàn hồ đập và chưa được kiểm định theo quy định. Đồng thời, có rất nhiều hồ chứa đang xuống cấp, hư hỏng. Theo thống kê mới nhất của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 7/112 hồ chứa thủy lợi xuống cấp, hư hỏng.
Hồ chứa Ia Năng đang xuống cấp. Ảnh: N.T |
Đại công trình thủy nông Ayun Hạ (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) là một trong số đó. Công trình này có dung tích là 253 triệu m3 nước với mức nước đạt cao trình 204 mét. Theo thiết kế, công trình có tính chất của một hồ điều tiết nước, đảm bảo cung cấp nước tưới phục vụ cho 13.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của nhân dân các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa. Sau hơn 20 năm điều tiết nước tưới, hồ thủy lợi Ayun Hạ có nhiều hư hỏng, như đuôi tràn bị xói lở mạnh, nguy cơ tiếp tục sạt lở lớn khi công trình xả lũ mùa mưa; thân cống có lỗ thủng, nước phun thành dòng lớn, phần lớn thân cống bê tông bị xâm thực.
Công trình hồ chứa Ia Ring (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) cũng bộc lộ nhiều vấn đề đáng ngại. Khi công trình xả lũ, nước qua tràn làm ngập hoàn toàn diện tích lúa 2 vụ dọc suối Ia Ring. Một hệ thống tiêu thoát nước và hệ thống dự báo lũ, báo ngập ở hạ du là điều người dân mong mỏi, cơ quan chức năng sớm triển khai để giảm thiểu thiệt hại cho diện tích lúa 2 vụ dọc suối.
Hồ chứa thủy lợi Ia Năng (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cũng đang xuống cấp, hư hỏng. Cụ thể: Lòng hồ bị đất bồi lấp nhiều, nhất là khu vực cửa vào cống đầu mối; cống đầu mối bị rò rỉ và bị bồi lắng; tràn xả lũ không có van điều tiết chảy tự do, bị bồi đất và bị cây cối xâm lấn; thân đập bị lún, xuất hiện mối trong thân đập. Theo ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Đội trưởng Đội Quản lý Khai thác các Công trình Thủy lợi huyện Ia Grai thì toàn huyện hiện có 22 hồ chứa thủy lợi. Tất cả các công trình này đều có thời gian sử dụng trên 20 năm, nhiều công trình thiết kế quy cách thời trước không còn phù hợp. Tuy nhiên, kinh phí phục vụ cải tạo, sửa chữa hồ đập hạn chế nên vẫn phải sử dụng công trình phục vụ thủy lợi. Hàng năm, tùy theo hiện trạng của từng đập mà lựa chọn để sửa chữa, nâng cấp.
Triển khai nhiều biện pháp ứng phó
Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có khoảng 112 hồ thủy lợi và 40 hồ thủy điện các loại. Trong đó, có 18 hồ chứa có dung tích hơn 10 triệu m3, 107 hồ có dung tích 1 triệu m3. Hiện tại có nhiều hồ chứa có thời gian sử dụng từ 20 năm đến 30 năm và nhiều hồ chứa chưa được kiểm định. Tại một số địa phương, tình trạng người dân sinh sống xung quanh và phía hạ du hồ chứa khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Để giảm thiểu và chủ động ứng phó, hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai nhiều biện pháp cụ thể, nhất là trong thời điểm chuyển sang mùa mưa bão.
Ảnh: N.T |
Ông Nguyễn Văn Lương-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi-Thủy sản Gia Lai cho biết: Đầu năm 2015, UBND tỉnh thành lập 2 đoàn liên ngành do Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì tổ chức thanh-kiểm tra một số hồ đập thủy điện và hồ thủy lợi. Qua đó, kịp thời nhắc nhở, tuyên truyền các địa phương, chủ đầu tư và các đơn vị khai thác công trình thủy lợi cần có kế hoạch cụ thể chủ động ứng phó mưa bão, đảm bảo an toàn hồ đập và có văn bản báo cáo hiện trạng.
Song song với đó, UBND và cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã. Yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã ban hành các phương án PCTT và TKCN; phân công công việc cho các thành viên Ban chỉ huy, dự kiến lực lượng xung kích; rà soát phương tiện và xác định nơi xung yếu. Dự trữ cơ số thuốc và bố trí giường bệnh tại các bệnh viện phòng xảy ra sự cố.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền để tạo chuyển biến về nhận thức của nhân dân trong công tác phòng-chống thiên tai; chèn chống nhà cửa; nhất là việc chấp hành chủ trương của Nhà nước về di dời dân vùng bị lũ cô lập, sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn. Ngoài ra, UBND tỉnh trích kinh phí cho các địa phương trang bị phương tiện phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn và sửa chữa các hồ đập có dấu hiệu xuống cấp, hư hại.
Nguyễn Tú