Giọt nước mắt ở phiên tòa giết người từ cơn ghen trả thù tình địch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cuộc sống bấp bênh, cơ cực không thể giữ chân được người đàn bà đầu ấp tay gối bấy lâu, dẫu đã có với nhau hai mặt con.

 

 



Trong cơn ghen tức, bị cáo đã rủ người bạn thân cùng cảnh ngộ đi tìm tình địch để trả thù. Kết quả là cả hai phải hầu tòa về tội giết người, để lại cha mẹ già và 5 đứa con thơ dại bơ vơ.

Đứng trước tòa là bị cáo Đỗ Huy Hoàng (29 tuổi) và Đặng Quốc Việt (35 tuổi, cùng ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM).

Cả giận mất khôn

Học hết lớp 10, Hoàng bỏ học chạy xe ba gác để phụ giúp gia đình. Cách đây gần 10 năm, Hoàng gặp L. - một cô gái cùng tuổi, xinh xắn. Lúc ấy nghèo khó nhưng chàng trai tuổi đôi mươi vẫn mơ ước về một mái nhà hạnh phúc, dẫu L. cũng đang lông bông vì không có công ăn việc làm. Lấy nhau về, L. ở nhà, còn Hoàng tiếp tục chạy xe ba gác.

Rồi những đứa con lần lượt ra đời, gánh nặng mưu sinh ngày một đè nặng lên chiếc xe ba gác cà tàng của Hoàng, cho đến một ngày L. đột ngột bỏ đi. "Bị cáo có biết lý do vì sao vợ mình bỏ đi không?" - chủ tọa phiên tòa hỏi.

Hoàng khẽ thở dài, cúp đôi mắt buồn đáp: "Bị cáo cũng không biết lý do vì sao, nhưng bị cáo không đi tìm vợ về. Thi thoảng vợ bị cáo gọi cho bị cáo nói muốn gặp con thì bị cáo chở các con ra cho gặp. Những lần đó đều có Luân (người bị hại) ở đó".

Câu chuyện dần hiện ra qua lời kể của các bị cáo. Sau khi bỏ đi, L. đến chung sống với Luân. Hôm ấy, Hoàng thấy điện thoại có cuộc gọi nhỡ từ một số điện thoại lạ. Hoàng gọi lại thì nghe tiếng L. và Luân đang cãi nhau. Hoàng cúp máy.

Lát sau, điện thoại đổ chuông, Hoàng bắt máy thì nghe đầu dây bên kia là Luân, giọng đầy giận dữ: "Mày gọi L. làm gì, tao không muốn mày gọi L., mày có tin tao đến nhà đâm mày không". Hoàng tắt máy. Đây không phải lần đầu Hoàng hứng chịu sự đe dọa, nhục mạ từ người tình của vợ.

Nhưng cuộc gọi vừa rồi như giọt nước tràn ly làm Hoàng tức không chịu được nữa. Hoàng rủ bạn là Đặng Quốc Việt đi đánh Luân để trả thù.

"Bị cáo thừa biết vợ mình chung sống như vợ chồng với Luân. Nếu thấy vợ chồng không còn tình cảm nữa thì gửi đơn ra tòa ly hôn, sao phải hành xử như vậy?" - chủ tọa truy vấn.

"Bị cáo không hiểu luật, bị cáo sợ đưa đơn ra tòa thì vợ bị cáo sẽ giữ một đứa con. Cũng chỉ vì bị cáo nóng giận quá mới ra cớ sự này..." - Hoàng ngậm ngùi.

Phút "cả giận mất khôn" ấy khiến Luân bị thương tích 56%, còn Hoàng và Việt bị truy tố về tội giết người.

Nước mắt của mẹ

Việt và Hoàng là bạn chòm xóm, cùng làm nghề chạy xe ba gác. Hai năm trước, vợ Việt cũng bỏ đi theo người khác, để lại ba đứa con nhỏ bơ vơ. Cho đến ngày ra tòa, Việt vẫn chưa hết bức xúc giùm bạn.

