Hàng loạt điểm trường lẻ bỏ hoang ở Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lượng học sinh ít, không đủ tổ chức lớp, các trường tiểu học và THCS sáp nhập đã khiến hàng loạt điểm trường học tại tỉnh Kon Tum bị bỏ hoang, gây lãng phí.

Trong đó, H.Đăk Glei có đến 50 điểm trường không còn sử dụng sau khi sáp nhập. Nhiều cơ sở bỏ không nhiều năm nên xuống cấp, hư hỏng hoặc quản lý sử dụng không hiệu quả gây lãng phí tài sản công.

Một điểm trường ở xã Đăk Sao bỏ hoang sau khi sáp nhập, gây lãng phí
Một điểm trường ở xã Đăk Sao bỏ hoang sau khi sáp nhập, gây lãng phí

Để khắc phục, Phòng GD-ĐT H.Đăk Glei đã rà soát, tham mưu UBND huyện xem xét chuyển đổi công năng các điểm trường lẻ không còn sử dụng thành điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng hoặc điều chuyển sang đơn vị trường mầm non. Tuy nhiên, công tác chuyển đổi công năng đang gặp khó khăn về thủ tục pháp lý, nhiều điểm trường đã xuống cấp, không phù hợp với công năng, mục đích sử dụng.

Tại H.Tu Mơ Rông cũng có nhiều điểm trường dôi dư, bỏ hoang sau sáp nhập. Trong đó, điểm trường Kạch Lớn 2 thuộc Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS xã Đăk Sao được đưa vào hoạt động năm 2021 để phục vụ các em học sinh thuộc 2 làng Kạch Lớn 1 và Kạch Lớn 2. Đầu năm học 2024 - 2025, điểm trường Kạch Lớn 2 chính thức được sáp nhập vào trường trung tâm xã Đăk Sao.

Từ đó, do không có người trông coi, bảo vệ nên điểm trường Kạch Lớn 2 trở nên hoang tàn. Cỏ dại mọc đầy khuôn viên, trụ rào bê tông gãy, đổ. Nhiều cửa kính bị vỡ, bên trong phòng học bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Chị Y Thung (38 tuổi, trú thôn Kạch Lớn 2, xã Đăk Sao, H.Tu Mơ Rông) cho biết sau khi điểm trường không còn được sử dụng, nhiều thanh niên quậy phá, ném đá vào kính cửa sổ gây hư hỏng. Chỉ sau vài tháng bỏ hoang, điểm trường đã trở nên hoang tàn, không ai dám bước vào.

Theo ông Phạm Quốc Việt, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS xã Đăk Sao, sau khi nhận được chủ trương xóa điểm trường của Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum, nhà trường đã tiến hành sáp nhập hai lớp 1 và 2 với khoảng 30 học sinh của điểm trường Kạch Lớn 2 và chuyển đến trường chính tại trung tâm xã. Do đó vài tháng qua, nơi này bị dôi dư, không còn sử dụng.

Sau một thời gian không sử dụng, các điểm trường đã xuống cấp, rơi vào quên lãng
Sau một thời gian không sử dụng, các điểm trường đã xuống cấp, rơi vào quên lãng

Tương tự, điểm trường tiểu học xã Đăk Rơ Nga (H.Đăk Tô) cũng bỏ hoang nhiều năm qua. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, điểm trường này được xây dựng từ những năm 1990, ban đầu thuộc địa phận xã Ngọc Tụ. Đến năm 2005, xã Đăk Rơ Nga tách ra khỏi xã Ngọc Tụ nên điểm trường kết thúc hoạt động. Đáng nói, quãng đường từ điểm trường đến trung tâm xã chỉ khoảng 3 km. Sau đó điểm trường được giao cho một đơn vị quân đội tiếp quản, sử dụng. Đến năm 2015, khi đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, cơ sở tiếp tục bị bỏ hoang cho đến nay.

Ông Lâm Thế Hiển, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Nga, cho biết địa phương đã có kế hoạch đưa vào sử dụng điểm trường tiểu học xã Đăk Rơ Nga để tránh lãng phí. Cụ thể, địa phương đang kêu gọi thu hút đầu tư triển khai các dự án làm rượu thốt nốt, nước khoáng đóng chai. Tuy nhiên đến nay, chưa có doanh nghiệp nào đến đầu tư.

