(GLO)- Chiến dịch tăng cường truyền thông, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) thực hiện ở vùng có mức sinh cao năm 2014 ở tỉnh ta diễn ra 2 đợt: đợt I: từ ngày 20-3 đến 30-4; đợt II: từ ngày 10-7 đến 30-10, tại 75 xã, phường, thị trấn, đảm bảo mục tiêu 90% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, được cung cấp thông tin chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuyên truyền chị em thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ. Ảnh: Đinh Yến |
Nhìn lại kết quả triển khai Chiến dịch đợt I cho thấy, các gói dịch vụ cơ bản đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, gói dịch vụ KHHGĐ đã được tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai, riêng 75 xã đặc biệt khó khăn có mức sinh cao, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đối tượng khó tiếp cận, đồng bào dân tộc thiểu số chọn triển khai đều đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, đặt vòng 1.775 ca; thuốc tiêm tránh thai 7.204 ca; thuốc cấy tránh thai 398 viên; thuốc viên tránh thai 14.137; triệt sản nữ 97 ca; bao cao su 5.912 bao, đạt 114%/106% so với cùng kỳ năm 2013. Đặc biệt, gói phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản tăng 275% so với 123% cùng kỳ năm 2013, trong đó số lượt phụ nữ được điều trị phụ khoa đạt gần 400% (1.491 ca được điều trị/388 ca theo kế hoạch đề ra).
Để đạt được kết quả nêu trên, các Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở y tế đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất; trang-thiết bị, nhân lực thiết yếu, vật tư đáp ứng đầy đủ cho cung cấp dịch vụ. Cùng với đó, 2.820 cộng tác viên dân số-KHHGĐ cũng đã rất nhiệt tình trong công việc. Vì thế, không chỉ những xã có mức sinh cao chọn triển khai chiến dịch mà các xã, thị trấn còn lại cũng rầm rộ thực hiện, được đông đảo các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tham gia. Đặc biệt, những ngày diễn ra chiến dịch, các Trung tâm Dân số-KHHGĐ các huyện, thị xã, thành phố kết hợp chặt chẽ với các bệnh viện, ưu tiên hỗ trợ phẫu thuật cho các trường hợp tự nguyện đình sản trong suốt đợt diễn ra chiến dịch tại cơ sở.
Ảnh: Đức Thụy |
Tuy nhiên, ở những vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận lựa chọn các biện pháp tránh thai còn khó khăn. Nhất là mấy năm trở lại đây, các gói dịch vụ được thực hiện thường xuyên tại trạm y tế không còn chế độ cấp thuốc miễn phí, nên nhiều chị em ít tham gia khám phụ khoa vào mỗi đợt diễn ra chiến dịch như trước. Về vấn đề này, bà Đinh H’Nghĩa-Chi cục trưởng Chi cục Dân số- KHHGĐ-cho biết: Chế độ cấp thuốc miễn phí trong các đợt diễn ra chiến dịch, hiện nay tỉnh ta đang triển khai giải pháp tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai như: bao cao su và viên uống tránh thai, còn các biện pháp tránh thai khác vẫn cấp miễn phí. Trước đây, nguồn phương tiện tránh thai hầu hết phụ thuộc viện trợ nước ngoài (chiếm 86%), nhưng đến nay chỉ còn dưới 10%, đòi hỏi phải đẩy mạnh xã hội hóa và cần có sự cùng chi trả của cộng đồng cho nhu cầu phương tiện tránh thai. Do vậy, Bộ Y tế đã xây dựng “Đề án tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai phục vụ chương trình dân số-KHHGĐ giai đoạn 2011-2020”. Với mục tiêu tạo nhu cầu và tăng khả năng tiếp cận bao cao su, viên uống tránh thai, thực hiện lộ trình giảm trợ giá, đồng thời bảo đảm duy trì khả năng tiếp cận với bao cao su, viên uống tránh thai miễn phí cho các nhóm đối tượng. Vì thế, đối với tỉnh ta, đây thực sự sẽ là một thách thức lớn đối với công tác tuyên truyền cũng như thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch về dân số-KHHGĐ của tỉnh, khi mà tâm lý “trông chờ” vào Nhà nước trong nhân dân vẫn còn tồn tại.
Những ngày đầu tháng 7, chiến dịch đợt II tiếp tục được triển khai ở những xã còn lại. Vì vậy, để chiến dịch đạt và vượt kế hoạch đề ra, cũng theo bà Đinh H’Nghĩa thì Chi cục tiếp tục chỉ đạo ở cơ sở là bám sát nội dung hướng dẫn thực hiện trong năm, với một mục tiêu là ổn định mức sinh, nâng cao chất lượng dân số, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, Chi cục tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác truyền thông có sự phối hợp của nhiều lực lượng, trong đó, đặc biệt chú trọng đến vai trò đội ngũ cộng tác viên, cán bộ chuyên trách dân số, các ban, ngành, cấp ủy chính quyền, đoàn thể xã hội và cán bộ y tế cung cấp các dịch vụ; trên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp tài liệu các điểm cung cấp dịch vụ… nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi hành vi trong toàn xã hội về dân số-KHHGĐ với nội dung phù hợp với từng vùng dân cư. Giám sát tiến độ thực hiện chiến dịch, đồng thời thường xuyên kiểm tra việc chuẩn bị công tác hậu cần, nhân lực và giám sát kỹ thuật cung cấp các gói dịch vụ…
Năm 2014, do nguồn kinh phí bị cắt giảm tương đối lớn nên hầu hết các chỉ tiêu của chiến dịch đều thấp hơn so với năm trước. Trong đó, số lượng xã triển khai là 75 xã (ít hơn 22 xã so với năm 2013); phấn đấu đạt 26.455 cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai, trong đó các biện pháp lâm sàng là 19.600 ca; khám phụ khoa cho 2.518 phụ nữ.
Đinh Yến