Để dân "sống lậu" 30 năm trên quê hương mình, chính quyền không thể vô can

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần 4.000 người dân ở Lâm Đồng đã dựng nhà sinh sống, sản xuất tại chỗ bao đời nay, nhưng phần đất đó lại thuộc địa giới hành chính của tỉnh Đắk Nông. Sự trớ trêu này tồn tại hơn 30 năm nay vẫn chưa được giải quyết...
Dù là khu dân cư ổn định lâu đời, nhưng 4.000 dân Đam Rông, Lâm Đồng lại chưa được cấp sổ đỏ, mang tiếng "sống lậu". Ảnh: Phan Tuấn

Dù là khu dân cư ổn định lâu đời, nhưng 4.000 dân Đam Rông, Lâm Đồng lại chưa được cấp sổ đỏ, mang tiếng "sống lậu". Ảnh: Phan Tuấn

Theo phát hiện của phóng viên báo Lao Động, hiện có khoảng 827 hộ, với gần 4.000 người dân huyện Đam Rông, Lâm Đồng đã sinh sống trên chính quê hương của mình, nhưng hồ sơ cư trú và sản xuất lại thuộc phần đất, địa giới hành chính do tỉnh Đắk Nông quản lý.

Gần 4.000 dân này dù trên hồ sơ pháp lý là thuộc xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, Đắk Nông, nhưng cả đời họ chưa từng đặt chân đến trụ sở UBND xã, huyện bên tỉnh Đắk Nông. Bởi, muốn đến trụ sở UBND xã, dân ở đây phải vượt qua đỉnh Tà Đùng cao 1.982m, băng qua "vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên" rộng xấp xỉ 3.600ha... Hoặc đi đường vòng, từ nhà đến xã hơn 100km.

Chính quyền huyện Đam Rông, Lâm Đồng cũng không thể "bỏ rơi" con dân mình. Vì vậy, từ lâu đã đầu tư xây dựng trường học, trạm xá, cấp điện, làm đường... Nhưng, vì xây dựng trên đất của Đắk Nông nên những công trình này coi như xây trái phép hết.

Phần lớn người dân ở đây là đồng bào thiểu số Cơ Ho bản địa, và người Dao di cư từ Bắc vào. Nhưng việc di cư, xâm lấn đất rừng, định cư này của họ đã diễn ra từ những năm 1990-1995. Nhiều gia đình đã ở 3-4 thế hệ.

Điều quá lạ là vì sao thực trạng này tồn tại hơn 30 năm nay không được giải quyết?

Càng khó hiểu hơn, khi đây chưa phải cá biệt. Bởi hiện đang xảy ra trường hợp tương tự, khi 238 hộ với hơn 1.000 người Ca Dong xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cũng sinh sống, canh tác trên địa bàn xã Đăk Nên, huyện Kon Plông (Kon Tum).

Quảng Nam cho rằng quá trình đo đạc trước đây có sai sót (do máy móc sơ sài, sai số lớn, bản đồ hiện trạng sử dụng đất được vẽ trong phòng và không kiểm tra lại thực địa) nên đường địa giới hành chính không trùng khớp thực tế quản lý... Kon Tum thì nói không sai về địa giới, mà do dân Quảng Nam xâm canh rồi xâm cư trên đất của địa phương mình. "Tranh chấp" này cũng đã tồn tại hơn 40 năm nay mà chưa có hồi kết.

Phải chịu cảnh "sống lậu" nên người dân thua thiệt đủ bề. Nhà không sổ đỏ, xây dựng không xin được phép, khó khăn trong vay vốn, mua bán, sang nhượng...

Di dời ngàn dân ra khỏi quê hương của họ không phải chuyện dễ, nhưng điều chỉnh địa giới hành chính không phải quá khó. Không hiểu vì sao các địa phương chưa có đề xuất đến Quốc hội.

Lo cho dân là lo từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ. Bỏ dân lâm cảnh "sống lậu", khó khăn trở ngại kế tục nhiều đời, qua nhiều thập kỷ như thế này, rõ ràng chính quyền các địa phương... đã chưa hết trách nhiệm. Không thể vì sự việc kéo dài quá lâu, qua nhiều nhiệm kỳ mà các thế hệ cán bộ đều cho mình vô can.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.