(GLO)- Thực hiện đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, chức sắc, chức việc và bà con giáo dân ở giáo xứ La Sơn (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, Gia Lai) luôn nêu cao tinh thần đoàn kết lương giáo, đoàn kết các tôn giáo, tích cực lao động sản xuất, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng nông thôn mới, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Giáo xứ La Sơn được hình thành từ một giáo điểm có ít giáo dân di cư tự do vào năm 1922. Năm 1959, nhiều giáo dân ở tỉnh Quảng Bình vào xã Ia Băng (huyện Đak Đoa) lập nghiệp, khu vực này phát triển dần thành các giáo họ. Sau ngày đất nước thống nhất, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các giáo họ đã phát triển thành giáo xứ La Sơn. Năm 2003, khu nhà thờ, nhà xứ, nhà giáo lý, nhà truyền thông, nhà vui chơi giải trí, vườn hoa cây cảnh, sân sinh hoạt cộng đồng... của giáo xứ được đầu tư xây dựng khang trang. “Hiện nay, giáo xứ có hơn 700 hộ với hơn 3.000 giáo dân sinh sống tại 6 giáo họ thuộc 12 thôn, làng của xã Ia Băng. Nhiều năm qua, bà con luôn thực hiện đúng giáo lý, giáo luật của người Kitô hữu và chính sách, pháp luật của Nhà nước; đời sống tinh thần, vật chất của giáo dân cũng dần tốt lên”-Linh mục Vinh Sơn Phêrô Nguyễn Văn Dương-Chánh xứ giáo xứ La Sơn-chia sẻ.
Nhà thờ giáo xứ La Sơn (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, Gia Lai). Ảnh: H.C |
Gần đây, người dân xã Ia Băng nói chung, bà con giáo dân La Sơn nói riêng có thêm nhiều niềm vui khi Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, thực hiện nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo, các dự án xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc... Từ đó, chất lượng cuộc sống của nhân dân được cải thiện, quyền tự do tín ngưỡng tiếp tục được đảm bảo, đường hướng “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc”, phụng sự thiên Chúa, phục vụ Tổ quốc và dân tộc thêm phần ý nghĩa, kinh tế-xã hội có những chuyển biến tích cực. Giáo dân Vũ Đức Liệu (thôn 2, xã Ia Băng) bộc bạch: “Được sinh sống ấm no, được tự do tín ngưỡng, giáo dân ai cũng vui mừng”.
Giáo dân giáo xứ La Sơn hiện đã cơ bản xóa được đói, giảm được nghèo, số hộ khá và giàu ngày càng tăng lên. Nhiều hộ như các ông: Nguyễn Quang Pháp, Nguyễn Quang Đức, Phan Thanh Giảng, Trần Hữu Sanh (thôn 5), Nguyễn Thanh Tùng, Phạm Văn Tinh, Trần Văn Quế (thôn 6)... đã trở thành tỷ phú. Giáo xứ La Sơn còn có nhiều giáo dân là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của các tổ chức Đảng, Nhà nước, đoàn thể xã hội. Ông Trần Hữu Chiến-công chức văn phòng-thống kê UBND xã Ia Băng-phấn khởi nói: Xã Ia Băng có nhiều cán bộ, đảng viên là người theo các tôn giáo. Tôi cũng là người theo đạo Công giáo. Qua gần 20 năm làm cán bộ xã, 15 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi nhận thấy, bà con lương giáo đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, yên tâm đầu tư phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các phong trào của địa phương.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Thịnh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Băng-cho biết: “Chính quyền các cấp luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động theo đúng pháp luật, phù hợp với thuần phong mỹ tục, tập quán truyền thống của dân tộc. Bà con giáo xứ La Sơn luôn tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua yêu nước”.
HOÀNG CƯ