Hàng thông cổ thụ đẹp nhất Gia Lai bị xâm hại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hàng loạt cây thông trăm tuổi tại khu vực Biển Hồ chè, nơi được mệnh danh là “con đường Hàn Quốc” (thôn 1, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah, Gia Lai) đã bị một số đối tượng róc vỏ không thương tiếc. Nhiều người dân bức xúc khi phát hiện sự việc này.
Có mặt tại hàng thông cổ thụ khu vực Biển Hồ chè, P.V tận mắt nhìn thấy quanh các gốc thông, dấu vết nham nhở để lại do lớp vỏ bị róc đi còn hiện rõ, nhiều cây thông nhựa rỉ chảy dọc thân. “Một buổi trưa cách đây chừng 4-5 ngày, khi tôi đi công việc về ngang qua đây có gặp một thanh niên đem theo một chiếc ghế, một bao tải và cầm dao đi dọc 2 hàng thông để róc lấy vỏ. Tôi có ghé lại nhắc là không nên làm như vậy nhưng cậu ấy bảo chỉ lấy lớp vỏ đã “chết”. Cậu này róc vỏ lần lượt từ đầu đến cuối hàng thông cổ thụ đầy một bao lớn”-ông Đặng Thành Nam (thôn 1, xã Nghĩa Hưng)-kể lại sự việc.
 Đại diện Công ty cổ phần Chè Biển Hồ đang kiểm tra một gốc cây thông “bị thương”. Ảnh: L.H
Đại diện Công ty cổ phần Chè Biển Hồ đang kiểm tra một gốc cây thông “bị thương”. Ảnh: L.H
 
Thượng tọa Thích Giác Tâm-Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh,  Trụ trì chùa Bửu Minh: “Hàng thông trăm tuổi, đồi chè, chùa cổ Bửu Minh, Biển Hồ và núi lửa Chư Đăng Ya đều nằm trong chuỗi liên kết, tương quan, tương duyên lẫn nhau để cùng nâng tầm giá trị du lịch tỉnh nhà. Tôi hy vọng mỗi người dân khi đến tham quan những danh lam thắng cảnh hãy trân trọng hơn nữa tự nhiên, giữ lấy mối tương duyên tốt đẹp này để góp phần đưa du lịch tỉnh nhà phát triển bền vững”.

Ngay sau khi phát hiện hàng thông quý bị phá hoại, Thượng tọa Thích Giác Tâm-Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Trụ trì chùa Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng) đã chia sẻ sự việc lên mạng xã hội, đồng thời tha thiết mong ngành chức năng vào cuộc. Chỉ trong thời gian ngắn, bài viết đã có đến gần 300 lượt chia sẻ. Nhiều người bình luận, thể hiện thái độ bức xúc và lên án hành động phá hoại hàng thông cổ thụ trăm tuổi vốn đã trở thành địa chỉ du lịch quen thuộc trong mắt người dân cũng như du khách thập phương. “Với nhiều người, hàng thông cổ thụ đã là một “di sản” dù chưa được công nhận. Tôi thực sự đau xót bởi tại sao một vẻ đẹp đáng được trân trọng, gìn giữ như thế lại có thể bị can thiệp thô bạo?”-Thượng tọa Thích Giác Tâm chia sẻ. Theo Thượng tọa, trước đây, hàng thông này có tổng cộng 150 cây nhưng hiện chỉ còn 86 cây. Nhiều cây thông non mới được trồng dặm trở lại cũng bị bẻ cành nhánh, róc vỏ… Thượng tọa thích Giác Tâm cho biết thêm, tình trạng thông cổ thụ bị róc vỏ đã từng xảy ra vài lần. Mọi chuyện lắng đi một thời gian, bất ngờ vài ngày gần đây lại xuất hiện trở lại với mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Khi được thông tin về sự việc hàng thông cổ thụ tại khu vực Biển Hồ chè bị xâm phạm, lãnh đạo Công ty cổ phần Chè Biển Hồ cùng lãnh đạo xã Nghĩa Hưng đã trực tiếp xuống hiện trường để nắm tình hình. Ông Nguyễn Ngọc Dũng-Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Hưng-cho biết: “Hàng thông cổ thụ từ lâu đã trở thành điểm đến yêu thích của người dân trong và ngoài tỉnh. Vào dịp lễ, Tết, người dân đổ về đây vui chơi, thưởng ngoạn rất đông. Xã thường xuyên huy động các lực lượng tham gia dọn dẹp vệ sinh, phát cỏ… để giữ gìn cảnh quan môi trường. Sự việc lần này rất đáng tiếc và chúng tôi hy vọng mọi người khi đến tham quan hàng thông trăm tuổi cần nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ môi trường, không nên xâm phạm cảnh quan”.
Theo chia sẻ của một số người dân, hiện nay, giới chơi lan đang rộ lên xu hướng lấy vỏ cây thông làm giá thể để nuôi cấy phong lan. Vì thế, giá vỏ thông khô trên thị trường hiện khá cao. Có thể vì lý do này mà một số người đã bất chấp, róc vỏ thông về sử dụng hoặc buôn bán để thu lợi. Theo quan sát của P.V, không chỉ tại khu vực hàng thông cổ thụ mà ngay cả hàng thông non được trồng dọc 2 bên đường Lê Văn Sỹ dẫn từ quốc lộ 14 vào khu vực lâm viên Biển Hồ cũng bị róc vỏ.
Nói về giải pháp quản lý, gìn giữ hàng thông cổ thụ trong thời gian đến, ông Trịnh Đình Trường-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chè Biển Hồ-cho biết: “Chúng tôi sẽ cho đánh số các cây thông cổ thụ, gắn biển nhắc nhở du khách không nên xâm phạm cảnh quan và giữ vệ sinh môi trường. Công ty cũng đang lên kế hoạch đầu tư một số hạ tầng như: hệ thống thoát nước, thảm cỏ, lối đi bộ, cắt tỉa cành cây khô… để đảm bảo an toàn, phục vụ tốt hơn nhu cầu tham quan, thưởng lãm của người dân tại khu danh thắng này”.
Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.