(GLO)- Trên địa bàn TP. Pleiku có hơn 2.100 con hẻm lớn nhỏ nằm rải khắp các trục đường phố với tổng chiều dài 733 km. Có nhiều con hẻm đã được gắn biển, song bên cạnh đó vẫn còn nhiều hẻm chưa có tên gọi chính thức, những hộ gia đình trong các con hẻm ấy vì vậy cũng chưa có số nhà mặc dù nhà nằm trong phố. Việc ấy khiến các hộ dân gặp không ít bất tiện liên quan đến địa chỉ nhà.
Chạy dọc theo hai bên đường: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phù Đổng, Phan Đình Phùng... có đến hàng chục con hẻm, trong đó có một vài con hẻm vẫn chưa được gắn biển. Những người dân trong hẻm vẫn thường lấy biển số nhà của nhà đầu tiên để gọi tên cho con hẻm của mình. Có thể kể đến như hẻm 220 Lê Duẩn của làng Ngó (phường Trà Ba, TP. Pleiku), hẻm 443 Lê Duẩn hay hẻm 131 Lê Duẩn. Tuy nhiên, hàng chục ngôi nhà trong các con hẻm nói trên vẫn chưa có biển số nhà, khiến cho các gia đình gặp khó trong việc ghi địa chỉ nhà.
Những con hẻm vẫn chưa được đặt biển tên gây nhiều bất tiện trong việc tìm địa chỉ nhà. Ảnh: P.V |
Tại Điều 13, mục 2, Nghị định số 91/2005/NĐ-CP về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng có quy định cụ thể rằng: không đặt tên cho ngõ (kiệt), ngách (hẻm). Ngõ (kiệt) được gọi theo số nhà đầu ngõ (kiệt), tính từ đầu phố kèm theo tên phố, ngách (hẻm) được gọi theo biển số nhà đầu ngách (hẻm), tính từ đầu ngõ (kiệt). |
Mặc dù chỉ cách mặt đường Lê Duẩn chưa đầy 30 mét, nhưng mỗi lần có bạn bè xuống nhà chơi, chị Ksor H’Mai (hẻm 220 Lê Duẩn, làng Ngó, phường Trà Bá, TP. Pleiku) lại phải ra đầu đường để đứng đón vì không biết phải nói địa chỉ nhà mình thế nào để bạn tìm cho dễ. “Cũng cùng một làng, nhưng ở phía trên kia được đặt tên đường, còn đường nhà mình thì chưa. Cả làng trước giờ vẫn lấy số nhà đầu tiên để gọi tên hẻm, nhưng không có biển báo ở đầu hẻm nên mỗi lần có ai tìm nhà lại mất công đứng chờ. Hàng hóa gửi từ nơi khác về cũng đều lấy địa chỉ nhà đầu đường, sau đó thì ra đó nhận về. Nếu được làm số nhà, có tên gọi thì sẽ dễ dàng hơn”- chị H’Mai cho biết.
Cũng tương tự, hơn chục hộ gia đình trong hẻm 46 Lê Duẩn không nhà nào có gắn biển số nhà. Bà Hường (72 tuổi) chia sẻ: “Mỗi nhà trong con hẻm này xưa nay vẫn ngầm gọi số nhà nhau bằng số nhà cũ, nhưng mà cũng lộn xộn lắm vì cùng hẻm mà có đến 3 nhà có số nhà 94. Mỗi lần có khách từ xa đến chơi để tìm đúng nhà cũng khá mệt, bên cạnh gọi điện thoại thì còn phải chỉ được dấu hiệu nào đó riêng biệt để mọi người tìm cho dễ. Đấy là chưa kể người trong hẻm trùng tên với nhau, lắm lúc có người tìm nhầm nhà”. Không chỉ vậy, các hộ dân khác còn cho biết, nhà cửa trên trục đường chính ngày càng ken dày, đường vào các con hẻm thường bị che khuất bởi các biển, bảng quảng cáo, trong khi hẻm không có biển tên có thể khiến người đi tìm nhà không để ý kỹ và bỏ qua. Việc nhà ở trong khu dân cư đông đúc không có biển số cụ thể, đường hẻm không có biển tên không chỉ đem lại nhiều bất tiện cho từng hộ gia đình mà còn gây khó khăn cho việc quản lý dân cư đô thị.
Một ngôi nhà không số. Ảnh: P.V |
Trao đổi thêm với P.V, chị Lê Thị Quý-chuyên viên Phòng Quản lý Đô thị TP. Pleiku cho biết: “Về việc cấp số nhà, chúng tôi thực hiện theo nhu cầu của người dân. Có hai hình thức: cấp lẻ và cấp hàng loạt. Nếu người dân có nhu cầu đánh số nhà, họ sẽ làm hồ sơ nộp về Phòng Quản lý Đô thị thành phố, phòng sẽ tiến hành đi kiểm tra và đánh số. Nếu nhiều người trong cùng một phường cùng muốn đánh số nhà, thì tổ dân phố sẽ lập danh sách, nộp về phường, phường sẽ nộp về phòng, sau đó chúng tôi cùng phường sẽ đi xác nhận và cấp số nhà cho người dân. Riêng về việc đặt biển cho hẻm là do UBND phường huy động dân trong hẻm góp tiền để làm biển báo, Phòng Quản lý Đô thị chỉ đặt biển tên cho các tuyến đường phố.
Chị Quý cũng cho biết thêm, trong thời gian qua, Phòng Quản lý Đô thị thành phố cũng đã và đang tiến hành sắp xếp lại tên hẻm, số nhà trong hẻm cho người dân trên các đường Phan Đình Phùng, Lý Thái Tổ, Trần Phú. Bên cạnh đó, phòng cũng đang đề xuất lên UBND tỉnh một số con hẻm dài, rộng, đông dân cư để được xem xét đặt tên.
Phương Vy