Hàng nghìn người dân “sống lậu” trên chính quê hương mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Do bất cập trong việc chia tách địa giới hành chính, nên đang xảy ra tình trạng hàng nghìn người dân Lâm Đồng bỗng dưng thành "sống lậu" trên chính quê hương của mình.
Hiện trên địa giới hành chính do tỉnh Đắk Nông quản lí đang có hàng trăm hộ dân của tỉnh Lâm Đồng đến dựng nhà sinh sống, sản xuất, phát triển kinh tế. Ảnh: Phan Tuấn

Hiện trên địa giới hành chính do tỉnh Đắk Nông quản lí đang có hàng trăm hộ dân của tỉnh Lâm Đồng đến dựng nhà sinh sống, sản xuất, phát triển kinh tế. Ảnh: Phan Tuấn

Họ dựng nhà sinh sống, sản xuất tại chỗ bao đời nay, nhưng phần đất đó lại thuộc địa giới hành chính của tỉnh Đắk Nông quản lí. Thực trạng này đã và đang làm khó chính quyền của hai tỉnh trong việc bảo đảm an ninh trật tự, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, ngăn ngừa học sinh bỏ học…

Hàng nghìn người dân Lâm Đồng dựng nhà sinh sống trên đất Đắk Nông

Phía sau đỉnh núi Tà Đùng có độ cao 2.000 m đang xảy ra sự việc hết sức kỳ lạ, khi có khoảng 827 hộ, với 3.776 nhân khẩu của tỉnh Lâm Đồng sinh sống, nhưng hồ sơ cư trú và sản xuất lại thuộc phần đất, địa giới hành chính do tỉnh Đắk Nông quản lí.

Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều người dân nơi đây vẫn đang rất mơ hồ, vì thực tế Lâm Đồng mới là quê hương của họ, còn Đắk Nông chỉ mang danh.

Khu dân cư có danh nhưng chưa có phận

Một ngày đầu tháng 6.2023, chúng tôi tìm đến nhà ông K’Krông (47 tuổi) người dân bản địa sinh sống lâu đời trên phần đất thuộc địa giới hành chính của tỉnh Đắk Nông.

Thế nhưng, lạ thay, khi trò chuyện với chúng tôi, ông K’Krông không hề đắn đo mà giới thiệu ngay mình là người ở thôn Păng Dung, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, của tỉnh Lâm Đồng.

Lí giải về việc này, theo ông K’Krông, khoảng 60 - 70 năm về trước, ông bà, cha mẹ của ông đã từng sinh sống ổn định tại vùng đất này.

Tuy nhiên, thời điểm đó, khi đấu tranh với nạn Furo thì người dân tộc Cơ Ho đã di chuyển lên huyện Di Linh cách xa hàng chục kilômét để sinh sống. Mãi đến năm 1983, khi tình hình Furo đã ổn định thì dân làng mới bắt đầu quay về nơi “chôn nhau cắt rốn”.

Hàng chục năm qua, người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau vùng đất này là của huyện Lâm Hà xưa và nay thuộc về huyện Đam Rông của tỉnh Lâm Đồng chứ không nghe ai nói gì về tỉnh Đắk Lắk, rồi sau này là thuộc về tỉnh Đắk Nông (sau khi chia tách tỉnh).

Tương tự, năm 1993, ông Triệu Phúc Nguyên (SN 1968) là người dân tộc Nùng từ tỉnh Bắk Kạn vào vùng đất mới để sinh sống. Theo ông Nguyên, thời điểm đó ông đi cùng vợ và một người con. Đến nay, gia đình ông Nguyên đã có tổng cộng 4 người con, 3 cháu ngoại, 2 cháu nội cùng sinh sống ở khu vực giáp ranh này.

Hiện nay, ông Nguyên cùng con cháu đều có hộ khẩu ở thôn Păng Dung, xã Đạ K’nàng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Trong khi đó, đối chiếu theo địa giới hành chính thì phần đất mà ông Nguyên đang dựng nhà sinh sống, sản xuất lại thuộc về tỉnh Đắk Nông quản lí.

Hơn 3.700 dân Đắk Som chỉ biết quê hương Lâm Đồng

Theo ông K’Krông, mặc dù nơi ông sống thuộc Đắk Som, huyện Đắk Glong, Đắk Nông - theo quản lí Nhà nước, nhưng ông chưa một lần đặt chân đến trung tâm của xã Đắk Som. Hàng chục năm qua, ông K'Krông và người dân nơi đây vẫn luôn nghĩ mình là công dân và đang sinh sống trên phần đất của tỉnh Lâm Đồng.

“Đã 30 năm lập nghiệp ở đây, tôi chưa một lần đến trụ sở UBND xã Đắk Som và UBND huyện Đắk Glong. Gia đình tôi và bà con lối xóm đi chợ, khám chữa bệnh, con cái đi học, họp thôn… đều do các cấp ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng tổ chức, quản lí” - ông K’Krông cho biết thêm.

Ông Trương Hữu Đồng - Chủ tịch UBND huyện Đam Rông - cho biết thêm: "Hiện nay, sự việc người dân Lâm Đồng xâm canh qua địa phận xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đã được các cấp chính quyền của hai tỉnh ghi nhận. Đa số các hộ dân là người dân tộc Dao di cư từ các tỉnh phía Bắc như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn vào đây sinh sống, canh tác từ năm 1995 và một số hộ người dân tộc Cơ Ho di cư từ huyện Di Linh vào lập nghiệp từ trước năm 1990” .

Thống kê của UBND huyện Đam Rông, Lâm Đồng, hiện trên địa bàn các xã Đạ K’Nàng, Phi Liêng đang có 600 hộ/2.712 khẩu đang sinh sống và canh tác tại khu vực xã Đắk Som, huyện Đắk Glong (Đắk Nông). Trong đó, xã Đạ K’Nàng là 373 hộ/1.648 khẩu, xã Phi Liêng là 227 hộ/1064 khẩu.

Tổng số diện tích đất các hộ dân đang sinh sống và canh tác tại khu vực xã Đắk Som là hơn 1.502 ha (xã Đạ K’Nàng 1.235,48 ha, xã Phi Liêng 267,46 ha).

Còn theo ông Trần Nam Thuần - Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, (Đắk Nông) - hiện nay, trên phần đất này người dân đã phát triển nông nghiệp chủ yếu là sản xuất cà phê. Khi cà phê già cỗi, giá xuống thấp, một số hộ dân đã chuyển đổi sang trồng mắc ca, bơ, dổi và trồng dâu nuôi tằm.

Giám đốc Vườn quốc gia Tà Đùng, Khương Thanh Long cho rằng, phần lớn diện tích nêu trên, người dân đã canh tác từ lâu đời, trước khi thành lập Khu bảo tồn vào năm 2003. Trong đó, nhiều diện tích đã được người dân canh tác trước năm 1994.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.