Theo Sở Tài chính tỉnh Kon Tum, các điểm trường dôi dư sau khi sáp nhập sẽ được chuyển về cho UBND các huyện quản lý. Sau đó, UBND các huyện sẽ giao cho xã quản lý, bố trí sử dụng làm hội trường thôn hoặc xử lý theo quy hoạch nhưng các địa phương không báo cáo về Sở Tài chính, nên sở chưa tổng hợp được số liệu cụ thể.

Để tìm hiểu thêm về số lượng điểm trường bỏ hoang, dôi dư sau khi sáp nhập và giải pháp xử lý để tránh lãng phí, PV Thanh Niên đã liên hệ làm việc với Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum nhiều lần nhưng vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi.

Nhiều dự án đất ven biển bỏ hoang

Sở KH-ĐT tỉnh Phú Yên cho biết đến cuối năm 2024 có 38 dự án đầu tư vào khu vực ven biển của tỉnh, với tổng vốn đăng ký đầu tư 49.967 tỉ đồng nhưng đến nay, nhiều dự án đang bỏ hoang.

Trong số 38 dự án nêu trên, có 33 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư 43.348 tỉ đồng và có 5 dự án do nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 6.619 tỉ đồng.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nhiều dự án ven biển Phú Yên vẫn đang bỏ hoang, chưa triển khai. Ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Phú Yên, cho biết tỉnh đã chấm dứt hoạt động, thu hồi đất 2 dự án.

Cũng theo ông Tiến, ngoài 2 dự án bị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất, hiện có 12 dự án ven biển chậm tiến độ đầu tư, nguyên nhân chủ yếu là do nhà đầu tư không thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất được với người dân có đất trong khu vực dự án (không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất).

Bên cạnh đó, theo quy định mới được ban hành thì nhà nước cần phải lập quy hoạch xây dựng theo từng cấp độ và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất ở địa phương nên với một số dự án, nhà đầu tư phải chờ đồ án quy hoạch xây dựng được duyệt mới có đủ cơ sở để lập và trình hồ sơ thiết kế cho cơ quan thẩm định. Ngoài ra, có dự án trong quá trình thực hiện chưa đảm bảo thủ tục theo quy định nên phải tạm dừng triển khai và tiến hành rà soát thủ tục, xin ý kiến hướng dẫn của các bộ, ngành T.Ư…

Ông Tiến cho biết thêm dự án chậm tiến độ nhất là dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Rerock Water Bay Phú Yên của Công ty TNHH dịch vụ - mỹ nghệ Thăng Long với diện tích 2,32 ha, thời gian thực hiện đến tháng 12.2018. Hiện Sở KH-ĐT tỉnh Phú Yên đang xem xét để xử lý theo quy định.

Đức Huy

Theo Đức Nhật (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đà Lạt sẽ là đô thị xanh

Đà Lạt sẽ là đô thị xanh

Hơn một thế kỷ qua, thành phố Đà Lạt vẫn giữ được ít nhiều những nét độc đáo riêng có của mình là đô thị có một hệ thống di sản kiến trúc quý giá từng được quy hoạch và xây dựng như một bản “tổng phổ” cân bằng và hài hòa với tự nhiên.

Dấu ấn di sản địa-văn hóa Tây Nguyên trong lòng đất

Dấu ấn di sản địa-văn hóa Tây Nguyên trong lòng đất

(GLO)- Di sản địa-văn hóa Tây Nguyên là tài sản vô giá của quốc gia, góp phần tạo nên sự đa dạng của nền văn hóa Việt Nam. Việc bảo tồn, phát huy giá trị nguồn tài nguyên di sản này đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp bách không những cho thế hệ hôm nay mà cả mai sau.

Lên suối tóc "ngắm" vũ điệu bazan

Lên suối tóc "ngắm" vũ điệu bazan

Huyện Krông Búk là một trong 5 đơn vị hành chính hình thành sớm nhất của tỉnh, trong suốt chiều dài lịch sử với 3 tên gọi: Buôn Hồ (thời kháng chiến chống Pháp), H4 (thời kháng chiến chống Mỹ) và Krông Búk (khi đất nước thống nhất).

Xuân trên đỉnh đèo

Xuân trên đỉnh đèo

Măng Đen rực lên một màu hồng êm dịu từ muôn vạn cánh hoa bé nhỏ. Có khi chỉ là một cội mai anh đào già, cành tỏa rộng khuất sau hàng thông, có khi là cả một hàng mai anh đào non đang e ấp mở những cánh hoa bé nhỏ cạnh đường đi.