Hành trình từ một 'học sinh miền Nam' đến nhà khoa học Hungary

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong cuộc hội ngộ học sinh miền Nam kỷ niệm 70 năm tập kết, có một học sinh từ Hungary trở về, đó là PGS.TS Đỗ Thị Đông Xuân.

Lần trở về này, PGS.TS Đỗ Thị Đông Xuân đã gói ghém rất nhiều ký ức tuổi trẻ, ngày tháng vượt Trường Sơn ra miền Bắc và khoảng trời trong veo của những năm gian khổ học trên đất Bắc của một người con miền Nam.

1. PGS.TS Đỗ Thị Đông Xuân đưa cho tôi xem tấm ảnh tuổi 16 của mình. Một thiếu nữ đẹp vận chiếc áo bà ba nâu chàm, vai đeo súng, đứng giữa chiến khu của những ngày chiến tranh khốc liệt. Khí chất cách mạng ấy đã vận vào con người của bà, trở thành niềm kiêu hãnh của một người Việt Nam làm khoa học trên đất Hungary.

TS Đỗ Thị Đông Xuân (bên phải) trong lần trở về dự họp mặt Học sinh miền Nam tháng 7/2024.

TS Đỗ Thị Đông Xuân (bên phải) trong lần trở về dự họp mặt Học sinh miền Nam tháng 7/2024.

Xuân Mậu Thân năm 1968, Đỗ Thị Đông Xuân mới 14 tuổi nghe tin cha mình là ông Đỗ Như Công bị địch bắt lần thứ hai nên đã nằng nặc xin vào chiến khu cầm súng chiến đấu. Khi ấy, Đông Xuân chỉ nghĩ rằng "phải đánh Mỹ cứu nước để giải phóng cha mình ra khỏi tù đày".

Người mẹ, chiến sĩ cách mạng Đoàn Thị Bích Hoàn cũng đang tích cực hoạt động trong Ban Trí vận, với vỏ bọc là thương nhân làm kinh tế. Cô nữ sinh rời bỏ trường trung học Saint Paul Sài Gòn (sau này là trụ sở của Tu viện dòng Thánh Phaolo Sài Gòn, đường Tôn Đức Thắng, Q.1, TP Hồ Chí Minh), rất vô tư hãnh diện khi dấn thân mình vào cuộc đời vô sản. Áo quần vẻn vẹn một bộ "nghiêm" một bộ "nghỉ", một bộ phòng trời mưa. Gia tài 40 Ria (Campuchia) sinh hoạt phí mỗi tháng mà sao không bao giờ thấy mình khổ. Thời gian làm thành viên của đội "Võ trang tuyên truyền" là giai đoạn hạnh phúc nhất đời tuổi trẻ của Đông Xuân, khi bà được sống trong tình yêu thương vô vàn của tình đồng đội.

Sau ba tháng huấn luyện ở đội "Võ trang Tuyên truyền", Đông Xuân được điều về R (mật danh Trung ương Cục miền Nam đóng tại Tây Ninh). Nhờ vốn chữ nghĩa tích lũy sau bảy năm học trường Tây, Đông Xuân được giao nhiệm vụ làm thư ký cho ông Lưu Hữu Phước (Bộ trưởng Bộ Văn hóa của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam giai đoạn 1969-1975).

Những ngày được phục vụ bác Tư Riêng (biệt danh của ông Lưu Hữu Phước), chứa biết bao kỷ niệm ngây thơ và đẹp của người lính Đông Xuân. "Có lần bác Tư gọi tôi lên phê bình: "Đông Xuân à, con hết áo mặc sao con không nói bác Tư biết để bác nhường tiêu chuẩn vải của bác cho con may áo, sao con lại mặc cái áo vá vai đi phục vụ nước trà như vậy? Sau này ba mẹ con biết thì bác Tư phân trần thế nào đây. Đông Xuân hồn nhiên chỉ biết cười, cho đó là cách "cải tạo bản thân" của lính mới".

Năm 1971, 17 tuổi, Đông Xuân được đưa ra miền Bắc theo chương trình "Gieo hạt giống đỏ". Mục tiêu của chương trình này là đào tạo lực lượng, sẵn sàng quay trở lại miền Nam làm việc khi đất nước thống nhất. Đoàn học sinh miền Nam là những thanh thiếu niên tuổi học trò, thuộc con em cán bộ hoạt động kháng chiến tại miền Nam.

