Hạnh phúc ở làng Vân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tròn tám năm, người làng Vân nghe theo lời kêu gọi của chính quyền, di dời từ chân đèo Hải Vân về phố. Nhờ hành trình ấy, những người bệnh phong ngày trước không có thuốc chữa, bị căn bệnh quái ác hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần, bị kỳ thị, xa lánh, có cơ hội đổi đời, hòa nhập cuộc sống mới. Làng Vân hôm nay đã trở thành một phần hạnh phúc của thành phố trẻ, thành phố đáng sống bên bờ sông Hàn.
* Chính quyền địa phương hỗ trợ người dân làng Vân chuyển về nơi ở mới vào tháng 8-2012. Ảnh: ĐÌNH TĂNG
* Chính quyền địa phương hỗ trợ người dân làng Vân chuyển về nơi ở mới vào tháng 8-2012. Ảnh: ĐÌNH TĂNG
Sáng chủ nhật cuối tháng 8, chúng tôi thuê thuyền nhỏ men theo chân sóng, ra thăm lại ngôi làng nhỏ dưới chân núi Hải Vân. Cảnh vật đã đổi thay, không còn những ngôi nhà nhỏ heo hút nơi chân núi, bao đời như ốc đảo. Lặng nhìn cảnh cũ, ông Đỗ Ngọc Ái, một người dân của làng Vân xưa, nay là Phó ban công tác Mặt trận tổ dân phố số 9, phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) bồi hồi: Mới đó mà đã tám năm. Tôi vẫn nhớ như vừa mới xa mấy hôm thôi. Ngày 25-8-2012, người làng Vân thổn thức, lo lắng xen lẫn háo hức, rời mảnh đất gắn bó, cưu mang, chở che mấy chục năm dưới chân Ải Vân Quan hùng vĩ, với biết bao nỗi đau về thể xác, tinh thần, đời sống… vì bệnh phong quái ác, để về nơi phố xa lạ lẫm, rực sáng ánh đèn... Thế rồi, hầu hết dân làng Vân cùng về nơi ở mới, hồi ấy là tổ 14 (nay là tổ 9) phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. “Rời cái nơi mình đã gắn bó, là nơi “chôn nhau cắt rốn” thật không dễ chút nào. Nhưng được các cấp chính quyền địa phương vận động, chúng tôi hy vọng về đất liền, về phố thị là để người dân làng Vân có điều kiện vun đắp một cuộc sống tốt đẹp hơn, được tiếp cận những điều kiện tốt hơn về giáo dục, y tế, văn hóa, kinh tế…”, ông Ái trầm ngâm. 
Trong căn nhà liền kề ở cạnh bãi biển Xuân Thiều, ông Nguyễn Văn Xứng, 83 tuổi, từng là Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Hòa Vân (làng Vân) chia sẻ: Hồi đó, dân làng Vân đã quen với cuộc sống nơi “ốc đảo”, lối đi chủ yếu là lội bộ từ đường đèo xuống, hay thuê thuyền vào ra, nhưng được cái họ đùm bọc nhau, tránh xa được ánh mắt kỳ thị của người đời. Đa số người dân là tín đồ theo đạo nên việc vận động họ rời bỏ làng về phố là không dễ. Vì thế, chúng tôi phải tranh thủ rất nhiều sự hỗ trợ từ các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín của họ đạo để vận động bà con thực hiện chủ trương của chính quyền, với mong muốn có một cuộc đời mới.
Để người dân làng Vân đồng thuận di dời vào đất liền, chính quyền các cấp liên tục bám sát dân để tuyên truyền, vận động. “Phải quyết liệt và bằng tấm lòng nhiệt tình để chỉ ra những cái được, cái lợi khi vào sinh sống nơi đất liền, nhất là điều kiện để con cháu học tập, tiếp cận nền giáo dục hiện đại cũng như khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Khi đã thấu hiểu những điều kiện tốt hơn đó, nhiều người đồng ý. Song, vẫn còn không ít người hoài nghi, họ sợ sự kỳ thị của xã hội với người làng Vân”, ông Xứng nhớ lại.
