(GLO)- Giãn một phần tiểu thương xuống chợ phía Nam Chư Sê được coi là chủ trương cần thiết và hợp lý nhằm giải tỏa áp lực cho chợ Chư Sê trước tình trạng xuống cấp và quá tải trước sự phát triển và nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hóa ngày càng lớn của người dân. Tuy nhiên, sau hơn nửa năm đưa vào thực hiện, liều thuốc hợp thời ấy dường như chưa thể phát huy tác dụng.
“Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”
Thực trạng đối lập ấy diễn ra trên 2 chợ chỉ cách nhau không đầy 1 km. Chợ cũ xuống cấp, bán buôn chật chội, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy chợ luôn tiềm ẩn vẫn tấp nập kẻ bán, người mua; còn ngược lại, ở chợ mới, dù được xây dựng khang trang, sạch sẽ, hệ thống điện, nước đảm bảo vẫn đìu hiu, trống trải. Các giải pháp được chính quyền địa phương và ngành chức năng đưa ra như miễn thuế, miễn phí… cũng chưa thể đủ sức lôi kéo các hộ tiểu thương xuống chợ phía Nam kinh doanh, buôn bán.
Bán tràn ra vỉa hè, lòng đường quốc lộ 14 đoạn mặt trước chợ Chư Sê. Ảnh Lê Hòa |
Đa số tiểu thương buôn bán tại chợ phía Nam Chư Sê đều than phiền về việc buôn bán chậm. Theo quan sát của PV, 8 giờ sáng nhưng chợ phía Nam Chư Sê chỉ có chừng hơn chục sạp rau, hoa quả, hàng khô, quần áo, thịt bày bán. Chị Hồ Thị Huyền-tiểu thương đang bán hàng khô tại đây, cho biết: “Chợ hầu như chỉ buôn bán nhộn nhịp từ 2 giờ đến 5 giờ sáng. Sau đó các tiểu thương lại ùn ùn kéo nhau về chợ cũ (chợ Chư Sê-P.V) để bán. Nhà tôi do không có sạp, không giành được vị trí bán ở chợ cũ nên đành ở lại chứ hàng quán vô cùng ế ẩm. Có hộ bán quần áo chỉ bán được đúng 19 ngàn đồng/ngày”.
Trao đổi với P.V, ông Lê Khắc Hải-Trưởng ban Quản lý Chợ phía Nam Chư Sê, cho biết: Từ 1-6-2013, việc giãn một số hộ kinh doanh hàng tươi sống và các hộ buôn bán lấn chiếm tại 2 tuyến đường bên hông chợ Chư Sê (đường Tô Vĩnh Diện và đường vào Chi cục Thuế cũ-N.V). 3 ngày đầu, tiểu thương chấp hành và thu dọn về bán tại chợ mới rất đông, sau đó không hiểu vì lý do gì, họ quay lại phản đối và bỏ về chợ cũ buôn bán”.
Ông Hải cung cấp một số số liệu, khoảng tháng 8-2013, trung bình mỗi ngày có khoảng 60 hộ kinh doanh, đến tháng 11-2013 khi có quyết định chính thức thành lập chợ, số kinh doanh giảm chỉ còn 48-49 hộ và duy trì cho đến hiện nay.
Ông Dương Thành Long-Trưởng ban Quản lý Chợ Chư Sê, cho biết: “Số hộ kinh doanh hiện thời tại chợ đã lên tới hơn 545 hộ, gây nên tình trạng quá tải dù chợ đã cũ kỹ, xuống cấp và nguy cơ mất an toàn là rất cao (chợ đã 2 lần bị cháy-N.V). Theo kế hoạch, chợ sẽ chỉ giữ lại 100 hộ đang kinh doanh, còn lại buộc phải di dời xuống chợ phía Nam Chư Sê, song hầu hết đều chỉ chấp hành được một thời gian rồi lại quay lại chỗ cũ vì buôn bán ế ẩm”.
Thuốc chưa đủ liều?
