Truyện ngắn: Trở về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quán bên đường nằm sát mé kênh thì lấy đâu ra sạch sẽ. Thế mà khách vừa đứng lên đã có người khác ngồi xuống.
 



Thằng nhóc phụ quán nhăn nhó rút cái khăn trên vai lia vài đường cơ bản. Dưới đất đã được trải thảm bằng giấy lau, cọng rau, vỏ đậu phộng, còn có cả hạt xoài.

Thằng nhóc bán đậu phộng, trứng cút, xoài keo sà tới cạnh hắn.

- Anh Ba mua giùm em món gì đi. Ế quá!

Hắn liếc nhìn thằng bé, sáng sủa lanh lợi. Hắn cười sau khi dốc vào họng ly nước bé xíu nhưng cay nồng.

- Giỡn với ai chứ đừng qua mặt anh đây. Ai không biết bây vừa bán hết sẽ có đứa châm thêm liền, và sẽ ca bài ca ế quá mua giùm đi.

- Có đâu? - thằng nhóc cao giọng vờ thảng thốt. Hắn thò tay lấy hai bịch đậu phộng, thảy cho nó tờ tiền. Nhìn nó he hé cái túi tìm tiền thối, hắn định nói "khỏi thối", may mà kìm được. Những tờ tiền này đâu phải của hắn, là mấy anh em dúi cho hắn, những ngày hắn xài tiền khỏi thối đã trôi xa lắm rồi:

- Hồi anh mày giở mấy trò ma mãnh mày đang xài, mày còn chưa biết ở đâu kìa.

Thằng nhóc nhìn hắn bằng ánh mắt sùng bái. Hắn có chút ngẩn người. Trước khi lầm lạc, mình cũng từng trong trẻo như thằng nhóc này hay sao? Hồi ấy đã bao xa?

Mấy năm nay, hắn ở một nơi rất xa, xa đến nỗi hắn không thể về thăm nhà. Hôm qua, hắn bước ra khỏi cánh cửa ấy, cái áo này là của thằng bạn tặng cho. Đàn anh vỗ vai hắn. Đừng vào đây nữa, ngẩng mặt lên mà làm người.

Hắn tìm về, chỉ còn non cây số, rẽ vào con đường kia, đi qua ít cây xà cừ nữa là sẽ đến ngõ nhà hắn. Nhưng lần khân, hắn rẽ vào đây, ngồi định thần.

Quê hắn thay đổi đến chóng mặt. Nơi này đã có siêu thị. Hắn nhìn những người vào quán, ai cũng xài điện thoại thông minh.

Có tiếng ồn phía sau. Bàn bên cạnh có thêm người đến, họ kéo hai bàn ghép thành một. Một cô gái mặc áo thun có thêu chữ, chống cằm:

- Hồi chiều, tôi đã suýt khóc đấy!

- Ai bắt nạt bạn?

- Bắt nạt gì chứ? Ông khách phải sáu mấy bảy mươi ấy. Ông hỏi mua sữa đi thăm người bị tiểu đường mới ốm dậy. Tôi giới thiệu sữa cho ông, tiện giới thiệu cả hộp yến chưng không đường. Ông ấy đòi lấy cả hai.

Lúc ấy tôi lại buột miệng bảo bác giàu thế. Cơ bản là tôi thấy ông ấy lùi xùi, kham khổ. Tôi cứ nghĩ sẽ bị mắng, nhưng ông chỉ cười. Khi tính tiền xong, ông lại hỏi mượn bút lông và kéo.

- Để làm gì?

- Các cậu đoán không được đâu - cô gái uống ngụm nước - Ông lấy bút lông bôi lung tung lên hộp sữa. Hộp yến đang vuông vắn lịch sự thế, ông cắt cho hơi bấy.

- Chi vậy?

- Vì bà được tặng tiết kiệm lắm. Ông nói nếu biếu nguyên hộp lành lặn thế nào bả cũng mang bán, để dành tiền cho thằng con trai. Bả chẳng dám ăn gì tiêu gì cho mình. Ông sẽ nói đồ này mang từ nhà tới, là do con trai ông được người ta biếu, cháu nội ông lấy chơi phá thành thế này.