Tiếp lời, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Liên Chiểu Hà Thúc Liêu cho hay, trước đó chính quyền Đà Nẵng đã chọn tổ 13, 14 (nay là tổ 9) phường Hòa Hiệp Nam để triển khai dự án Khu nhà ở liền kề, với hơn 100 căn hộ, mỗi căn rộng 72 m2, gồm một phòng khách, hai phòng ngủ, phòng bếp, phòng vệ sinh, sân phơi… để dân làng Vân vào ở. Hồi đầu, người dân các tổ dân phố số 13, 14 phường Hòa Hiệp Nam chưa hiểu, còn có lo lắng, băn khoăn sợ lây nhiễm bệnh phong. Chính quyền thành phố nhiều lần tổ chức đối thoại, vận động. Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng về nói chuyện, để mọi người hiểu rằng, bệnh phong đã có thuốc chữa trị, người dân làng Vân đều đã khỏi, không còn nguy cơ lây bệnh. Dần dần, bà con tổ 13, 14 hiểu và cảm thông, chia sẻ, không kỳ thị, xa lánh, mà tạo điều kiện để người dân làng Vân sinh sống, tiếp cận những điều kiện tốt đẹp, tiến bộ hơn…
Chúng tôi ghé thăm gia đình chị Nguyễn Thị Phan San, 40 tuổi, trú tại tổ 9, phường Hòa Hiệp Nam. Chị San cho biết, ông bà nội chị bị bệnh phong, sống phiêu dạt khắp nơi rồi tìm về ngôi làng dưới chân đèo Hải Vân sinh sống từ trước ngày giải phóng. Ba mẹ chị không mắc bệnh nhưng cuộc sống rất khó khăn, vẫn cố gắng xoay xở để chị được vào phố thuê trọ đi học, rồi vào làm việc tại Công ty Việt Hoa trong Khu công nghiệp Hòa Khánh, nhưng đời sống vẫn rất chật vật, phải đi thuê trọ. Vợ chồng chị được chính quyền cấp cho căn hộ trong Khu nhà ở liền kề dành cho người làng Vân. Từ đó đến nay, cuộc đời sang trang mới, có nhà ở kiên cố, ổn định, có việc làm, lại thường xuyên nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp chính quyền những dịp lễ, Tết... Cách đây hai năm, Ngân hàng Chính sách xã hội quận Liên Chiểu cho vay ưu đãi 30 triệu đồng để mua xe máy,  chồng chị chạy Grab nên cuộc sống gia đình khá hẳn lên. Sát vách nhà chị San là gia đình chị Nguyễn Thị Kim Ngân, 30 tuổi, cũng là con một gia đình xưa ở làng Vân. Ngoài công việc làm nhân viên trạm gác đường sắt ở gần nhà, chị được vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi để buôn bán thêm ngoài giờ làm việc. “Nhờ sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể, của khu dân cư, chúng tôi mới đổi đời như hôm nay”, chị Ngân nói mà mắt đỏ hoe. 
