Hãy chắp cánh ước mơ cho cô học trò nghèo!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- 12 năm đèn sách thì có tới 7 năm phải xa nhà để theo đuổi giấc mơ con chữ. Ước mong trở thành cô giáo dạy chữ cho trẻ em đã trở thành động lực giúp cô học trò nghèo Nay H'Ban (thôn Tân Điệp 1, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT với điểm số cao. Song giờ đây, dù đã chuẩn bị đầy đủ hành trang để lên đường nhập học tại Đại học Đà Nẵng thì ước mơ ấy của em có nguy cơ dang dở vì gia đình không đủ khả năng.

Theo chân bà Vũ Thị Lý-Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phú Thiện, chúng tôi đến nhà em Nay H'Ban. Gạt nhanh giọt nước mắt, H'Ban đon đả mời khách vào nhà. Căn nhà chẳng có gì đáng giá ngoài 1 chiếc giường cũ kỹ, ọp ẹp. Bà Nguyễn Thị Mỹ Lợi-Bí thư Chi bộ thôn Tân Điệp 1-cho biết: “Một số đồ dùng thiết yếu như: chiếu, nệm và cả bộ ly uống nước là do các nhà hảo tâm mới tặng gia đình H'Ban tuần trước”.

 Hội Khuyến học huyện cùng đại diện UBND xã Ia Ake (huyện Phú Thiện) đến thăm, động viên em Nay HBan (thứ 2 từ trái sang). Ảnh: V.C
Hội Khuyến học huyện Phú Thiện cùng đại diện UBND xã Ia Ake đến thăm, động viên em Nay H'Ban (thứ 2 từ trái sang). Ảnh: Vũ Chi


Gia đình H'Ban thuộc diện hộ nghèo, mọi sinh hoạt đều trông chờ vào 2 sào lúa nước. Vì vậy, cha mẹ em phải đi làm thuê để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. H'Ban là con thứ 5 và cũng là cô con gái duy nhất trong gia đình có 6 anh chị em. Đáng nói là em có tới 2 người anh trai bị bệnh tâm thần, hàng ngày phải xích chân vào cột nhà để đỡ quậy phá. Mấy anh em đều ít học, người chỉ học hết lớp 2, người học hết bậc tiểu học. Duy có H'Ban, nhờ ham học nên được bố mẹ ưu tiên.

Những năm học tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh, H'Ban luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Khác với các bạn cùng trang lứa, em rất ít khi về thăm nhà. Năm học lớp 12, em chỉ về thăm nhà 1 lần khi ông nội qua đời. Lý do là vì mỗi lần về nhà đều phải tốn 120 ngàn đồng tiền xe. Nếu ở lại em sẽ tiết kiệm chi phí này cho sinh hoạt cá nhân. Vì vậy, dù rất nhớ nhà, nhưng em tự dặn mình cố gắng vượt qua. Em biết chỉ có kiến thức mới thoát được đói nghèo nên dành toàn bộ thời gian vào việc học.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, H'Ban đăng ký nguyện vọng vào chuyên ngành Sư phạm Tiểu học Trường Đại học Sư phạm-Đại học Đà Nẵng. Với 24,25 điểm, cánh cửa trường đại học đang rộng mở trước mắt. Nhưng biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ngay sau kỳ thi, em đã vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân.

Mặc dù chuẩn bị tâm lý từ trước nhưng khi có thông báo trúng tuyển của trường đại học mình mơ ước, em không khỏi chạnh lòng. “Làm cô giáo là ước mơ của em ngay từ những ngày đầu ngồi trên ghế nhà trường. Em rất muốn đem con chữ về dạy cho các em nhỏ ngay tại làng mình. Nhưng mà bây giờ, em không biết phải làm sao”-H'Ban nói trong nước mắt.

Nghe con gái giãi bày với khách, bà Nay HBliu bùi ngùi chia sẻ: “Nhà nghèo nên sau khi học xong tiểu học, vợ chồng mình đã phải gửi H'Ban vào Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện, rồi Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh. Nhờ được hỗ trợ, cháu không tốn tiền học nên có cơ hội theo đuổi đam mê. Nhưng học đại học đòi hỏi một khoản tiền lớn, vợ chồng mình biết phải kiếm ở đâu bây giờ?”.

Còn ông Rmah Thanh (cha của Ban) cũng buồn bã nói: “Vợ chồng mình cảm thấy có lỗi với con nhưng cảnh nghèo nên cũng đành bất lực”.

Thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình H'Ban, bà Lợi đã liên hệ với Hội Khuyến học huyện nhờ giúp đỡ. Theo đó, Hội đã huy động sự đóng góp của các Mạnh Thường Quân được 6 triệu đồng, giúp em mua sắm một số vật dụng thiết yếu và làm thủ tục nhập học.

Trò chuyện cùng P.V, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phú Thiện chia sẻ: “Số tiền 6 triệu đồng không thấm vào đâu bởi con đường H'Ban chuẩn bị bước vào còn rất dài và gian nan. Cần lắm những tấm lòng hảo tâm chắp cánh cho em hiện thực hóa ước mơ của mình”.

Mọi sự giúp đỡ cho em Nay H'Ban xin liên hệ trực tiếp cho bà Vũ Thị Lý-Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Phú Thiện, SĐT 0983852440 hoặc gửi về Báo Gia Lai, 2A Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku (liên hệ chị Lệ Hằng-Phó Trưởng phòng Bạn đọc-Báo ảnh-Tư liệu Báo Gia Lai, SĐT: 0943065095).

 VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.