- Ông già "mưu mô" thấy thương, phải hiểu phải quý nhau lắm người ta mới nghĩ cho nhau như vậy.

Câu chuyện được đổi đề tài, bông đùa và vui vẻ. Cô nhân viên siêu thị miệng hơi cười theo đám bạn nhưng trong mắt vẫn đầy tâm sự. Hẳn cô bị ông già làm cho cảm động. Hắn nhếch mép cười, biết đâu chỉ là chuyện bịa, nhưng lại thoảng qua trong đầu câu hỏi: Con của bà đó làm gì mà bả phải ăn tiêu tằn tiện? Phải chăng gã trai ấy muốn cưới vợ thành phố, muốn đi tay ga thay vì xe số...

Hắn dốc ực vào họng ly cay cuối cùng. Biền biệt hơn ba năm, hắn chưa từng về thăm mẹ trừ những lần được phép gọi điện. Mẹ hắn nghĩ hắn đi làm ăn xa, bận rộn không về. Mẹ hẳn không ngờ hắn ở nơi thời gian trôi chậm nhất.

Tự do, hắn thấy cần phải về một chuyến, dù chưa nghĩ mình sẽ ở lại. Ở quê biết làm gì mà sống. Chệnh choạng, hắn chân thấp chân cao rẽ vào con đường nhỏ, cái balô lắc lư trên lưng. Trong ấy ngoài bộ đồ đã cũ hắn mặc hồi vào đấy, chỉ có một gói bánh quy. Là của đại ca cho, nói mang về cho mẹ.

Cổng chỉ khép hờ nên hắn vào dễ dàng. Hắn đứng ngoài cửa sổ nhìn vào, mẹ hắn đang nằm trên giường, cái giường có hai chân kê bằng gạch.

- Ai đấy?

Tiếng mẹ khàn khàn. Mẹ gầy và già đi trông thấy. Hắn luôn nghĩ dù hắn có đi đâu thì mẹ vẫn ở đó, chỉ cần quay đầu lại là nhìn thấy. Nay hắn mới thấy sợ, nếu trong thời gian hắn mất tự do ấy, mẹ hắn không trụ nổi mà về trời, hôm nay hắn sẽ thấy gì? Một ngôi nhà sân đầy lá rụng và thêm tấm hình trên tủ thờ?

Hắn rùng mình ớn lạnh, vội lên tiếng khi thấy mẹ đưa chân xuống đất:

- Là con đây.

Khỏi nói mẹ vui thế nào. Bà khi cười khi khóc, hỏi han đủ điều, lúc mắng lúc vò tóc hắn như thể hắn còn là thằng nhóc lên tám trong một buổi chiều học thuộc hết bảng cửu chương bốn. Mẹ hì hụi nấu cho hắn tô mì với hai quả trứng mặc kệ hắn nói mới ăn.

Hắn ngoan ngoãn ngồi ăn trước nụ cười của mẹ rồi ôm cái bụng no tròn đi ngủ. Lạ là hắn ngủ rất ngon.

Thức giấc khi trời còn chưa sáng, hắn ra sân vươn vai, nhăn mày nhìn vườn đầy cỏ - chỗ mẹ hay trồng rau nay bỏ đó. Hắn lấy cái cuốc dựng gần ảng nước, giơ cao, gì chứ việc này hắn đã nhuyễn lắm rồi.

Mẹ đi chợ về, đưa cho hắn bọc lá chuối.

- Xôi bắp đó. Xôi bắp bà Chín ngày xưa con thích đó, bả mất rồi, giờ con gái bả bán. Sao con dậy sớm vậy?

Hắn cười, đón cái giỏ trên tay mẹ mang vào bếp, nâng bịch lá chuối lên gần mũi nghe mùi mỡ hành sực lên. Lúc quay ra, mắt hắn chạm phải vỏ hộp sữa, hộp yến vứt trong góc bếp. Không hiểu sao nhìn những đường gạch dọc ngang chi chít, hắn thấy quen thuộc, ngực thắt lại.

Lúc đưa tay lên chùi mặt, hắn mới phát hiện ra mình vẫn cầm gói xôi. Mùi mỡ hành thôi mà, làm sao lại khiến hắn phải rơi nước mắt?

Theo NGUYỄN THỊ THANH BÌNH (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...