Giới hạn nào cho tổ tự quản an toàn giao thông?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nhiệm vụ của các thành viên tổ tự quản trật tự ATGT chủ yếu là tuyên truyền và nhắc nhở. Để tránh những trường hợp đáng tiếc, gây dư luận xấu như đã nói ở trên, phải chăng cần sự hài hòa từ cả hai phía.

Cách đây gần 1 tháng, đoạn clip ghi lại cảnh giằng co giữa ông Nguyễn Vũ Lâm-nhân viên Tổ trật tự đô thị, giao thông của phường Thắng Lợi (TP. Pleiku) với người bán hàng rong là bà Nguyễn Thị Thạch (SN 1970, trú tại tổ 1, phường Hội Thương, TP. Pleiku) đã lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội.

Trong clip, ông Lâm giằng co mạnh tay khiến bà Thạch ngã nhào xuống đất. Sự việc sau đó đã được UBND phường Thắng Lợi làm rõ, ông Lâm bị đình chỉ công tác 20 ngày, bà Thạch cũng được yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm buôn bán hàng rong trên hành lang đường bộ, chấm dứt hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm danh dự người khác, nếu còn tái phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Ở TP. Pleiku, dọc trên tuyến đường Nguyễn Thiện Thuật (khu vực trước Trung tâm Thương mại Pleiku), cảnh mua bán hàng rong diễn ra thường xuyên. Khi xuất hiện các thành viên Tổ tự quản an toàn giao thông (ATGT) của phường Diên Hồng, người bán mới vội vàng dọn hàng chạy nép vào bên lề hoặc đi sang tuyến đường khác; các hàng quán bên đường cũng nhanh chóng kéo hàng hóa vào bên trong, trả lại lề đường, vỉa hè thông thoáng. Song, khi lực lượng này di chuyển sang nơi khác, cảnh bán mua nhốn nháo lại đâu vào đấy.

Tương tự, mỗi khi có các thành viên Tổ trật tự đô thị, ATGT phường Trà Bá đứng “trấn áp” ngay đầu đường hẻm 339 Trường Chinh thì những người bán hàng rong lùi vào khu đất trống phía sau chợ để bày bán. Còn khi lực lượng này vừa “rút quân” thì họ nhanh chóng tràn hẳn ra đầu con hẻm. Đáng nói, phía trong hẻm là Trường Tiểu học Lê Hồng Phong. Vào mỗi giờ tan học vốn dĩ đã đông đúc xe cộ thì càng thêm nhốn nháo bởi cảnh mua bán tấp nập bên lề đường. Một số thành viên của các tổ trật tự đô thị cũng chia sẻ rằng, đôi khi tuyên truyền, nhắc nhở mãi không được, họ phải sử dụng biện pháp mạnh như: tịch thu hàng hóa, bảng hiệu, đồ dùng buôn bán nhằm răn đe. Người bán thấy bị mất đồ thì chạy theo giành lại làm thành cảnh tượng rất khó coi giữa phố xá mà người bị ảnh hưởng nhiều nhất là các thành viên tổ trật tự. Thế nhưng, nhiệm vụ thì vẫn phải thực hiện.

Việc ra quân, kiên quyết đòi lại vỉa hè cho người đi bộ, ngăn chặn hành vi lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh buôn bán là chủ trương đúng của chính quyền các địa phương. Và dĩ nhiên cần có một lực lượng để thực hiện nhiệm vụ này. Đó là tổ tự quản ATGT hoặc tổ trật tự đô thị, ATGT do chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định thành lập. Mỗi tổ không quá 9 thành viên và do phó trưởng Công an cấp xã làm tổ trưởng. Nhiều năm qua, các tổ này có nhiệm vụ giúp UBND xã thực hiện công tác đảm bảo trật tự đô thị, ATGT trên địa bàn bằng nhiều cách, từ nhắc nhở bằng xe loa, triển khai ký cam kết không vi phạm đến trực tiếp đi thu gom, dọn dẹp hàng hóa. Việc dẹp nạn bán hàng rong trên đường phố cũng là nhiệm vụ của tổ nhằm đảm bảo trật tự và mỹ quan đô thị. Sự cần mẫn, trách nhiệm của lực lượng này đã góp phần không nhỏ trong công tác đảm bảo trật tự đô thị, trật tự ATGT của các địa phương.

Thế nhưng, dường như hệ thống văn bản pháp lý đảm bảo quyền hạn cho lực lượng này làm việc vẫn còn khá hạn chế. Ở Gia Lai, các tổ này được thành lập dựa trên Quyết định số 633/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của tổ tự quản ATGT ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Tổ đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, sự quản lý, điều hành trực tiếp của Chủ tịch UBND cấp xã và hướng dẫn nghiệp vụ của Công an xã. Theo Quyết định, một trong những nhiệm vụ của tổ là hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ; hướng dẫn, vận động người dân không lấn chiếm trái phép lòng đường, vỉa hè, hành lang ATGT đường bộ. Quyết định cũng nêu rõ quyền hạn của tổ là có quyền dừng phương tiện để nhắc nhở, hướng dẫn người điều khiển khi thấy người này có các hành vi lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, chở quá số người, quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm đúng cách, say rượu và các hành vi vi phạm khác… Tổ trưởng tổ tự quản đang thi hành nhiệm vụ, phát hiện vi phạm hành chính trật tự ATGT thì lập biên bản vi phạm và quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền.

Như vậy, nhiệm vụ của các thành viên tổ tự quản trật tự ATGT chủ yếu là tuyên truyền và nhắc nhở. Để tránh những trường hợp đáng tiếc, gây dư luận xấu như đã nói ở trên, phải chăng cần sự hài hòa từ cả hai phía. Một bên là thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, chuẩn mực; một bên là ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, địa phương. Tất cả đều cùng hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn, trật tự, đô thị văn minh.

Có thể bạn quan tâm

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

Hạ tầng giao thông đổi thay vùng khó

(GLO)- Mạng lưới giao thông kết nối đang được tỉnh Gia Lai quan tâm đầu tư, nhiều dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đường đến vùng khó đang dần hoàn thiện mang đến cơ hội phát triển, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ghi trên đường 14

Ghi trên đường 14

(GLO)- Từ hạ tuần tháng 4, những cơn mưa đầu mùa đã làm dịu đi cái nắng nóng cực điểm của mùa khô Tây Nguyên. Những cánh rừng khộp thôi lá đỏ, thay vào đó là màu xanh biếc vĩnh cửu của đại ngàn.