Nhớ khi đoàn ngược dòng sông Mê Kông, đi qua những chiếc cầu bị bom đánh sập, đến nhiều bờ suối dốc đứng. Có hôm đến chỗ giao trực đã khuya nhưng phải xuống xe và cuốc bộ đường rừng mấy tiếng đồng hồ để đến trạm. Rồi khi qua những con dốc, vừa leo vừa co rút cả người, thở ra như có khói. Mưa lạnh, muỗi vắt, Đông Xuân và nhiều bạn trong đoàn đã bị sốt, nghĩ rằng mình sẽ không đủ sức vượt qua đường rừng trắc trở, hiểm nguy với mưa bom, lửa đạn như vậy. Đi suốt dọc Trường Sơn, niềm mong mỏi lớn nhất của Đoàn học sinh miền Nam là đến Trạm 5. Vì nghe đoàn trưởng thông báo "đến Trạm 5 các cháu sẽ được đưa thẳng ra miền Bắc".

"Chúng tôi đếm từng số trạm đã từng vượt qua, mệt mỏi, đói khát nhưng cố rướn người mà đi lên phía trước. Rồi đoàn cũng đến Trạm 5 vào buổi chiều muộn, nhưng thay vì nghỉ lại thì chúng tôi lại phải đi tiếp. Mỗi người được phát một nắm cơm vắt để hành quân ra bến xe. Đến điểm đón khi tia nắng mặt trời bắt đầu nhạt dần, thay vào đó là một ánh trăng thượng uyển sáng nhẹ lấp ló trên cánh rừng Trường Sơn", TS Đông Xuân kể.

Đoàn học sinh miền Nam được ngồi trên chiếc xe nhà binh vượt đường mòn Hồ Chí Minh như một dây chuyền vô tận của những mắt xích hết "ổ voi" đến "ổ gà". Ký ức không bao giờ quên trong bà chính là Cự Nẫm, một xã ở phía Tây Bắc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngày ấy, đây trở thành "làng mặt trận", "làng một đêm". Binh trạm 14 đóng ở Cự Nẫm là trạm trung chuyển Bắc - Nam, đưa con em miền Bắc vào Nam đánh Mỹ và nơi chuyển tiếp "những hạt giống đỏ" từ miền Nam ra miền Bắc.

"Rồi bằng sức mạnh nào đấy, tôi nghĩ đó là ý chí, lòng can đảm nên chúng tôi đã vượt qua từng ngày để cuối cùng sau gần ba tháng, những đứa trẻ đã đặt chân tới miền Bắc. Đồng bào gọi chúng tôi bằng cái tên thân thương, học sinh miền Nam", TS Đông Xuân bồi hồi nhắc lại chuyện xưa.

2. Tháng 5/1975, Đông Xuân tốt nghiệp lớp 10 trường Phổ thông cấp 3 Bến Tre (đặt tại huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Sau đó, bà Xuân đậu đại học với số điểm khá cao, đủ điều kiện sang Hungary du học về nông nghiệp. "Đây là lĩnh vực tôi không hề thích, nhưng tôi không có sự lựa chọn vào thời điểm đó. Cha tôi thường dạy, phải học giỏi để đi làm cách mạng, đó cũng là cách thể hiện lòng yêu đất nước", TS Đông Xuân nói về ngày bà chuẩn bị rời Việt Nam đi du học.

Năm 1982, sau khi tốt nghiệp đại học, Đông Xuân kết hôn với một người bạn Hungary. Ở lại quê người là điều mà bà chưa từng nghĩ tới khi bước chân rời xa đất nước, nhưng "thuyền theo lái, gái theo chồng", bà không còn sự lựa chọn nào khác. Cả hai vợ chồng đều làm khoa học, cuộc sống không dư giả gì, trong khi họ phải lo cho gia đình, con cái và những đề án nghiên cứu, nên hai tiếng "quê hương" vẫn mãi khắc khoải. Cho tới năm 1996, sau 25 năm, bà quay trở lại Việt Nam với cương vị là Phó Giáo sư. Tiến sĩ (PGS. TS) khoa học nông nghiệp Dr. Kisné Đỗ Thị Đông Xuân - Viện Nghiên cứu bảo tồn Gen gia súc quý hiếm Hungrary.

Tuổi 16 đi làm cách mạng ở chiến khu.

Tuổi 16 đi làm cách mạng ở chiến khu.

Quê hương vẫn luôn là nỗi niềm đau đáu đối với TS Đỗ Thị Đông Xuân. Ngày trở về, bà nhìn người nông dân Việt Nam mà trăn trở khôn nguôi. "Không hiểu sao mỗi khi nhìn những dòng sông từ thượng nguồn đổ về hạ, nhìn những cánh đồng trù phú phù sa hay những bản làng trên miền Tây Bắc, tôi luôn thổn thức. Mình phải làm điều gì đó giúp đỡ người nông dân quê nghèo. Nghĩ như vậy, nhưng tôi cũng chưa biết làm gì, phải bắt đầu từ đâu", TS Đông Xuân chia sẻ.