Ngồi trước cửa ngôi nhà liền kề ở tổ 9, phường Hòa Hiệp Nam, ông Trịnh Khen thong thả nhấp ngụm trà nóng mà vợ vừa pha đãi khách, chậm rãi kể: Bác quê ở Bình Định, nay đã 80 tuổi, bị bệnh phong từ hồi còn nhỏ. Những cơn đau hành hạ, chữa trị mãi không khỏi, lại luôn bị xa lánh. Hồi đó, bác bươn chải ra tận Quảng Trị, Huế kiếm cơm mỗi ngày. Năm 1968, nằm viện ở Huế thì gặp một cô gái Huế dịu dàng. Cầm tay người phụ nữ gương mặt chất phác, hiền hậu ngồi cạnh, ông cười: Bà ấy đây, Mai Thị Thôi, cũng gần 80 tuổi rồi. Chả biết trời xui đất khiến thế nào, bà lại đem lòng thương yêu chàng trai cô độc, bệnh tật. Tình yêu của bà dường như vô tận, giúp xoa dịu cơn đau cả thể xác và tinh thần, tiếp thêm sức mạnh và niềm vui sống cho ông. Ông Khen tấm tắc: “Thương vợ, thương luôn cả gia đình vợ. Nhờ gia đình bên đó, mà bác mới có vợ chăm lo đến bây giờ”. Sau năm 1975, nghe lời một người bạn, gia đình ông tìm vào làng Vân, ngôi làng nhỏ dưới chân đèo Hải Vân, nơi chỉ có những người bệnh phong dựa vào nhau sinh sống bằng nghề đánh bắt gần bờ, trồng rau, nuôi gà, lợn... Chồng thì bệnh tật, con cái nheo nhóc, thiếu thốn đủ bề, một mình bà Thôi làm đủ việc để lo bữa cơm hằng ngày. May mắn, những người con đều khỏe mạnh, lành lặn, có công việc ổn định trước khi ông bà cùng dân làng Vân dời về đất liền hồi tháng 8 năm 2012. Cũng từ đó, ông bà được nhận tiền trợ cấp hằng tháng, cuộc sống hoàn toàn thay đổi, có điện, có nước sạch, có nhà ở kiên cố, có tiền đủ để sinh hoạt. Sáu năm trước, ông sơ ý bị ngã gãy chân, phải ngồi xe lăn vĩnh viễn, mọi sinh hoạt của ông đều do một tay bà Thôi gánh vác. “Con cái lập gia đình riêng, sống cũng gần nên qua lại hằng ngày, lo được bữa cơm có canh, có cá, có thịt… Cuộc sống nhẹ nhàng, yên bình lắm con ạ” - bà Thôi góp vui câu chuyện với nụ cười hiền. 
Chuyện người làng Vân dưới chân đèo Hải Vân giờ đã thành câu chuyện kết thúc có hậu. Người làng Vân đã, đang và tiếp tục là một phần hạnh phúc của thành phố bên bờ sông Hàn, thành phố đáng sống, với những niềm vui cứ nhân lên, nhân lên mỗi ngày.

 
* Điều kiện sống của người làng Vân sau khi di dời vào đất liền ngày càng khởi sắc. Ảnh: ĐÌNH TĂNG 
Người dân làng Vân trước đây, hiện định cư tại tổ 9, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu với 56 hộ, 152 khẩu. Cả tổ hiện có 35 người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội. Trong đó có 28 người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng, với mức hưởng 875 nghìn đồng/người/tháng, bảy người khuyết tật đặc biệt nặng, với mức hưởng trợ cấp 700 nghìn đồng/người/tháng.
Ngoài hỗ trợ trên, các đối tượng này được UBND thành phố Đà Nẵng trích kinh phí hỗ trợ  200 nghìn đồng/người/tháng. Người dân khi gặp rủi ro, ốm đau đột xuất, bị bệnh hiểm nghèo, đều được chính quyền quận Liên Chiểu và UBND thành phố Đà Nẵng hỗ trợ từ nguồn bảo trợ xã hội. Vào các dịp lễ, Tết, đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội ở làng Vân được hỗ trợ 300 nghìn đồng/người từ nguồn ngân sách thành phố, UBND quận Liên Chiểu, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, cơ quan trên địa bàn thành phố tặng quà Tết, mua dụng cụ sinh hoạt, thực phẩm… mỗi hộ từ 5 đến 6 triệu đồng. UBND quận Liên Chiểu cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các trường hợp hưởng trợ cấp hằng tháng.
THANH TÙNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.