(GLO)- Hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở đóng vai trò là kênh thông tin hữu ích cung cấp, chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của pháp luật và Nhà nước cũng như phản ánh các hoạt động kinh tế-xã hội ở địa phương đến người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, hoạt động của các Đài Truyền thanh cơ sở ở tỉnh ta hiện đang đứng trước nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác tuyên truyền tại cơ sở.
Nhiều bất cập
Hệ thống phát thanh ở xã Ia Kla hoạt động khá hiệu quả. Ảnh: P.L |
Mỗi ngày, Đài Truyền thanh cơ sở sẽ tiếp sóng các chương trình của Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Đài Tiếng nói Việt Nam. Một số đài xã còn tự sản xuất chương trình bản tin của địa phương, tuy nhiên, số đài làm được điều này rất ít. Tùy vào tình hình thực tế, mỗi đài sẽ có những khung giờ phát sóng khác nhau, thường thì khoảng 3 lần một ngày, từ 5 giờ đến 7 giờ, 11 giờ đến 12 giờ, 17 giờ đến 19 giờ.
Thực tế cho thấy, đa số người dân, nhất là ở cơ sở đều bận rộn với công việc sản xuất nên việc tiếp nhận thông tin qua hệ thống phát thanh cơ sở là hình thức phù hợp nhất. Chị Ksor HNgun (làng Kắt, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) chia sẻ: “Công việc bận rộn nên tôi không có nhiều thời gian xem ti vi hay đọc báo. Nhờ có loa truyền thanh phát đi, phát lại nhiều lần nên chúng tôi vừa làm việc vừa có thể nắm được thông tin kịp thời, rất tiện ích”.
Tiện ích là thế, nhưng hiện nay, cơ sở vật chất là một trong những khó khăn hàng đầu của hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở. Hầu hết thiết bị không được đầu tư đồng bộ nên chưa phát huy hết công suất và hiệu quả sử dụng. Một số trang-thiết bị được đầu tư từ rất lâu nên xuống cấp và lạc hậu; hệ thống loa ngoài trời bị hư hỏng nhiều do thời tiết, phần nào ảnh hưởng đến hoạt động thông tin tuyên truyền. Một số đài xã có thiết bị tiếp sóng nhưng hệ thống loa tại các điểm thôn, làng quá ít, trong khi địa bàn lại rộng, dân cư sống không tập trung nên việc tiếp nhận thông tin không đảm bảo. Đa phần các Đài Truyền thanh xã đều không được bố trí phòng máy riêng mà chỉ được bố trí tạm tại các phòng làm việc của các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, phòng Công an xã… nên khâu quản lý, bảo quản rất khó. Nhân viên trực đài không được tập huấn về chuyên môn và kỹ thuật, nên mỗi lần thiết bị hư hỏng phải nhờ sự hỗ trợ của Đài Truyền thanh-Truyền hình cấp huyện. “Được đầu tư từ năm 2005, sau nhiều năm sử dụng, đến nay, hệ thống bộ thu và máy phát của Đài Truyền thanh xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) đã xuống cấp, bị nhiễu tần số liên tục. Đài xã cũng đang thiếu thiết bị để điểm tin hay thông báo về tình hình kinh tế-xã hội của địa phương. Xã có 13 thôn, làng nhưng do chưa đủ kinh phí, nên mới chỉ có 8 thôn, làng có cụm loa phát thanh nên thông tin vẫn chưa thể truyền tải đến tất cả hộ dân trong xã”-chị Mai Thị Thúy-cán bộ Đài Truyền thanh xã Hà Bầu trăn trở.
Bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất, vấn đề nhân lực cũng là một trong những yếu tố khiến công tác truyền thanh cơ sở gặp nhiều thách thức. Thực tế, đội ngũ cán bộ Đài Truyền thanh cấp xã đều hoạt động bán chuyên trách nên chỉ được hưởng 85% mức lương cơ bản. Bên cạnh đó, đội ngũ này không được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ nên kỹ năng khai thác thông tin, viết bản tin không hiệu quả, chất lượng của chương trình truyền thanh không cao. Vì thế, họ không thiết tha gắn bó, không nhiệt tình với công việc của mình.
Giải pháp nào cho truyền thanh cơ sở?
Mỗi lần có thông báo, chị Nguyễn Thị Thu Huyền-cán bộ văn hóa xã Bàu Cạn phải chở bộ loa đi vòng quanh 6 thôn. Ảnh: P.L |
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 136 xã có đài phát thanh, nhưng chỉ khoảng 50% đài xã hoạt động có hiệu quả, còn lại hoạt động cầm chừng. Ở mỗi địa phương, hệ thống truyền thanh cơ sở lại hoạt động theo hình thức khác nhau, không có sự đồng nhất. Đơn cử, xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông) hiện tại không có Đài Phát thanh cơ sở. Chị Nguyễn Thị Thu Huyền-cán bộ văn hóa xã Bàu Cạn, cho biết: “Tôi đảm nhận công tác văn hóa ở xã từ năm 2006, mỗi khi có vấn đề cần tuyên truyền, chỉ có thể phát qua một loa cầm tay nhỏ. Năm 2014, xã đầu tư thêm bộ loa, mỗi lần có văn bản chỉ đạo của huyện và xã, tôi tự đọc và ghi âm vào điện thoại cá nhân, ra cửa hàng điện thoại nhờ chuyển vào thiết bị USB rồi cắm vào hệ thống loa. Sau đó, chở thiết bị này chạy vòng quanh 6 thôn để thông báo cho mọi người. Người dân nhiều khi không thể nắm bắt được các thông tin tuyên truyền”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quốc Thành-Trưởng phòng Báo chí-Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Trước đây, các đài xã chủ yếu được đầu tư từ nguồn ngân sách của UBND huyện hoặc từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở. Tuy nhiên, hệ thống phát thanh cơ sở hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi đã chỉ đạo cho các địa phương rà soát, kiểm tra thực trạng, thống kê lại hệ thống truyền thanh cơ sở; trên cơ sở đó, đề xuất các biện pháp củng cố, tháo gỡ, nâng cao chất lượng hoạt động; góp phần cung cấp đầy đủ thông tin cho người dân, nhất là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đang đến gần. Để giải quyết được vấn đề này, rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành”.
Phan Lài