Giai đoạn 2021 - 2025, đầu tư thêm khoảng 729km đường bộ cao tốc Bắc - Nam ​phía Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ngày 4-1, Chính phủ đã trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Một số đoạn của cao tốc Bắc - Nam đã được xây dựng, đưa vào khai thác. Ảnh: TTXVN
Một số đoạn của cao tốc Bắc - Nam đã được xây dựng, đưa vào khai thác. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Theo tờ trình của Chính phủ, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo quy hoạch dài 2.063km, đã đưa vào khai thác 478km, đang đầu tư 829km, còn lại 756km chưa đầu tư. Với vai trò là trục huyết mạch, cần sớm hoàn thành để tạo động lực, sức lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, thực hiện mục tiêu “Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày tờ trình. Ảnh: Quang Phúc
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày tờ trình. Ảnh: Quang Phúc
Trên cơ sở đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, địa điểm: từ Hà Tĩnh (Bãi Vọt) đến Quảng Trị (Cam Lộ), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa), từ Cần Thơ đến Cà Mau. Giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư khoảng 729km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, triển khai theo hình thức đầu tư công. Quy mô đầu tư: phân kỳ xây dựng với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 5.481ha, thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được phê duyệt. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 146.990 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025: bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030: bố trí khoảng 27.324 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án. Sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng cùng với 11 dự án thành phần giai đoạn 2017 – 2020 sẽ nối thông toàn tuyến dọc chiều dài đất nước. Ủy ban Kinh tế nhận thấy, thị trường vốn còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa thông qua thị trường vốn để huy động vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng mà chủ yếu là huy động vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, cùng với những bất cập nêu trên vẫn chưa được khắc phục triệt để thì khả năng các ngân hàng thương mại cho các nhà đầu tư vay vốn để thực hiện dự án theo phương thức PPP là rất thấp.
Do đó, việc Chính phủ đề xuất đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công để bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu “Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông” theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 là có cơ sở. Tuy nhiên, trường hợp dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn ngoài nhà nước cho các dự án giao thông PPP trước đây đã được Quốc hội phân bổ vốn theo kế hoạch, nếu không sẽ ảnh hưởng đến giải ngân vốn theo kế hoạch.
Đồng thời, khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm những tồn tại, hạn chế hiện nay đối với loại hình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông khác theo phương thức đầu tư này, bảo đảm thực hiện thành công chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội về việc thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng.
Về sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn và thu hồi vốn đầu, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần rà soát, bổ sung để bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí cho dự án theo quy định. Về thu hồi vốn đầu tư, Chính phủ dự kiến sẽ thực hiện nhượng quyền thu phí các dự án thành phần của dự án (trong 5 năm đầu có thể thu hồi 18.300 tỷ đồng, trong 10 năm khoảng 37.881 tỷ đồng). Tuy nhiên, cơ chế nhượng quyền thu phí, tổ chức thu phí các dự án đường cao tốc do nhà nước đầu tư đến nay vẫn chưa được ban hành; việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng và công tác tổ chức thực hiện về thu phí tự động không dừng của các dự án giao thông BOT vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập chưa được khắc phục, do đó có thể ảnh hưởng lớn đến việc thu hút các nhà đầu tư tham gia nhượng quyền thu phí. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, khắc phục những tồn tại hạn chế về nội dung này để bảo đảm thực hiện thành công việc nhượng quyền thu phí của dự án.
Về tiến độ hoàn thành dự án, Ủy ban Kinh tế cho rằng, khả năng đến năm 2026 mới hoàn thành toàn tuyến. Do đó, Chính phủ cần xem xét điều chỉnh lại tiến độ hoàn thành của dự án.
PHAN THẢO (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhiều con hẻm trên địa bàn phường Ngô Mây được đổ bê tông xi măng tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: N.M

Phường Ngô Mây nỗ lực đạt chuẩn đô thị văn minh

(GLO)- Thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh và chỉ đạo của cấp trên, đến nay, phường Ngô Mây (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã đạt 6/9 tiêu chí, 49/52 tiêu chuẩn đô thị văn minh.