Năm 2023, lực lượng tuần tra 114 đợt (tăng gần 30% số lượt so với 2022), phát hiện, xử lý 532 dây bẫy, 242 bẫy kẹp, 19 lồng bẫy bằng lưới sắt. Ấy là chưa kể người dân tự gỡ, nộp 14 bẫy kẹp và có thêm 9 vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp với 14 đối tượng. Được cứu từ các bẫy này chỉ có 2 cá thể sóc, 1 chuột, 1 chim chào mào, 1 cá thể chồn đã bị bẫy chết. Còn bao nhiêu động vật hoang dã bị săn bắt với số lượng bẫy nhiều khủng khiếp nêu trên thì không thể biết.
Dù lực lượng chức năng liên tục tuần tra, nhưng việc người dân, du khách vẫn tự do đi lại trên tuyến đường du lịch xuyên qua bán đảo đã khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Kẻ xấu cũng nhân đó để lợi dụng trà trộn, xâm nhập bẫy bắt động vật hoang dã.
Với đặc thù rừng ở giữa cộng đồng, có lẽ biện pháp bảo vệ hiệu quả nhất là xây dựng một cộng đồng giữ rừng bền vững? Trong đó, dân cư ở gần rừng khu vực P.Thọ Quang (Q.Sơn Trà) đóng vai trò quan trọng.
Cần tăng cường trách nhiệm, thậm chí là chế tài bên cạnh quyền lợi đối với các hộ trồng rừng, nhằm "lập vành đai" bảo vệ rừng. Từ đó, lực lượng bảo vệ rừng có thêm đầu mối thông tin, tai mắt nhân dân trong việc kịp thời nắm bắt từ cơ sở. Tuy nhiên, thay vì trồng keo, bạch đàn, địa phương nên khuyến khích các tổ chức, cá nhân chuyển đổi sang trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn với các loài cây bản địa theo xu hướng chung. Những loài cây gỗ lớn không chỉ có giá trị kinh tế, môi trường mà còn hạn chế được nạn đốt thực bì để tái trồng sau khai thác, ngăn ngừa nguy cơ cháy rừng và chống sạt lở hiệu quả.
Các vụ vi phạm về lâm nghiệp còn cho thấy cơ quan chức năng có thể điểm danh được một bộ phận người dân sống cận rừng còn khó khăn, vẫn còn vào rừng lấy gỗ, săn bắt động vật hoang dã. Do vậy, những người thường xuyên lên rừng chặt cây, đốt than, có tiền án, tiền sự liên quan pháp luật lâm nghiệp... không chỉ bị quản lý như lâu nay mà còn cần được học nghề, giải quyết việc làm. Khi đời sống kinh tế của họ ổn định thì mới thôi nghĩ đến chuyện trở lại "ăn của rừng".