Giữ nếp nhà, rèn nhân cách: Cha mẹ gương mẫu, con cái thuận hòa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nếp nhà là những nền nếp, quy tắc được tạo dựng, gìn giữ lâu dài qua những hành vi quen thuộc. Nếp nhà chúng tôi là cha mẹ gương mẫu, con cái lễ phép, thuận hòa.



Chẳng hiểu sao khi các con còn bé, nựng nịu chúng, tôi hay hỏi: "Mai mốt mẹ già, con có nuôi mẹ không?". Cả hai đứa đều líu lo: "Dạ có. Mai mốt mẹ già, con cõng mẹ như mẹ cõng bà ngoại. Con sẽ mua cá thịt nhiều cho mẹ ăn để mẹ khỏe". Hỏi chỉ để mà hỏi nhưng khi nghe con trả lời vậy, bỗng thấy hạnh phúc ngập tràn.

Bắt đầu từ những chuyện nhỏ

Nuôi con là một trải nghiệm với đủ các cung bậc buồn, vui, sướng, khổ mà những người làm cha mẹ nào cũng phải đi qua. Nhưng để gia đình thật sự là một tổ ấm, hoàn toàn không đơn giản, nó đòi hỏi mỗi thành viên phải nỗ lực từng ngày, từng giờ. "Con mình thì mình thương nhưng cũng phải để cho người khác thương" là câu cha tôi hay nhắc nhở về cách nuôi dạy con. Thương yêu nhưng không cưng chiều vô lối và ngay từ nhỏ phải dạy con biết yêu thương, san sẻ.

Tôi nhớ ngày đó nhà rất nghèo, thường bữa cơm không có nhiều đồ ăn. Chồng tôi lên bàn ăn thì "phần cho con, miếng ngon cho vợ". Tôi nhận lấy song gắp để lại vào chén anh. Con gái thấy vậy cũng gắp phần của nó vào chén của ba và nói "cả nhà thương nhau". Có cái gì ngon, tôi cũng bảo con để phần cho ba trước rồi mới được ăn. Thương con, anh hay cằn nhằn: "Có ít thì để con ăn cho đã đi, để phần anh làm gì?". Tôi nói riêng với anh: "Ít nhiều không quan trọng, ở đây em muốn dạy con phải biết kính trên nhường dưới; phải biết chừa, biết để chứ không ăn tham. Anh không muốn cũng phải ăn…".

Tôi yêu cầu anh phải "hợp tác" để dạy con chứ không được "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược". Biết tôi có lý, anh chấp nhận. Thói quen đó theo con cho tới tận bây giờ khi nó đã trưởng thành. Có gì ngon cũng nghĩ tới ba mẹ, tới em gái; ăn cái gì cũng để phần người vắng mặt trước khi ăn, đi xa về có bánh trái thì sắp lên bàn thờ ông bà trước khi chia cho mọi người…

Nếp nhà tôi bắt đầu từ những chuyện nhỏ như vậy.

 

Bữa cơm gia đình giữ vai trò rất quan trọng trong việc kết nối các thành viên
Bữa cơm gia đình giữ vai trò rất quan trọng trong việc kết nối các thành viên



Luôn bày tỏ tình yêu thương

Tôi vẫn nghĩ mỗi thành viên trong gia đình như một cánh diều. Khi gặp gió, diều sẽ bay lên. Tình yêu thương chính là sợi dây để níu giữ cánh diều khi nó mải mê no gió.

Bất kỳ gia đình nào cũng có vấn đề của nó nhưng cách những thành viên xây dựng ngôi nhà của mình sẽ cho ra cách giải quyết các vấn đề. Khi các con đi học, tôi luôn nhắc nhở: Điểm kém không sao nhưng nói dối là lỗi nặng, sẽ bị xử phạt. Đây cũng là nguyên tắc để các con tôi xử lý những vấn đề khác trong cuộc sống. Nói dối là nguồn cơn của mọi sai lầm. Tôi dạy con dám làm, dám chịu trách nhiệm, không đổ thừa hoàn cảnh, không đổ lỗi cho người khác.

Trong nhà tôi, con cái được tự do bày tỏ suy nghĩ của mình dù nhiều khi ý kiến đó hoàn toàn trái ngược ý của ba mẹ. Chúng tôi không áp đặt con cái theo suy nghĩ của mình, rằng con phải thế này, thế kia mà câu hỏi thường là "Ý con thế nào về vấn đề này?". Những vấn đề rất nhạy cảm như tình yêu đồng tính, quan hệ tình dục trước hôn nhân, có nên đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão, cha mẹ có nên chia tài sản cho con hay không…, các con được thoải mái nêu quan điểm. Trong trường hợp không tìm được tiếng nói chung thì tranh luận tạm dừng, mọi người có quyền giữ quan điểm của mình và người còn lại phải tôn trọng.

