Một trong những nguyên nhân là Nghị định 202/NĐ-CP trước đó của Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng còn thấp, chưa đủ nghiêm khắc để ngăn ngừa hành vi vi phạm. Vì vậy Chính phủ bổ sung sửa đổi và ban hành Nghị định 95/2011/NĐ-CP, có hiệu lực kể từ ngày 20-10-2011.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh việc nâng mức phạt, Nghị định 95/NĐ-CP còn bổ sung chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm như: Tịch thu tang vật là ngoại tệ, đồng Việt Nam hoặc vàng đối với một số hành vi vi phạm; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ hoặc giấy phép hoạt động kinh doanh vàng 12 tháng khi vi phạm lần đầu và tước không thời hạn khi tái phạm.
Đối với các tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, NHNN có thể đình chỉ có thời hạn hoặc không có thời hạn việc thực hiện một số hoạt động nghiệp vụ liên quan đến hành vi vi phạm hành chính theo quy định tại Luật NHNN Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng.
Trên tổng thể, Nghị định 95 đã tạo ra cơ chế xử lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi vi phạm về quản lý ngoại hối và quản lý kinh doanh vàng, đồng thời cũng đòi hỏi các tổ chức, cá nhân có liên quan nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật.
Sau khi nghị định ra đời, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã có công văn gửi đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn tổ chức thực hiện và phổ biến rộng rãi trong toàn hệ thống, chủ động phát hiện và báo cáo với NHNN về các hành vi vi phạm. Chi nhánh cũng đã có văn bản trình UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện tại địa phương. Theo đó, Chi nhánh sẽ chủ trì kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện nghị định của Chính phủ với vai trò chủ yếu của Thanh tra Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, bên cạnh có sự phối hợp của các ngành: Công an, Quân đội, Tài chính, Công thương.
Đoàn kiểm tra liên ngành này xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên cũng như đột xuất. Bên cạnh đó, Chi nhánh cũng đã có Công văn số 594/GLA-TTGSNH ngày 26-10-2011 thiết lập đường dây nóng số (059)3822313 tiếp nhận thông tin từ các tổ chức, cá nhân phản ánh những vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nghị định 202/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Cho vay, cho thuê tài chính hoặc trả nợ trong nước bằng ngoại tệ không đúng quy định pháp luật; chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài và vào Việt Nam không đúng quy định pháp luật, thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ với nước ngoài không đúng quy định; mua bán, thanh toán ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật; kinh doanh, mua, bán vàng không đúng quy định pháp luật. - Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng đối với cá nhân và tổ chức vi phạm: Hoạt động ngoại hối mà không được cấp phép hoặc giấy phép hết thời hạn hoặc bị đình chỉ; thực hiện dịch vụ kiều hối mà không được cấp phép; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ, vàng mà không có giấy phép; niêm yết giá, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ, vàng không đúng quy định của pháp luật. |
Chắc chắn với việc bổ sung, sửa đổi của Nghị định 95/NĐ-CP của Chính phủ, sự phối hợp và vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, của các địa phương khi triển khai thực hiện, thị trường ngoại hối và vàng trong nước cũng như ở Gia Lai sẽ bình ổn.