Bà lặn lội lên vùng núi, nơi đồng bào sinh sống để xem họ làm nông nghiệp chăn nuôi như thế nào. Bà nhận ra khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng núi phù hợp với giống gà sao của Hunggary. Vậy là, bà đã lên kế hoạch đưa giống gà về Việt Nam. Nếu thành công, việc này không chỉ tạo ra thêm một kênh tiếp xúc với Việt Nam, mà còn là một đề tài nghiên cứu khoa học. Tức là thử nghiệm khả năng sống sót của gà Hungary ở một môi trường mới.

"Sếp của tôi là Tiến sĩ Szalay Istvan đồng ý liền với dự án. Thời điểm đó, Hungary cũng vừa mới tách ra khỏi khối xã hội chủ nghĩa, nên cũng còn khá nhiều khó khăn, không có tiền tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học ở nước ngoài. Vậy là tôi quay lại Việt Nam lần thứ hai, mang theo những thùng trứng giống và tổ chức một hội thảo Việt - Hungary về phát triển chăn nuôi gia súc nhỏ. Đơn vị thực hiện việc nuôi thử nghiệm là Trung tâm giống gia cầm Thụy Phương, Hà Nội", TS Đông Xuân kể.

Cứ vài tháng bà lại trở về Việt Nam, miệt mài thực hiện ý tưởng nho nhỏ của mình. Từ năm 2002, giống gà sao Hungary đầu tiên được đưa tới nuôi thử nghiệm tại Việt Nam và nhanh chóng được nhân rộng ra toàn quốc. Bà đi khắp nơi, tìm đến những người nông dân chăn nuôi, thấy bà con mình nuôi con gì cũng rủi ro vì dịch bệnh, thiên tai. Một đời người lam lũ, cuối cùng chẳng có gì trong tay.

Năm 2008, bà đến thăm một trại gà ở Thái Nguyên sau đợt cúm, ông chủ trại gà này cho biết các giống gà khác của ông đều chết hết, duy có đàn gà sao vẫn còn nguyên vẹn. Một niềm vui nho nhỏ tạo cho bà động lực để tiếp tục ý tưởng của mình. "Trong khi Việt Nam ngày một công nghiệp hóa, còn tôi thì đi ngược chiều, kêu gọi "bám đất giữ làng", ủng hộ hướng phát triển bền vững. Bây giờ nhiều nông dân rời ruộng vườn, dắt díu nhau đi làm thuê hoặc tìm việc ở các khu công nghiệp, để lại làng quê thưa vắng sau lưng, những người ở lại phải nhọc nhằn bám đất khiến tôi rất trăn trở", bà thổ lộ.

Muốn cho dân mình giàu thì phải nâng cao dân trí và giáo dục. Bởi vậy mà bà tìm cách đưa kiến thức nông nghiệp ở nước ngoài về Việt Nam. Sau giống gà sao, TS Đông Xuân còn đưa sang Việt Nam nuôi thử nghiệm giống gà tây các màu sắc, giống ngỗng trắng và giống thỏ. Cùng với đó, bà còn vận động tổ chức những hội thảo đưa cán bộ Việt Nam sang học tập ở Hungary.

"Mọi thứ tôi làm cho người nông dân quê mình còn quá nhỏ bé. Khi tôi nghỉ hưu, các dự án vẫn được anh em thực hiện nhưng sức lan tỏa chưa sâu rộng, điều đó khiến tôi trăn trở mãi. Cho dù sống ở nơi nào, thì ngày nào dòng máu Việt Nam còn chảy trong người, ngày ấy tôi còn nghĩ và nhớ về đất nước Việt Nam", đó là lý do mà ở tuổi 70, TS Đông Xuân vẫn miệt mài đi đến những làng quê Việt và gắn bó với người nông dân với mong muốn giúp họ có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Sau giải phóng, ông Đỗ Như Công làm Tổng thư ký Ban liên lạc Công thương (tổ chức hội nhập các thành phần tư sản yêu nước, hoạt động kinh tế xây dựng đất nước thống nhất). Bà Đoàn Thị Bích Hoàn làm Chủ tịch phường ở quận 3, TP Hồ Chí Minh rồi chuyển về công tác ở Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố cho đến ngày nghỉ hưu. Ông Công và bà Hoàn đều được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng…

Theo Ngọc Hoa (CANDO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.