Gỡ khó cho hàng nghìn dân "sống lậu" trên chính quê hương mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Liên quan đến sự việc Báo Lao Động phản ánh về việc “hàng nghìn dân “sống lậu” trên chính quê hương mình”, Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông vừa có báo cáo đề xuất các phương án tháo gỡ khó khăn cho người dân của tỉnh Lâm Đồng nhưng sinh sống, sản xuất trên địa giới hành chính của tỉnh Đắk Nông quản lí.
Đắk Nông và Lâm Đồng sẽ họp bàn phương án xử lí vay vốn ngân hàng tái đầu tư phát triển kinh tế. Ảnh: Phan Tuấn

Đắk Nông và Lâm Đồng sẽ họp bàn phương án xử lí vay vốn ngân hàng tái đầu tư phát triển kinh tế. Ảnh: Phan Tuấn

Nhiều bất cập ảnh hưởng đến dân

Theo Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông, do yếu tố lịch sử nên đang có khoảng 600 hộ, với 2.712 nhân khẩu người dân của các xã Đạ K'Nàng, Phi Liêng thuộc huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng sinh sống trên phần đất của xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông quản lí.

Khu vực các hộ dân đang sinh sống và canh tác nói trên nằm cách trung tâm xã Đắk Som khoảng 120 km, giao thông đi lại rất khó khăn; cách trung tâm huyện Đắk Glong khoảng 140 km. Trong khi đó, phần đất này của tỉnh Đắk Nông lại cách trung tâm xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông chỉ chừng 3 km, giao thông đi lại rất thuận lợi.

Tổng số diện tích đất các hộ dân Lâm Đồng đang sinh sống và canh tác tại tỉnh Đắk Nông là 1.502,94 ha.

Hiện phần lớn số diện tích này nằm trong khu vực đã được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt đưa ra ngoài quy hoạch Vườn quốc gia để giao trả địa phương quản lí với tổng diện tích là 1.588,72 ha. Số diện tích còn lại khoảng 26,48 ha thuộc "quy hoạch Vườn Quốc gia Tà Đùng đến năm 2030", quy hoạch đất rừng đặc dụng. Hiện trạng đất nông nghiệp, chủ yếu trồng cà phê.

"Người dân đã sinh sống, canh tác, xây dựng nhà cửa kiên cố ổn định tại khu vực vùng đệm của Vườn Quốc gia Tà Đùng đã nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến nay, họ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên hạn chế quyền sử dụng, không được thế chấp để vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế ảnh hưởng đến đời sống và công tác quản lí của chính quyền địa phương" - Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông cho biết.

Liên quan đến sự việc này, UBND huyện Đam Rông (Lâm Đồng) đề nghị đối với các hộ dân đang sinh sống, canh tác tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông tiếp tục được sử dụng thông tin cá nhân như căn cước công dân đã đăng kí tại xã Đạ K’Nàng, xã Phi Liêng của huyện Đam Rông để thuận tiện giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương và việc học tập của học sinh tại khu vực xâm canh.

UBND huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) đề nghị Sở Nội vụ đề xuất với UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng để xem xét có cơ chế đặc thù, đề xuất tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo huyện Đam Rông thực hiện việc quản lí hành chính, quản lí an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đắk Nông và Lâm Đồng sẽ họp bàn phương án xử lí

Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông cho rằng, việc này không bảo đảm quy định. Cụ thể, hiện nay, Đắk Nông có nhiều tiêu chuẩn còn thiếu so với quy định như quy mô dân số khoảng 670.000 người trong khi quy định 900.000 người; diện tích tự nhiên có 6.509,27 km2 trong khi quy định 8.000 km2; đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có 8 đơn vị trong khi quy định là 9 đơn vị.

"Do đó, tỉnh Đắk Nông không đủ điều kiện để đề xuất điều chỉnh ranh giới hành chính theo hướng bàn giao toàn bộ diện tích đất đai, dân số nêu trên thuộc tỉnh Lâm Đồng quản lí" - Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông khẳng định.

Để giải quyết sự việc này, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao cho Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị làm việc giữa UBND của 2 tỉnh để trao đổi, thống nhất giải pháp xử lí toàn diện các vấn đề nêu trên.

Trong đó, về vấn đề quản lí dân cư thuộc về ngành Công an và UBND các cấp; vấn đề quản lí đất đai thuộc về ngành Tài nguyên và Môi trường và UBND các cấp; vấn đề quản lí người dân tộc thiểu số; dân di cư tự do thuộc về Ban Dân tộc và UBND các cấp; vấn đề quản lí địa giới hành chính các cấp thuộc về ngành Nội vụ và UBND các cấp.

Ngoài ra, vấn đề đầu tư xây dựng, quản lí các công trình phúc lợi cho người dân liên quan đến địa giới hành chính như: Trụ sở trường học, điện, đường giao thông... thuộc về UBND các cấp và các đơn vị liên quan.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.