(GLO)- Hơn 8 thập kỷ trước, khi phát minh ra ni lông, hẳn nhà khoa học người Mỹ Wallace Hume Carothers cũng không thể ngờ rằng, đến một ngày những chiếc túi được sản xuất từ chất liệu này lại trở nên thông dụng và phổ biến đến thế trên khắp thế giới. Túi ni lông thông dụng và phổ biến đến mức mà ngày nay, tất cả chúng ta, nhất là những người bán hàng, những bà nội trợ đều không thể hình dung cuộc sống sẽ bất tiện như thế nào nếu thiếu nó. Và con số 500-1.000 tỷ chiếc túi ni lông được sử dụng mỗi năm trên thế giới theo một báo cáo gần đây của Liên hợp quốc đủ cho thấy điều đó.
Ảnh minh họa |
Thế nhưng, đi kèm với những tiện lợi không thể phủ nhận, túi ni lông đã và đang trở thành hiểm họa đe dọa môi trường sống của con người trên khắp hành tinh bởi đặc tính khó phân hủy của nó trong điều kiện tự nhiên. Theo các nhà khoa học, nếu không có sự tác động bởi nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời thì phải mất từ 500 năm đến 1.000 năm, một chiếc túi ni lông mới bị phân hủy. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho việc xử lý rác thải rắn ở nhiều nơi, trong đó có nước ta, còn đang hạn chế, tình trạng túi ni lông xả thải lại diễn ra tràn lan, nguồn đất, nguồn nước và môi trường sống của con người tất yếu bị ô nhiễm. Các chuyên gia về môi trường đã gọi đây là “ô nhiễm trắng”.
Không phải đến bây giờ, những hiểm họa từ túi ni lông với môi trường mới được chỉ ra và được các quốc gia trên thế giới nỗ lực tìm cách ngăn chặn. Một trong số đó là việc nhiều quốc gia đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc hạn chế sử dụng túi ni lông; khuyến khích người dân sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.
Ở Việt Nam, những năm qua, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về hạn chế sử dụng túi ni lông; khuyến khích người dân, các cửa hàng, siêu thị sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường cũng đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm bằng nhiều giải pháp. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc ngày 11-4-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Mục tiêu cơ bản của đề án là giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt; tăng cường thu gom, tái chế chất thải túi ni lông khó phân hủy. Còn mục tiêu cụ thể là đến 2020, giảm 65% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.
Mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đề án đã nêu rõ nhưng việc kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt ở nước ta hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như tại Gia Lai, theo báo cáo của UBND tỉnh, cơ chế, chính sách thuế và ưu đãi về vốn đối với hoạt động sản xuất các sản phẩm bao bì, túi xách thân thiện với môi trường; việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm bao bì, túi xách thân thiện với môi trường… chưa được ban hành nên gây khó khăn cho việc thực hiện đề án. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất bao bì, túi xách dễ phân hủy đắt hơn nhiều so với túi ni lông nên chưa khuyến khích được người dân sử dụng.
Những hiểm họa mà rác thải ni lông đang gây ra không phải là mối lo ngại cho riêng quốc gia nào mà là của cả thế giới. Bởi lý do đó mà chủ đề được Liên hợp quốc chọn cho Ngày Môi trường Thế giới (5-6) năm nay là “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông”. Để giải quyết vấn đề này, thiết nghĩ cần có một giải pháp tổng hợp, quyết liệt của toàn xã hội. Trong đó, Chính phủ, các bộ, ngành cần nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các tỉnh, thành phố thực hiện tốt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Bên cạnh đó, việc nâng cao ý thức của người dân về “ô nhiễm trắng” cần được xem như giải pháp mang tính quyết định. Bởi chỉ khi nào mỗi người nhận thức đầy đủ về tác hại của túi ni lông đối với môi trường sống, từ đó quyết định hạn chế sử dụng hay “nói không với túi ni lông” thì tình trạng này mới có thể được cải thiện.
Vĩnh Phúc