Chính sự cởi mở này đã giúp các con thật sự xem ba mẹ là những người bạn tâm giao, mọi chuyện đều có thể nói với nhau, kể cả chuyện "con với người đó chia tay rồi".

Nếp nhà là những gì được tạo dựng lâu ngày, dài tháng qua những hành vi quen thuộc được lặp đi, lặp lại và gìn giữ. Nếp nhà chúng tôi là cha mẹ gương mẫu, con cái lễ phép, thuận hòa. Bữa cơm gia đình giữ vai trò rất quan trọng trong việc kết nối các thành viên, trong đó mẹ là người quan trọng nhất để bữa cơm lúc nào cũng như một bữa tiệc nho nhỏ để mọi người gặp gỡ, chuyện trò.

"Má ơi, hôm nay con bận việc không về ăn cơm trưa nha má", "Em ơi, hôm nay anh đi với bạn về trễ chút, em ăn cơm trước đừng chờ…", thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được từ chồng và con gái những tin nhắn như vậy. Nhờ thế ở nhà tôi không có cảnh người này phải chờ đợi người kia bên mâm cơm mà lòng dạ bồn chồn vì không biết phải chờ đợi đến bao giờ. Đặc biệt, những ngày kỷ niệm của gia đình thì các thành viên dù bận mấy cũng sắp xếp để ở bên nhau.

Trong rất nhiều gia đình hiện nay, nhiều người thấy ngại khi nói lời yêu thương hoặc bày tỏ tình yêu thương bằng cử chỉ, hành động với vợ, chồng hoặc con cái. Điều đó rất dễ dẫn đến sự hối tiếc về sau. Ôm nhau, hôn nhau, gọi nhau bằng những từ ngữ ngọt ngào nhất sẽ làm cho gia đình thêm ấm áp, tình thân thêm gắn bó. Thế thì tại sao chúng ta không làm?



Giáo dục gia đình là nền tảng

Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nền nếp, ông bà, cha mẹ biết yêu thương, giáo dục con cháu. Có thể nói nếp nhà là mầm mống tạo dựng cuộc sống, xã hội xanh tươi, tốt lành.

Với tôi, mẹ là người tạo dựng nếp nhà, là sợi dây xâu chuỗi tình thương cho các con, các cháu... Bà luôn nhắn nhủ con cháu sống cho phải đạo, thuận hòa, biết nhường dưới kính trên, ra đời phải làm ăn tử tế, đàng hoàng, sống phải có đạo đức, chữ tín...

Con cháu đứa nào về thăm bà cũng mừng, cũng dạy; cứ hỏi, cứ nhắc đứa này đến nhà đứa kia, qua nhà đứa nọ... Bà luôn muốn con cháu phải khắng khít, gần gũi nhau. Với bà, không có khái niệm tị hiềm, xa lánh, hẹp hòi; đã cùng huyết thống, phải thương nhau.

Tấm lòng và tình thương quá lớn của bà đã thu phục hầu hết mọi người trong đại gia đình chúng tôi, tạo nên một nếp nhà đầy tình yêu thương, chia sẻ. Bà có tới 10 người con và hàng chục đứa cháu mà không một ai "cạch mặt" nhau có lẽ cũng là phước đức cho dòng họ!

Giáo dục gia đình là nền tảng tạo dựng nhân cách, cuộc sống, xã hội tốt đẹp. Cha mẹ mẫu mực, con cái sẽ nên người là điều hiển nhiên và ngược lại... Xóm tôi có một người đã có gia đình nhưng chỉ biết chơi bời lêu lổng. Hệ quả là vợ bỏ đi, con gái cũng bỏ nhà khi tuổi đời còn rất trẻ, bản thân anh ta sống vất vưởng. Có lần tôi chia sẻ với ba anh ta thì nhận được câu trả lời: "Thây kệ nó, lớn rồi, muốn làm gì làm!".

Anh chị em tôi đã hơn 50, 60 tuổi, vậy mà mẹ vẫn quan tâm chỉ dạy. Đôi lúc thấy "hơi dư" nhưng nghĩ lại cũng không thừa. Tóm lại, giáo dục gia đình hay nếp nhà cần phải kiên trì gầy dựng, bằng trách nhiệm, tình thương, tấm lòng. Trong đó sự gương mẫu của người lớn là điều tiên quyết, là tấm gương cho con cháu noi theo.

Thanh Vân


Theo HỒNG VÂN (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.