8 giờ sáng, khu bán hàng tươi sống chọ Nam Chư Sê không một bóng người. Ảnh Lê Hòa |
Ông Dương Thành Long cho biết thêm, mặc dù ngành chức năng đã thành lập các đoàn liên ngành đi vận động, thuyết phục các hộ tiểu thương di dời và chấp hành chủ trương nhưng họ đều không chấp hành và phản ứng rất dữ dội. “Khó nhất là với một số đã ký hợp đồng buôn bán 30 năm, thời gian buôn bán tại chợ theo hợp đồng của họ vẫn còn nên họ vin lý do đó để không chịu di dời, giãn chợ; các hộ khác cũng nhờ thế hùa theo”-ông Long lý giải.
Về phía tiểu thương, lý do được họ đưa ra là vì xuống chợ mới, việc buôn bán trở nên ế ẩm, khó khăn hơn. Chị Nguyễn Thị Mai-tiểu thương buôn bán thịt, cho biết: “Tôi xuống chợ mới bán được vài tháng thì buộc phải quay lại vì bán quá ế ẩm. Ở chợ cũ mỗi ngày bán được cả triệu đồng tiền hàng, xuống đó giảm chỉ còn vài trăm ngàn đồng, không đủ sống”.
“Các hộ được xem xét giữa lại (100 hộ) kinh doanh dựa trên các tiêu chí như: kinh doanh nhiều năm (10 năm trở lên), có hợp đồng thuê vị trí kinh doanh trong năm 2012 và thực hiện nghiêm chỉnh việc đóng, nộp các loại thuế, tiền lô sạp… Huyện sẽ bố trí đảm bảo việc phân bố kinh doanh đầy đủ các loại mặt hàng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của nhân dân”- ông Dương Thành Long-Trưởng ban Quản lý Chợ Chư Sê, cho biết. |
Điều đáng nói, chính vì sự phức tạp trong việc di dời các hộ dân buôn bán mà địa phương không thể thu được các khoản tiền thuế, phí ở cả hai chợ. “Trước đây, trung bình mỗi năm, tiền phí chợ thu được khoảng 500 triệu đồng, nhưng năm nay không thu được vì tình trạng xáo trộn. Hộ thuộc diện di dời, tất nhiên không thể thu phí người ta, hộ còn lại thì vì chưa đảm bảo mặt bằng kinh doanh cho họ nên cũng không thể thu được”- ông Long lý giải. Ông Long cho biết thêm, sắp tới, Ban Quản lý Chợ Chư Sê dự tính xây dựng phương án và mức thu lệ phí để trình địa phương nhưng chưa biết nếu thực hiện sẽ ra sao trước tình cảnh lộn xộn này.
Cũng xuất phát từ sự lùm xùm này mà từ tháng 10-2013 đến nay, cán bộ và thành viên Ban Quản lý của cả 2 chợ đều chưa có lương. “Kinh phí hoạt động không có, lương nhân viên không, chúng tôi không biết phải xoay xở sao”- ông Lê Khắc Hải, than phiền. Trong khi đó, hàng chục hộ bỏ vốn đầu tư xây dựng ki-ốt, đấu thầu tại chợ mới phía Nam Chư Sê lại chẳng thể kinh doanh. Chị Nguyễn Thị Thiếc, một người dân đăng ký lô sạp tại chợ phía Nam Chư Sê, cho biết: “Tôi vay mượn người thân, ngân hàng hơn 300 triệu đồng đổ vào đấu thầu, xây dựng ki-ốt tại chợ nhưng hơn nửa năm rồi chẳng thể buôn bán gì, tiền lãi vẫn phải chịu trong khi chưa thu một đồng. Người mua không đến, mình mở cửa hàng bán cho ai?”.
Nhà nước thất thu, chợ xây tiền tỷ không phát huy hiệu quả trong khi áp lực tại chợ cũ xuống cấp, mất an toàn vẫn chưa được giải tỏa. Về phần tiểu thương, người không phải nộp các khoản thuế má, người lại điêu đứng vì vốn bỏ ra đành chịu cảnh bỏ không… có đến hàng trăm hệ lụy từ việc không di dời được chợ. Chư Sê đang nỗ lực phấn đấu trở thành thị xã vào năm 2015, việc giải tỏa áp lực để cải tạo, nâng cấp chợ Chư Sê là một điều cần thiết. Rõ ràng, những phức tạp còn tồn tại ngay giữa trung tâm thị trấn là bài toán rất cần được giải quyết dứt điểm để đảm bảo an toàn, thẩm mỹ và trật tự ở một đô thị văn minh.
Lê Hòa