"Bị cáo nhiều lần thấy Luân hăm dọa đánh Hoàng, thậm chí ngay trước mặt bị cáo. Một đằng lấy vợ của người ta, một đằng hăm dọa đánh người ta, sao mà nhịn nổi. Bị cáo thấy hoàn cảnh của Hoàng cũng giống như mình, hiểu được cảm giác bị vợ bỏ rơi, con cái nheo nhóc thế nào nên mới nổi máu anh hùng", Việt hùng hổ nói.

Do đang chấp hành án trong một vụ án khác nên Luân xin được xét xử vắng mặt và yêu cầu các bị cáo bồi thường 150 triệu đồng. Việt nói rằng mình đồng ý bồi thường nhưng hiện giờ bị cáo không có khả năng bởi cha mẹ đã già không còn lao động được nữa, chạy chợ hai bữa chỉ đủ tiền nuôi mấy miệng ăn.

Còn Hoàng cũng không khá hơn là mấy. Khi xảy ra vụ án, bà Nữ - mẹ Hoàng - chạy vạy được vài triệu đồng đem vào bệnh viện đưa cho gia đình Luân lo thuốc thang: "Nhưng số tiền ấy chẳng thấm vào đâu, tui lại không làm giấy tờ gì nên bên ấy không chịu. Tui năn nỉ họ nhận tạm 50 triệu để bãi nại cho con tui, nhưng họ đòi 150 triệu. Nếu tui có tiền tui cũng đền để cứu con trai tui, nhưng giờ tui lấy đâu ra số tiền lớn ấy" - bà Nữ kể trong nước mắt.

Nghĩ đến hai đứa cháu tội nghiệp ở nhà, bà càng khóc nức nở. "Tui già rồi, bệnh đau suốt. Ngày xưa có nó ở nhà còn phụ ít đồng, giờ mình tui vật lộn với hai đứa nhỏ. Từ khi ba nó bị bắt, hai đứa nhỏ thành thơ thẩn, nhìn chúng nó mà đứt từng khúc ruột".

Từ khi hai bị cáo bị bắt, năm đứa trẻ vốn thiếu tình thương của mẹ, nay cũng không còn sự chăm sóc của cha. Chỗ dựa duy nhất của chúng là ông bà nội, ngoại đã già yếu.

Luật sư bào chữa cho hai bị cáo không tranh luận về tội danh nhưng đề nghị HĐXX xem xét đến yếu tố bị hại chung sống như vợ chồng với chị L. - vợ bị cáo, là hành vi trái pháp luật. Ngoài ra, bị hại còn có hành động đe dọa bị cáo dẫn đến bị cáo ức chế, không kiềm chế được bản thân và xem xét đến hoàn cảnh bi đát của các bị cáo khi lượng hình.

Lời nói sau cùng, Hoàng bật khóc. Không ít lần, Hoàng nói mình rất hối hận. Rằng những ngày trong trại giam, bị cáo luôn nghĩ về nỗi nhọc nhằn của cha mẹ già và sự thiếu thốn của các con thơ khi không có bị cáo.

Rằng giá như bị cáo không quá nóng nảy, giá như bị cáo biết dành tình cảm cho những người xứng đáng. Giọt nước mắt của Hoàng chảy xuống khóe miệng, mặn đắng. Tôi tin rằng nếu được làm lại thì chắc hẳn bị cáo đã không lựa chọn như thế.


 


Cho rằng bị hại cũng có một phần lỗi, TAND TP.HCM tuyên phạt Hoàng và Việt 12 năm tù về tội giết người, ghi nhận sự tự nguyện bồi thường của các bị cáo.

Phiên tòa ấy không có người bị hại, không có người vợ đã thay lòng đổi dạ. Chỉ có những giọt nước mắt rỉ ra không ngừng từ đôi mắt đỏ hoe, kèm nhèm của bà cụ gần 70 tuổi là vẫn cứ rơi vì bị cáo...


Theo TUYẾT MAI (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.