Hạ tầng giao thông tại Đắk Lắk: Cần đầu tư thực chất, tránh dàn trải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại Đắk Lắk, cơ sở hạ tầng giao thông chưa thật sự tương xứng trong việc thông thương hàng hoá, đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển du lịch… Chính vì thế, thời gian qua, Đắk Lắk đã chú trọng tập trung xây dựng, tạo tính kết nối đồng bộ giữa các hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ. Tuy vậy, nguồn lực có hạn, Đắk Lắk nên đầu tư những công trình quan trọng, tránh dàn trải, manh mún.
Đường qua xã Ea Lê (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) cứ đến mùa mưa thì lụt lội, mùa nắng thì bụi ngập trời.Ảnh: H.L
Đường qua xã Ea Lê (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) cứ đến mùa mưa thì lụt lội, mùa nắng thì bụi ngập trời.Ảnh: H.L
Vẫn “điệp khúc” sửa rồi lại hỏng…
Đắk Lắk hiện có 11 tỉnh lộ, với tổng chiều dài trên 352km, chủ yếu là đường cấp 4 miền núi và chỉ có 173,08km đường nhựa, 17km là đường đất. Đa số các tuyến đã được đưa vào khai thác sử dụng trên 15 năm nên xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Có thể kể ra như Tỉnh lộ 1, nối TP.Buôn Ma Thuột với 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp được đánh giá là đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội và du lịch. Có vai trò quan trọng là thế nhưng Tỉnh lộ 1 nhiều năm qua luôn trong tình trạng hư hỏng, mặt đường nham nhở.
Khảo sát của phóng viên tại tuyến này từ vườn Quốc Gia Yok Đôn lên trung tâm thị trấn Ea Súp, nhiều nơi mặt đường bong tróc, lồi lõm. Riêng đoạn Tỉnh lộ 1 từ khu vực cầu sắt (thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) đến cánh đồng Km 67 (thuộc xã Ea Lê), mặt đường bị hư hỏng nghiêm trọng, biến dạng.
Ông Nguyễn Văn Hoa - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ea Lê - cho biết, việc Tỉnh lộ 1 đoạn qua xã xuống cấp diễn ra nhiều năm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. “Đường hỏng, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi ngập trời khiến người dân gặp khó khăn khi đi lại. Tôi mong muốn các ngành chức năng sớm có giải pháp đầu tư, cải tạo và sửa chữa, hoàn thiện để bà con an tâm sinh sống” - ông Hoa nói.
Không riêng gì Tỉnh lộ 1 mà các tuyến Tỉnh lộ 2, 3, 19… cũng trong tình trạng hư hỏng kéo dài. Theo một vị lãnh đạo của huyện có tuyến tỉnh lộ đi qua, việc đầu tư, cải tạo đường Tỉnh lộ trước đây tuy có được đầu tư nhưng còn dàn trải, chưa có tính tập trung. “Hàng năm, tỉnh đều có ngân sách cải tạo các tuyến đường tỉnh, nhưng đa số chỉ đầu tư ở những đoạn xung yếu, hư hỏng nghiêm trọng. Năm nay đầu tư tỉnh lộ này một ít, năm tới lại đầu tư cải tạo tình lộ kia... Tôi cho rằng, việc đầu tư như lâu nay chưa phải là giải pháp căn cơ và còn dàn trải, thiếu hiệu quả” - vị lãnh đạo huyện này chia sẻ.
Tránh đầu tư manh mún
Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Đắk Lắk, để thực hiện mục tiêu tới năm 2020 xây dựng hệ thống tỉnh lộ tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi thì cần phải đầu tư cải tạo, nâng cấp khoảng 200km đường với tổng kinh phí hơn 2.000 tỉ đồng. Tính toán là thế nhưng theo kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2016-2020, danh mục các dự án đầu tư cải tạo nâng cấp một số tuyến tỉnh lộ (7/11 tuyến), tổng chiều dài 59,74km, quy mô tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, tổng kinh phí là 295 tỉ đồng. Trong đó, vốn giai đoạn 2016-2020 là 182 tỉ đồng, còn lại sẽ bố trí sau năm 2020. Việc đầu tư như trên đã bộc lộ nhiều hạn chế và thiếu tính bền vững.
Về việc này, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường thừa nhận, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn Đắk Lắk còn dàn trải, manh mún và chưa hiệu quả. Để khắc phục tình trạng trên, Bí thư Bùi Văn Cường cho hay, Đắk Lắk thời gian tới sẽ tập trung đầu tư những công trình giao thông quan trọng, có vai trò làm động lực lưu thông hàng hóa, phát triển du lịch, phát triển các lĩnh vực mà địa phương có tiềm năng như nông nghiệp, điện mặt trời…
“Mặc dù hiểu được việc đầu tư cho hạ tầng giao thông là cần thiết nhưng hiện nguồn lực của Đắk Lắk còn nhiều khó khăn. Về lâu dài, Đắk Lắk cũng sẽ cần tập trung đề nghị Trung ương quan tâm, hỗ trợ việc đầu tư cơ sở hạ tầng để địa phương phát triển” - Bí thư Bùi Văn Cường chia sẻ thêm.
HỮU LONG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm