Góc ban công yên bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phố với bao ngổn ngang xô bồ, bao vội vã chóng vánh, đâu đó vẫn giữ cho riêng mình những khoảng lặng thuộc về tâm hồn. Đó là một góc ban công hướng ra thênh thang trời xanh mây trắng, nắng loang loáng đậu trên những cánh hoa. Ở nơi ấy, nhịp sống như bánh xe lăn chậm rãi, nhẫn nại. Một ánh nhìn mơ hồ, bâng quơ trước màu hoàng hôn man mác cũng đủ khiến lòng dịu lại, miên man theo tiếng gió hát du dương.
Có những sớm mai tôi ngồi ở ban công lặng nghe tiếng trở mình của thời gian. Chùm hoa giấy đằm thắm thắp lên khoảng trời từng đốm lửa hồng bé nhỏ, rung rinh khe khẽ trong làn gió lành lạnh. Những dây thường xuân biêng biếc, quấn quýt nhau dệt thành một tấm thảm xanh cheo leo quanh cánh cửa sổ khép hờ. Tôi ngồi một mình để những đốm nắng tinh khiết đầu ngày vương trên tóc, chảy xuống vai, xuống bàn tay đang nâng niu từng cánh hồng nồng nàn, ngan ngát. Buổi bình minh có lẽ là món quà vô giá dành riêng cho những người có thói quen dậy sớm, thích tận hưởng cảm giác thanh bình, tự tại, điềm nhiên. Ở góc ban công, bốn bề chỉ có nắng gió, chim muông, lá hoa bầu bạn. Quanh mình ngập tràn niềm thanh thản.
Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Tôi ở phố bao năm, chiều tan tầm chỉ muốn về với căn gác trọ thân thuộc chất chứa vui buồn đã qua, nhấp một ngụm trà nóng rồi ngồi ở ban công đọc một vài trang sách, nghe ký ức ùa về thủ thỉ. Hoặc loay hoay đào đất gieo những hạt giống mới mua về của một loài hoa đẹp, lòng cứ ngỡ như đang gieo cả niềm thương nhớ khoảnh vườn xanh mát ở quê nhà. Có những mảnh hồn quê bình dị vẫn lặng thầm nép sau bao lộng lẫy của phố, nhắc nhớ lòng người tha hương về nguồn cội, nghĩa tình.
Từ ban công, tôi ngồi lặng yên nghe tiếng rao chiều lẻ loi vang lên giữa những tòa nhà kín cổng cao tường, mỗi tiếng rao đi qua để lại trong tôi một niềm riêng man mác. Chỉ cần nghe tiếng rao “Đậu hũ đây…” vọng về khắc khoải là trong tâm trí tôi lại hiện lên bóng hình người phụ nữ lam lũ với vành nón trắng tất tả cùng đôi gióng đơn sơ, dáng người nhỏ bé lọt thỏm giữa tấp nập phố phường. Đó còn là tiếng rao trầm đục của người đàn ông bốn mùa phơi gió phơi sương cùng nồi bắp luộc, của cô ve chai gồng mình đạp chiếc xe cút kít, của chị hàng hoa quả áo đẫm mồ hôi… Mỗi tiếng rao vọng về đều tạc vào lòng tôi những thân phận, những trầm lắng cuộc đời.
Góc ban công cho tôi phút giây sống chậm lại, đối diện với chính mình, biết trân quý từng khoảnh khắc được hòa trong những yêu thương bình dị, ấm áp. Miên man cùng những điều được mất đã qua, để nhận về mình bao lẽ sống sau những thử thách, vấp ngã. Ngồi ở ban công hướng mắt ra xung quanh, tự vẽ trong lòng mình một bức tranh nơi góc nhỏ phố thị với bao mảng màu, vui có, buồn có, ấm cúng và cô đơn, xót xa và hạnh phúc. Một gia đình nhỏ quấn quýt bên nhau, những đứa bé ríu rít bên người mẹ đang phơi quần áo. Một thiếu nữ ngồi bó gối ở ban công nhìn xa xăm như đợi chờ ai. Một cậu nhỏ cắm cúi vào màn hình điện thoại cùng những trò chơi bất tận… Tất cả tạo nên nhịp sống đều đặn từng ngày.
Góc ban công là nơi tôi đồng điệu cùng phố, nơi tôi vẫn ngồi ngắm trăng những ngày rằm, hát vu vơ để dặn lòng quên đi nỗi buồn vô cớ. Đó còn là nơi lặng thầm gắn bó cùng tôi qua bao chông chênh giữa xứ người xa lạ, để mỗi lần rời phố về quê, lòng vẫn nao nao nhớ một góc nhỏ yên bình…
TRẦN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.